Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại địa bàn tỉnh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các địa phương, người chăn nuôi đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất phát sinh ổ dịch, ngăn ngừa bệnh dịch lây lan, bảo đảm an toàn đàn lợn nuôi.
Hộ chăn nuôi lợn ở xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) sử dụng vôi bột để sát trùng, tiêu độc khu vực chuồng nuôi để hạn chế bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan. |
Theo Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), cả nước đã xuất hiện trên 700 ổ bệnh DTLCP, buộc tiêu hủy trên 35 nghìn con lợn tại 47 tỉnh, thành phố; dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn. Nổi bật như tại Lạng Sơn xảy ra 55 ổ dịch tại 53 xã của 10/11 huyện, thành phố làm 2.374 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy; Bắc Kạn xảy ra 81 ổ dịch tại 77 xã của 8 huyện làm 4.724 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy. Tại Nam Định, ngày 27/5/2024 tại xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) đã xuất hiện ổ bệnh DTLCP ở hộ ông Đoàn Văn Hùng, xóm Đồng Thành. Ngay khi có thông tin, Sở NN và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng NN và PTNT huyện, xã Nghĩa Lạc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch; tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh, khử trùng tiêu độc triệt để, nhanh chóng dập tắt ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài; thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định. Từ ngày 27/5 đến 14/6/2024 đã tiến hành tiêu hủy 64 con lợn mắc bệnh, gồm 2 lợn nái, 5 lợn thịt và 57 lợn con, tổng trọng lượng tiêu hủy 1.680kg, bảo đảm đúng quy trình. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan ra các địa phương khác, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người nuôi lợn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học... Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi nên từ ngày 15/6/2024 đến nay, ổ dịch tại xã Nghĩa Lạc không phát sinh lợn ốm, chết do bệnh DTLCP. Ngày 5/7/20224, UBND huyện Nghĩa Hưng đã có Quyết định số 3153/QĐ-UBND công bố hết bệnh DTLCP trên địa bàn xã Nghĩa Lạc.
Cùng với nguy cơ tiềm ẩn phát sinh bệnh DTLCP, thời tiết hiện nay nắng nóng gay gắt, kéo dài ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn lợn nuôi; bệnh DTLCP có đặc điểm lây lan nhanh, xảy ra ở mọi đối tượng lợn nuôi, vi-rút gây bệnh có sức đề kháng cao ngoài môi trường nên khó có thể loại bỏ nếu để xảy ra dịch bệnh. Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN và PTNT của tỉnh ở một số địa phương còn chưa đồng bộ. Vẫn còn hộ chăn nuôi không thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn; chính quyền cơ sở chưa giám sát, đôn đốc, hướng dẫn người nuôi lợn thực hiện các quy định về chăn nuôi theo đúng quy định. Công tác thống kê, báo cáo đàn lợn, tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh… Việc sáp nhập Trạm thú y cấp huyện vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp dẫn đến biên chế chuyên ngành về chăn nuôi, thú y giảm gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, bệnh DTLCP nói riêng nên dẫn đến nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan, khó kiểm soát.
Để chủ động kiểm soát có hiệu quả, không để dịch bệnh DTLCP phát sinh, lây lan ra diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với ngành chăn nuôi, UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ, xử lý dứt điểm các ổ dịch trong diện hẹp, không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo rà soát kết quả tiêm phòng, vận động người chăn nuôi chủ động tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh nguy hiểm khác đảm bảo tiêm đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn hiện có, nhất là đối với các bệnh như: DTLCP, cúm gia cầm, dại, tai xanh… Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất, cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. Sở NN và PTNT tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chủ động phối hợp giám sát tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các sở, ngành liên quan chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kịp thời báo cáo UBND tỉnh những vấn đề vướng mắc, khó khăn và biện pháp chỉ đạo trong quá trình thực hiện.
Trước yêu cầu cấp bách về công tác phòng, chống và ứng phó hiệu quả với bệnh DTLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đề nghị Phòng NN và PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Ban nông nghiệp các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Tham mưu cấp có thẩm quyền công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo đúng quy định. Khi xảy ra ổ dịch, các địa phương phải tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do bệnh DTLCP đúng quy trình, quy định. Tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất... đồng thời tổ chức tiêm phòng vắc-xin DTLCP cho những đàn lợn chưa bị mắc bệnh. Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi, nhất là tại địa phương đang có dịch, các địa phương có nguy cơ cao, hàng ngày áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh, sát trùng, tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, lối đi và khu vực xung quanh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
Với phương châm “phòng dịch là chính, chống dịch như chống giặc”, các hộ, cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, vận chuyện, chế biến các sản phẩm từ lợn cần nêu cao ý thức, trách nhiệm để công tác phòng, chống bệnh DTLCP đạt hiệu quả, không để dịch bệnh phát sinh, lây lan, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin