Chung tay giành lại Thẻ xanh cho ngành thủy sản (Kỳ III)

17:26, 15/07/2024

Bài 1: Những việc cần làm ngay

Bài 2: Quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại

(Tiếp theo và hết)

Sự vào cuộc quyết liệt, tích cực và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và ngư dân trong tỉnh đang mang đến những chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Đây là cơ sở để tỉnh Nam Định cùng 27 tỉnh, thành phố có biển trong cả nước cộng đồng trách nhiệm khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong đợt kiểm tra lần thứ 5 dự kiến vào tháng 10/2024; đồng thời là nền tảng để Nam Định tiếp tục phát triển ngành thủy sản hiệu quả, bền vững.

Phát triển bền vững nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản góp phần giảm áp lực phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản (Trong ảnh: Chế biến ngao sạch  xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định).
Phát triển bền vững nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản góp phần giảm áp lực phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản (Trong ảnh: Chế biến ngao sạch xuất khẩu tại Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định).

Bài 3: Nhiều tín hiệu tích cực

Với bờ biển dài là tiềm năng, thế mạnh để tỉnh Nam Định phát triển nghề khai thác hải sản. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ NN và PTNT về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU, đến nay tỉnh chưa phát hiện tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ. Hoạt động kiểm soát tàu cá ra vào các cảng cá, bến cá cũng như quá trình thực thi quy định của pháp luật trong lĩnh vực thủy sản được tăng cường. Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ NN và PTNT, tỉnh đang tích cực triển khai Dự án nâng cấp Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu), là dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực thực hiện phòng, chống khai thác IUU và phòng, chống thiên tai của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.777 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có 542 tàu có chiều dài từ 15m trở lên, với tổng số 5.367 lao động trực tiếp sản xuất trên biển; 100% tàu cá đã được kẻ biển, đánh dấu theo quy định; gần 99% tàu cá được lắp đặt thiết bị VMS theo quy định; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên được kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật. Đến cuối tháng 6/2024, Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 743/1.229 tàu cá thuộc diện phải cấp phép; trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản đạt 83%, đang rà soát hồ sơ tiếp tục cấp giấy phép cho 52 tàu cá.

Đối với công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá thông qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình (VMS), tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá; ký kết giữa các sở, ngành chức năng và UBND các huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Trực Ninh; ký kết thỏa thuận với tỉnh Kiên Giang về phối hợp phòng, chống khai thác IUU, đồng thời ban hành Quy trình lắp đặt, tháo gỡ, bảo hành thiết bị VMS trên tàu cá tỉnh Nam Định. Chi cục Thủy sản tích cực tham gia xử lý dữ liệu trên hệ thống giám sát tàu cá, phân công cán bộ thường trực hệ thống giám sát tàu cá 24/24h để giám sát, thu thập thông tin hoạt động của tàu cá trên biển, làm cơ sở xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU của các thuyền trưởng, chủ tàu cá khi hoạt động trên biển. Hiện tại đang triển khai thực hiện việc khai báo tàu cá rời, cập cảng bằng hình thức điện tử, đến nay đã làm thủ tục điện tử xuất cảng cho 340 tàu cá và 203 lượt tàu cá cập cảng tại Cảng cá Ninh Cơ và Thành Vui.

Cấp ủy, chính quyền các huyện, xã có tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển tiếp tục vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các ngành, đơn vị liên quan để bảo đảm từng ngư dân, từng chủ tàu, thuyền trưởng biết và thực hiện nghiêm các quy định, chấm dứt các hiện tượng vi phạm để sớm gỡ Thẻ vàng, đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế vì một nghề cá bền vững. Ý thức, trách nhiệm của ngư dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU được nâng lên. Ông Vũ Viết Kỷ, xóm 2, xã Hải Triều (Hải Hậu) chia sẻ: Khi được lực lượng chức năng tuyên truyền về các hành vi vi phạm chống khai thác IUU, chúng tôi đã hiểu và tập trung khắc phục. Cán bộ Đồn Biên phòng xuống tận tàu để tuyên truyền cho các thuyền viên về chống khai thác IUU. Qua đó, chúng tôi đã hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc gỡ Thẻ vàng của EC. Những năm trước, việc đi biển sản xuất, ghi nhật ký khai thác còn ngại thì bây giờ đã trở thành thói quen. Khi ra khơi sản xuất, chúng tôi chấp hành khai thác tại các ngư trường của Việt Nam, không sử dụng các dụng cụ khai thác bị cấm; tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài bởi vi phạm không chỉ bị bắt giữ, phạt tiền mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, nỗ lực gỡ Thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam. Còn anh Phạm Văn Tình, xã Hải Chính (Hải Hậu), chủ tàu cá (biển kiểm soát NĐ92288-TS) cho biết: Để góp phần tháo gỡ Thẻ vàng của EC, tôi luôn thực hiện đầy đủ các quy định trong suốt hành trình khai thác trên biển, chủ động ghi nhật ký khai thác và mở thiết bị VMS, đồng thời liên hệ với Ban quản lý Cảng cá Ninh Cơ khi rời hoặc cập bến. Mình cần thay đổi hành vi của mình nếu điều đó ảnh hưởng đến cả cộng đồng và uy tín quốc gia.

Để mục tiêu nhanh chóng gỡ Thẻ vàng thành hiện thực, trước mắt ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với công tác chống khai thác IUU; triển khai đồng bộ, quyết liệt trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại các cảng cá, việc xuất, nhập cảng cá phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm hải sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Về lâu dài, tỉnh từng bước thực hiện giải pháp chuyển đổi, phát triển ngành nghề bền vững, đầu tư nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, hợp tác công tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; kiện toàn, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho lực lượng kiểm ngư và các cơ quan chức năng quản lý hoạt động thủy sản; trang bị công cụ, phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và chế biến, tiêu dùng, giúp ngư dân giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nuôi, khai thác thuỷ sản, thiết lập chuỗi sản xuất bền vững, hệ sinh thái toàn diện, tạo môi trường thuận lợi cho ngành thuỷ sản phát triển lâu dài theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, giảm phát thải, có uy tín, khả năng cạnh tranh cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thích ứng biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản; phát triển ngành thuỷ sản gắn với bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của ngư dân…

Có thể khẳng định, việc thiết lập cơ sở pháp lý cho quá trình thực thi nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU đã cơ bản hoàn thiện, tạo sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Vấn đề nằm ở việc vận dụng cơ chế pháp lý đó trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra là tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng của EC đối với hải sản của Việt Nam trong năm nay. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt các biện pháp của các cấp, ngành, các địa phương vẫn rất cần sự chung tay phối hợp của cộng đồng ngư dân. Khi ra khơi sản xuất, bà con ngư dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nghề, bảo vệ sinh kế, quyết tâm thay đổi thói quen, nhận thức, chấp hành nghiêm việc khai thác thủy sản đúng vùng, đúng tuyến, đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com