Đảm bảo an toàn nuôi cá lồng trong mùa mưa bão

08:05, 08/07/2024

Tận dụng tiềm năng lợi thế mặt nước, nhiều năm qua, nghề nuôi cá lồng trên sông đã được người dân các huyện Mỹ Lộc, Ý Yên, Xuân Trường… đầu tư nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Bởi vậy, việc đảm bảo cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững luôn được các cơ quan chức năng cũng như các hộ nuôi quan tâm thực hiện, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn cho các lồng nuôi cá trong mùa mưa bão.

Hộ ông Phan Văn Sơn, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) tuyển chọn cá giống trước khi nuôi thả.
Hộ ông Phan Văn Sơn, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) tuyển chọn cá giống trước khi nuôi thả.

Toàn tỉnh hiện có gần 200 lồng cá trên sông. Tất cả số lồng cá trên đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, hoạt động nuôi thả nằm trong sự quản lý chặt chẽ của Sở NN và PTNT nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả cũng như an toàn giao thông đường thủy, không vi phạm vào luồng tàu chạy và hệ thống tuyến cứu hộ. Tuy vậy, mỗi khi vào mùa mưa bão người nuôi cá lồng lại không khỏi thấp thỏm, lo âu. Bước vào mùa mưa bão năm nay, người nuôi cá lồng ở huyện Xuân Trường đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn lồng bè nuôi cá. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngay trước mùa mưa bão, Phòng NN và PTNT huyện đã chỉ đạo các hộ nuôi cá lồng kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng nuôi, đầu tư thêm thùng phao nổi, thay mới những tấm lưới cũ, rách; chủ động tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi mưa to, gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng. Đặc biệt, vào mùa mưa, thời tiết thay đổi, mực nước lên xuống thất thường, là một trong những nguyên nhân làm cho cá dễ mắc bệnh nên phải chú ý bổ sung các loại thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống tốt cho cá, hạn chế dịch bệnh... Gia đình ông Nguyễn Văn Tung, xã Xuân Châu hiện có khoảng 30 lồng nuôi các loại cá như: cá diêu hồng, cá lăng, cá chép giòn... Để bảo vệ an toàn sản xuất cá lồng và tài sản của gia đình, năm nay ông đã mua bổ sung các loại dây cáp, dây chão để chằng giữ hệ thống lồng bè, tránh trôi dạt khi có mưa bão. Ông Tung cũng thay thế một số phi nổi, bổ sung tạo ra 2-3 lớp lưới ở các lồng nuôi, dưới đáy lồng, ông thả các bao cát nặng để cố định lưới, tránh xoắn lưới, va đập khi xảy ra mưa bão. Ngoài ra, ông Tung cũng phân loại, thu hoạch trước số cá đã đạt trọng lượng để giảm thiểu rủi ro. Đồng chí Trần Tùng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Xuân Trường cho biết: “Để bảo vệ an toàn sản xuất, tài sản của các hộ dân nuôi thả cá lồng trên sông, bước vào mùa mưa bão năm 2024, huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người dân chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Cảnh báo, hướng dẫn các hộ kiểm tra lại vị trí đặt lồng cá, tiến hành di chuyển lồng cá vào nơi an toàn. Người dân cần rà soát kỹ lưỡng, gia cố lại trụ cột, thay thế, bổ sung dây chằng định vị, hệ thống phao nổi, lưới cũ, rách, bảo đảm chịu được áp lực, lưu tốc dòng chảy lớn khi xảy ra mưa bão. Đặc biệt, huyện vận động người nuôi tiến hành thu hoạch sớm các lứa cá đạt hoặc gần đạt kích cỡ tiêu chuẩn nhằm hạn chế thất thoát, giảm thiểu thiệt hại kinh tế khi xảy ra thiên tai”.

Hơn chục năm nay, nhiều người dân trong xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đã tận dụng vị trí địa lý nằm ven sông Hồng, con sông lớn đổ về từ thượng nguồn mang theo nguồn phù sa và chất màu dồi dào để phát triển nghề nuôi cá lồng. Ông Phan Văn Sơn là hộ đầu tiên trên địa bàn xã nuôi thành công cá cảnh bằng lồng bè trên sông Hồng. Với gần chục lồng nuôi có diện tích 54m2/lồng, mỗi lồng đầu tư khoảng 50-60 triệu đồng, thả từ 3.000-4.000 con cá giống. Mỗi năm, 1 lồng cho thu hoạch khoảng 3 tấn cá Koi, giá bán thấp nhất từ 150-200 nghìn đồng/kg; những con cá màu sắc đẹp, to có giá bán từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng/con nâng cao giá trị thu nhập từ 500-600 triệu đồng. Nhằm tạo sự an toàn và phát triển lâu dài cho nghề nuôi cá lồng, ông Sơn đã lắp đặt hệ thống lồng nuôi có khung sắt không gỉ, phao nâng bằng cách tận dụng thùng phuy nhựa. Các lồng cá được neo cẩn thận với cọc cố định trên bờ, khi có diễn biến xấu về thời tiết có thể di chuyển về vị trí gần bờ, tránh bị trôi khi nước chảy xiết. Bên cạnh đó, ông thường xuyên kiểm tra, tu sửa lồng bè, vệ sinh, tẩy dọn lồng để đảm bảo nước lưu thông và môi trường trong sạch; gia cố hệ thống dây neo, phao lồng. Trong trường hợp không thể di chuyển được thì ông có thể hạ độ sâu của lồng để giảm bớt tác động của sóng, gió. Ngoài ra ông cũng thường xuyên kiểm tra dây neo, mối hàn, điểm nối để gia cố lại cho chắc chắn, đặc biệt là lưới xung quanh lồng, đáy lồng, lưới chắn mặt lồng để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau mưa bão phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước để có điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, ông cũng chú trọng theo dõi mực nước, thời tiết để chủ động các biện pháp phòng, chống cho sức khỏe của đàn cá.

Theo cán bộ ngành thủy sản, ngoài vấn đề gây xê dịch các lồng nuôi, một nguy cơ khác có thể gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi là lượng nước lớn làm thay đổi đột ngột hàm lượng ô-xy khiến cá dễ bị ngạt. Do vậy các cơ quan chức năng có công văn hướng dẫn chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền đến các hộ nuôi cá lồng phải thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, quan sát môi trường nước để có biện pháp phòng bệnh cho cá. Tích cực chăm sóc, nuôi thả với mật độ thưa giãn, tránh sử dụng thức ăn tươi sống, định kỳ phòng bệnh giúp cá sinh trưởng tốt, tranh thủ thu hoạch rải khi cá đủ kích cỡ để hạn chế tối đa rủi ro và tăng vụ nuôi mỗi năm.

Đang vào thời gian cao điểm của mùa mưa bão, việc triển khai những giải pháp cụ thể, thiết thực của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và sự chủ động của các hộ nuôi cá sẽ góp phần đảm bảo an toàn tốt nhất cho các lồng cá, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com