Liên tiếp những vụ lúa xuân thắng lợi

08:30, 02/07/2024

Mặc dù phải đối diện với nhiều bất lợi, thời tiết rét đậm, rét hại đầu vụ, nắng mưa không thuận, sâu bệnh xuất hiện nhiều với mật độ dầy, diện gây hại lớn và cao hơn nhiều lần vụ trước nhưng ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn tiếp tục giành được vụ lúa xuân thắng lợi toàn diện với năng suất, giá trị thu được cao nhất từ trước tới nay.

Tham quan, đánh giá mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR88 tại xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc).
Tham quan, đánh giá mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR88 tại xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc).

Vụ xuân năm 2024, toàn tỉnh gieo cấy 70.256ha, giảm 138ha so với vụ xuân 2023, trong đó có 43.900ha gieo sạ. Diện tích lúa thuần 65.415ha, chiếm 93% tổng diện tích. Tỷ lệ các giống lúa chất lượng cao đạt 84,3% diện tích, riêng giống Bắc thơm 7 chiếm 57% diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao… Bước vào sản xuất vụ xuân năm nay, do ảnh hưởng đợt rét đậm, rét hại từ ngày 25/2 đến ngày 1/3, nhiệt độ giảm sâu, có ngày dưới 10oC và trong tháng 3, ánh sáng yếu, không có mưa đúng vào thời kỳ chăm sóc lúa xuân đợt 1 sau cấy, do đó lúa sinh trưởng chậm hơn cùng kỳ năm trước từ 5 đến 7 ngày. Đặc biệt, sâu bệnh phát sinh với mật độ rất cao, quy mô phân bố diện rộng, nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy nâu cuối vụ cao gấp 5-7 lần so cùng kỳ vụ trước. Cụ thể, các huyện phía nam tỉnh có mật độ sâu phổ biến 30-50 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2, cục bộ trên 500 con/m2; các huyện phía bắc tỉnh sâu gây hại cục bộ trên diện lúa gieo cấy sớm, xanh tốt. Trước tình hình trên, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã trực tiếp đi kiểm tra đồng ruộng để chỉ đạo công tác phun trừ sâu bệnh trên lúa xuân 2024. Sở NN và PTNT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công điện số 430/UBND-VP3 ngày 4/5/2024 về việc tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân. Tiếp đó, ngày 14/5/2024, Sở NN và PTNT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tích cực phun trừ rầy và sâu bệnh cuối vụ. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, các huyện, thành phố đã tích cực tổ chức chỉ đạo phun trừ đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn lúa xuân không bị sâu bệnh gây hại.

Lúa xuân bắt đầu trỗ bông từ ngày 1/5 và trỗ tập trung từ ngày 10 đến 17/5. Thời kỳ lúa trỗ và chín, thời tiết nắng, nóng thuận lợi nên lúa nhanh chín. Trà lúa mùa sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 1/6. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân huy động mọi lực lượng lao động, phương tiện khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn những diện tích lúa đã chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, đến ngày 20/6, các địa phương đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa xuân. Qua kiểm tra, đánh giá năng suất lúa xuân ước đạt trên 70 tạ/ha, cao hơn 0,03 tạ/ha so với vụ xuân 2023; trong đó giống lúa Bắc thơm số 7 ước đạt từ 60-63 tạ/ha, BC15 từ 72-74 tạ/ha, Đài thơm 8 từ 71-73 tạ/ha, ST24, ST25 từ 65-67 tạ/ha, các giống lúa lai từ 77-79 tạ/ha...

Điều đáng ghi nhận ở vụ xuân năm nay là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được các địa phương, doanh nghiệp và người dân chú trọng áp dụng. Toàn tỉnh đã có 325 máy cấy lúa bằng mạ khay, đảm bảo cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt khoảng 15-20% diện tích, cơ giới hóa khâu làm đất sản xuất lúa đạt 100% diện tích, cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đạt 96% diện tích; xây dựng được 238 cánh đồng lớn sản xuất lúa, màu với diện tích 11.025ha (có 1.940ha được bao tiêu sản phẩm), trong đó có 218 cánh đồng lúa với diện tích 10.435ha, 20 mô hình rau màu với diện tích 590ha… Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất, các địa phương tích cực thí điểm gieo cấy các giống lúa mới để lựa chọn, bổ sung các giống có chất lượng tốt vào bộ giống lúa của địa phương; thí điểm các mô hình canh tác, trình diễn cải tiến phương thức sản xuất, thâm canh... Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed xây dựng mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR87, TBR88 tại các xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) và xã Nam Cường (Nam Trực); Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trực Ninh, Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang triển khai xây dựng mô hình trình diễn phân bón lá hữu cơ PAN tại xã Liêm Hải (Trực Ninh). Mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR87 được thực hiện tại thôn Nguyễn, xã Nam Cường (Nam Trực) với quy mô 1ha; mô hình khảo nghiệm giống lúa TBR88 được thực hiện tại thôn 4, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) với quy mô 0,2ha; sử dụng giống lúa Bắc thơm số 7 để đối chứng ở cả 2 mô hình. Mô hình trình diễn sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN được thực hiện tại cánh đồng Đông Tây Thôn, HTX Trực Liêm, xã Liêm Hải (Trực Ninh) với quy mô 12ha, trong đó mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN là 10,5ha cấy bằng giống lúa VNR20, diện tích 4,5ha, nếp Cô Tiên 2,8ha và nếp Ngọc Lam 3,2ha. PAN là loại phân bón lá hữu cơ thế hệ mới được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ như: đạm cá, tro trấu… Đặc biệt trong phân bón lá hữu cơ PAN có bổ sung các nguyên tố trung lượng canxi và silic được chiết xuất bằng công nghệ nano, có chứa hàm lượng các chất hữu cơ cao (12%), nguyên tố vi lượng (Bo: 3.000 ppm) và bổ sung các chất đa lượng NPK là thành phần thiết yếu giúp cây trồng tăng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu sâu bệnh, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Phan Văn Nho, đội 8, HTX Trực Liêm, xã Liêm Hải cho biết: sử dụng phân PAN chăm sóc lúa giúp tôi giảm 30% lượng phân vô cơ, năng suất lúa cao hơn 15-30%, giảm chi phí đầu tư và tăng giá trị thu nhập.

Vụ xuân 2024 là vụ lúa thứ 7 liên tiếp kể từ năm 2021 đến nay được mùa cả về năng suất, chất lượng lúa giống, lúa hàng hóa và bán được giá, nông dân phấn khởi. Kết quả thắng lợi của vụ xuân là nền tảng quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho nông dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh tiếp tục phát triển.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com