Nuôi thủy sản có vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân và duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đại đa số các mô hình nuôi thủy sản của tỉnh gắn với khai thác mặt nước sông, hồ ao đầm tự nhiên nên việc bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão rất quan trọng.
Người nuôi thuỷ sản ở xã Hải Triều (Hải Hậu) thường xuyên kiểm tra, gia cố hệ thống trang thiết bị phục vụ nuôi thuỷ sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa, bão xảy ra. |
Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Bạch Long (Giao Thủy) đang quản lý hơn 140ha nuôi thuỷ sản với các đối tượng con nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng, cá trắm đen, trắm cỏ, chép. Là một trong những thành viên của Công ty, ông Nguyễn Văn Dinh ở đội 3, xã Giao Long đang được giao quản lý, sản xuất 1,4ha ao nuôi. Được ngành thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện quan tâm hướng dẫn kỹ thuật, ông Dinh đã áp dụng phương thức nuôi xen cá trắm đen, cá chép và tôm thẻ chân trắng. Nhờ thực hiện tốt quy trình nuôi, chăm sóc, bảo vệ nên mỗi năm gia đình ông thu được từ 20-25 tấn thủy sản. Trừ chi phí còn mang lại nguồn thu khoảng 250 triệu đồng/ha cho gia đình. Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do mưa, bão gây ra, ngay từ đầu năm, ông đã chủ động thực hiện đúng kế hoạch thời vụ thả giống phù hợp với từng đối tượng nuôi; chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cao các bờ ao nuôi nhằm hạn chế thất thoát khi xảy ra mưa to, gió lớn; thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh tiêu thoát nước, chuẩn bị đủ nhiên liệu xăng, dầu để vận hành máy bơm tiêu khi cần thiết…
Tại vùng nuôi thủy sản huyện Ý Yên, mặc dù các xã, thị trấn đã quy hoạch, đầu tư kiến thiết cơ sở hạ tầng ở các khu vực chuyển đổi ruộng thấp trũng, vùng ven sông, song vào mùa mưa bão vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn. Kết quả kiểm tra của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện cho thấy, những ao, đầm nuôi thủy sản ven sông Đáy, sông Đào, sông Sắt có nguy cơ cao bị thiệt hại khi có gió to, mưa lớn, lũ dâng cao, kéo dài. Đoàn đã khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản trong khu vực này cần quan tâm thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn ao, đầm và lồng bè nuôi thuỷ sản… Tại các xã Yên Phúc, Yên Phương, Yên Nhân, phong trào nuôi cá lồng trên sông đang khá phát triển, thu hút nhiều gia đình tham gia. Gia đình ông Vũ Đình Tuấn ở thôn An Quang, xã Yên Phúc là hộ có diện tích nuôi lớn nhất với 30 lồng nuôi. Ông Tuấn cho biết: “Các loại cá nuôi lồng chủ yếu là giống có giá trị kinh tế cao như: cá trắm, chép, diêu hồng và cá lăng, vì thế nếu xảy ra thất thoát sẽ thiệt hại rất lớn về kinh tế. Để bảo vệ an toàn sản xuất, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra, gia cố vững chắc các lồng cá, hệ thống dây neo, tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn…”.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, tỉnh ta có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; lượng mưa phân bổ không đều theo thời gian, xen kẽ những đợt mưa là những đợt nắng hạn cục bộ kéo dài từ 5-7 ngày, thời tiết nắng nóng, oi bức. Do đó để bảo đảm an toàn các vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão năm nay, Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung, người nuôi thủy sản nói riêng, về công tác đảm bảo an toàn cho người và ao, đầm nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Nam Định tổ chức kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét kênh mương để bảo đảm tiêu thoát nước nhanh chóng, kịp thời. Các địa phương tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống, quạt sục khí; hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, bão nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi.
Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ cho biết, bước vào mùa mưa bão năm nay, huyện đã xây dựng phương án phòng, chống úng nội đồng, bảo vệ vùng nuôi thủy sản. Chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng hướng dẫn người nuôi thuỷ sản tu sửa, nâng cấp và gia cố các công trình thuỷ lợi, cầu cống, bờ đầm, chòi canh, nhà bảo vệ tại các vùng nuôi thủy sản. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các địa phương đã tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi thủy sản; hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực nuôi thủy sản nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn, siêu bão xảy ra.
Đồng chí Mai Đăng Nhân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Chi cục đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ, đắp ấp trúc bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn, phát quang cây cối, vớt bèo, rác thải để khơi thông dòng chảy, tạo đường thoát nước mưa nhanh; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao (độ cao 40-50cm, ghim sâu 20-30cm dưới mặt đất) để ngăn cá, tôm thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng. Trong mùa mưa theo dõi thường xuyên thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong công tác sản xuất nuôi trồng thủy sản; khi môi trường và động vật thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường người nuôi cần báo ngay cho các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để hướng dẫn các biện pháp và phương án xử lý kịp thời, tránh để xảy ra các thiệt hại không đáng có. Chủ động kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng… Hướng dẫn thu hoạch đúng mùa vụ và có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tuyệt đối không cho người ở lại đầm và trên các chòi canh coi khi có bão, không chủ quan với những bất thường của thời tiết, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên biển Đông.
Với việc chủ động thực hiện các biện pháp đồng bộ để bảo vệ các vùng nuôi thủy sản an toàn sẽ góp phần giảm thiệt hại và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin