Đoàn Thanh niên huyện Nam Trực hiện có 39 chi đoàn, đoàn cơ sở với tổng số gần 6.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Những năm qua, ĐVTN huyện đã có nhiều cách làm mới trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Minh Hưng (người đứng), thôn Đông Cổ Ra, xã Nam Hùng (Nam Trực) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
Xác định thanh niên là lực lượng xung kích trong phong trào thi đua “lập thân, lập nghiệp” lao động sáng tạo, phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Huyện Đoàn Nam Trực chỉ đạo Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn tích cực tuyên truyền ĐVTN tham gia phát triển kinh tế dựa trên những nguồn lực có sẵn, phù hợp với thế mạnh của địa phương. Tổ chức Đoàn các cấp luôn đồng hành bằng các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, qua đó khích lệ, động viên nhằm tạo động lực cho ĐVTN quyết tâm cống hiến toàn bộ sức trẻ làm giàu cho gia đình, quê hương. Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế sản xuất, kinh doanh. Qua kênh vay vốn của Trung ương Đoàn với 236 triệu đồng và từ nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh 49 triệu đồng đã tạo điều kiện cho 4 dự án việc làm tại xã Nam Hoa và xã Điền Xá.
Đến thăm khu vườn của anh Nguyễn Văn Thế, xóm Thắng Hùng, xã Nam Thắng (Nam Trực), ít ai nghĩ rằng diện tích đất này trước đây từng là khu vực trồng dâu nuôi tằm, hiệu quả kinh tế không cao của nhiều người dân địa phương. Với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như đức tính cần cù, chịu khó, tinh thần dám nghĩ dám làm, năm 2017, anh Thế đã thuê lại hơn 7.000m2, “biến” vùng đất khó thành khu vườn trồng cây cảnh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều năm phát triển nghề, có thêm thu nhập anh đã mua lại diện tích đất này. Hiện nay, khu vườn của anh Thế có hơn 100 loại cây trang trí, cây sân vườn, tiểu cảnh khác nhau như: mẫu đơn, hồng phụng, sơn liễu, nguyệt quế… Anh còn thường xuyên nhận hợp đồng thi công các công trình trang trí hoa, cây cảnh ở các khuôn viên tư gia, công sở, các công trình khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bãi biển, các tuyến đường quốc lộ… chủ yếu ở khu vực các tỉnh miền Bắc, miền Trung; mỗi năm thu lãi hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh vẫn duy trì nghề trồng cỏ Nhật truyền thống của quê hương với diện tích hơn 1.000m2. Tuy bận rộn với công việc gia đình nhưng anh Thế luôn dành thời gian để tham gia các hoạt động do Đoàn Thanh niên xã cũng như địa phương phát động. Với sự năng động của tuổi trẻ, năm 2022, anh Thế được trao học bổng “Học không bao giờ cùng” do Hội khuyến học tỉnh trao tặng và được tham gia “Chương trình tuyên dương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023, Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” do Tỉnh Đoàn Nam Định tổ chức. Đồng chí Lâm Văn Thuận, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Thắng cho biết: “Đồng chí Nguyễn Văn Thế là một trong những thanh niên tiêu biểu của địa phương không chỉ năng động trong phát triển kinh tế mà còn năng động tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hy vọng rằng những mô hình thanh niên phát triển kinh tế như đồng chí Thế sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển”.
Xã Điền Xá hiện có hơn 100 mô hình nhà vườn của thanh niên cho thu nhập từ trên 200 triệu đồng/năm trở lên; trong đó khoảng 50 nhà vườn của thanh niên cho thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình nhà vườn của tuổi trẻ xã Điền Xá đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao như nhà vườn của các ĐVTN: Đỗ Công Linh, Trần Văn Quân, Trần Văn Trung, Phạm Cao Cường, Nguyễn Văn Phúc... Những nhà vườn trên đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động và mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Từ hơn 4 năm trước, chị Đặng Thị Minh Hưng ở thôn Đông Cổ Ra, xã Nam Hùng đầu tư nhà xưởng, máy móc để phát triển cơ sở may lót ba lô, vali. Bình quân hàng tháng, cơ sở của chị Hưng sản xuất được 10 nghìn sản phẩm, cung cấp thị trường trong tỉnh; tạo việc làm ổn định cho 13 lao động trên địa bàn huyện với mức lương từ 5,5-13 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Nam Trực cho biết: “Phong trào thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng đã được đông đảo ĐVTN tích cực hưởng ứng bằng những hành động thiết thực. Nhiều thanh niên đã chủ động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện Đoàn Nam Trực đã tích cực thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp; tạo điều kiện về vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế đồng thời tổ chức các buổi tư vấn và phát triển câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp thu hút nhiều ĐVTN tham gia”.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, phong trào thanh niên thi đua “lập thân, lập nghiệp” lao động sáng tạo, phát triển kinh tế của huyện Nam Trực đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin