Với trách nhiệm cùng cả nước chung tay tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam trong năm nay, Ban TVTU, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng và các huyện cùng bà con ngư dân đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ Thẻ vàng.
Tập trung quản lý tốt đội tàu giúp ngăn ngừa các hành vi vi phạm khai thác IUU. |
Bài 1: Những việc cần làm ngay
Quy định về Chương trình chống các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (gọi tắt là IUU) được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Thông thường, các quốc gia đánh bắt hải sản trái quy định của IUU sẽ bị phạt Thẻ vàng cảnh cáo trong 6 tháng; nếu không khắc phục các khuyến nghị của EC thì sẽ có nguy cơ Thẻ vàng chuyển thành Thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc hải sản bị cấm vĩnh viễn nhập vào thị trường đầy tiềm năng châu Âu. Hệ lụy khi bị rút Thẻ vàng không chỉ là sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mà còn giảm uy tín và thương hiệu của ngành thủy sản nước ta trên thị trường quốc tế. Ngày 23/10/2017, EC đã quyết định phạt Thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam với lý do vi phạm các nguyên tắc quy định của IUU. Mặc dù đã nỗ lực khắc phục, thực hiện các khuyến nghị của EC nhưng qua 4 lần Đoàn công tác của EC sang kiểm tra về tình hình triển khai chống khai thác IUU mà Việt Nam vẫn chưa được gỡ bỏ Thẻ vàng bởi còn nhiều tồn tại, bất cập cần tiếp tục khắc phục. Gần 7 năm qua, các bộ, ngành Trung ương đến địa phương, trong đó có Nam Định, đã có nhiều nỗ lực để khắc phục, song nỗi lo đổi màu thẻ cảnh báo từ “vàng” sang “đỏ” vẫn thường trực khi các khuyến nghị của EC chưa được giải quyết triệt để.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 67-IUU tỉnh, đến giữa tháng 6/2024 công tác quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) chưa đạt 100% theo quy định do một số tàu đã ngừng hoạt động nằm bờ. Việc đảm bảo duy trì vận hành thiết bị VMS của một số chủ tàu, thuyền trưởng còn nhiều hạn chế, còn nhiều lượt tàu mất kết nối thiết bị VMS trên 6 giờ khi hoạt động trên biển nhưng chưa bị xử lý vi phạm. Công tác rà soát, xác minh các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU (tàu mất tín hiệu thiết bị VMS trên 10 ngày, tàu nằm bờ dài ngày…) của một số địa phương chưa kịp thời; nếu có xử lý mới dừng lại ở việc lập biên bản xác minh, chưa tham mưu xử lý vi phạm đối với những lỗi do nguyên nhân chủ quan ngay tại địa phương. Công tác xử lý các hành vi khai thác IUU còn nhiều hạn chế trong việc phối hợp xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm (không duy trì hoạt động thiết bị VMS, tàu khai thác sai vùng, tàu hoạt động sai nghề). Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng cá còn chưa chặt chẽ, tỷ lệ giám sát sản lượng còn thấp và chưa đồng bộ; tình trạng tàu cá chưa cập đúng cảng chỉ định vẫn diễn ra. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc chủ tàu còn chậm trễ nộp cước phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát; chưa chủ động, không kịp thời sửa chữa khi thiết bị VMS hư hỏng, sự cố để duy trì hoạt động liên tục; thiết bị thiếu nguồn điện. Trên địa bàn tỉnh hiện nay mới có 2 cảng cá được cấp phép hoạt động, trong khi có nhiều bến cá tự phát ở các huyện ven biển. Lực lượng kiểm soát còn mỏng, thiết bị hoạt động thiếu. Đặc biệt, chính quyền cấp huyện chưa quyết liệt vào cuộc xử lý dứt điểm các vi phạm về khai thác IUU ngay tại địa phương.
Công tác quản lý nguồn gốc thủy sản khai thác còn một số tồn tại, hạn chế; từ đầu năm đến ngày 10/6/2024, toàn tỉnh mới chỉ giám sát được gần 1.650 tấn/20.911 tấn hải sản khai thác được. Số tàu/sản lượng thủy sản được giám sát tại Cảng cá Ninh Cơ và Thành Vui (Hải Hậu) là 335 lượt tàu/570 tấn hải sản. Theo nhật ký khai thác tại các bến cá trong tỉnh mới giám sát được 1.183 lượt tàu/1.713 tấn thủy sản. Bên cạnh đó, việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác của đội ngũ thuyền trưởng, chủ tàu còn thực hiện mang tính đối phó, chưa đầy đủ, thiếu chính xác, thiếu trách nhiệm. Các địa phương có tàu cá hoạt động thường xuyên ra, vào neo đậu ở các bãi ngang tại các địa phương ven biển chưa nộp nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát sản lượng hải sản khai thác được. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các sản phẩm thủy sản khai thác của tỉnh chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa nên đến nay chưa có tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu làm thủ tục xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Nhiều tàu cá hoạt động vùng khơi không vào cảng cá được chỉ định để bốc dỡ thủy sản mà tự ý vào một số bến cá nhỏ lẻ, tự phát. Đặc biệt, do tập quán, thói quen hoạt động của tàu cá thường neo đậu xa các cảng cá được chỉ định nên cũng khó kiểm soát.
Ý thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về khai thác thủy sản chưa cao, vẫn còn tư tưởng trốn tránh. Việc kiểm tra, kiểm soát tàu xuất bến, nhập bến chưa đạt 100%. Chính quyền cấp huyện, xã chưa vào cuộc xử lý các vụ việc vi phạm hành chính về chống khai thác IUU ngay tại địa phương. Nguyên nhân do lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển còn mỏng, phương tiện, lực lượng còn hạn chế. Tỉnh hiện mới có 1 tàu thuộc biên chế Thanh tra Sở NN và PTNT nhưng quá cũ không hoạt động thường xuyên liên tục; đội ngũ, dụng cụ, thiết bị chuyên dụng không có. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ của Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng IUU) tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động không cao. Sự phối hợp, vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền các địa phương còn chưa thường xuyên, liên tục, vẫn còn tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này còn chưa quyết liệt, chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm ngay tại địa phương. Việc tắt thiết bị VMS khi tàu cá đang hoạt động trên biển hoặc khi đang đánh bắt tại các khu vực biển giáp ranh, có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra.
Được sự quan tâm của Trung ương, Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu) đang được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống khai thác IUU của tỉnh. |
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ngay khi thủy sản Việt Nam bị rút Thẻ vàng thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang châu Âu đã bị chững lại. Chiếc “thẻ vàng” mà EC áp dụng với thủy sản Việt Nam đã kéo thị trường này từ vị trí là nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 ngay trong 6 tháng đầu năm 2018. Hơn nữa, trong thời gian bị Thẻ vàng, 100% lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp xuất khẩu... Điều này cho thấy việc cấp bách thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản IUU để EC sớm gỡ bỏ Thẻ vàng cho hải sản Việt Nam ngoài ý nghĩa về việc bảo vệ uy tín quốc gia, bảo vệ một ngành kinh tế quan trọng còn có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống của cộng đồng người dân các địa phương gắn với nghề cá.
Từ nay đến tháng 10/2024 là “thời điểm vàng” để Việt Nam tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng đối với ngành thủy sản. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT, Đoàn kiểm tra của EC sẽ lựa chọn ngẫu nhiên tỉnh, thành phố có biển để làm việc. Nam Định là một trong 28 tỉnh, thành phố có biển với cộng đồng đông đảo người dân ở 3 huyện ven biển và các vùng lân cận liên quan đến ngành kinh tế thủy sản. Vì vậy, tỉnh cần phải nỗ lực khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra để cùng cả nước chung tay tháo gỡ cảnh báo Thẻ vàng IUU.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin