Nông dân Giao Thủy làm giàu từ kinh tế biển

07:20, 21/06/2024

Phát huy lợi thế của huyện có 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều với nhiều hệ sinh thái phong phú, đa dạng, hội viên nông dân huyện Giao Thủy thời gian qua đã phát triển mạnh các ngành nghề nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, vươn lên làm giàu, đưa kinh tế biển trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện.

Bến cá Giao Hải.
Bến cá Giao Hải.

Với ý chí, khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương cùng với sự cần cù, chịu khó, ông Nguyễn Đại Dương, hội viên nông dân xóm Điện Biên Tây, xã Giao An đã tìm tòi một số nghề phù hợp với bản thân và thực tiễn của địa phương để phát triển kinh tế. Qua tìm hiểu tài liệu trên sách báo và phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đi tham quan nhiều mô hình ao đầm nuôi để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do các cấp Hội Nông dân (HND) tổ chức, ông đã quyết định phát triển nuôi trồng thủy hải sản. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã ven biển, từ năm 2011, ông bắt đầu nuôi tôm, vạng với quy mô nhỏ. Thấy hiệu quả kinh tế, ông đã huy động nguồn lực từ gia đình, vay vốn của anh em, bạn bè mở rộng quy mô ao, đầm nuôi; đến nay có tổng diện tích ao, đầm nuôi khoảng 25ha. Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và còn thu hút nhiều lao động thời vụ. Ngoài ra, ông thường xuyên hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ nuôi khác.

Còn tại xã Giao Phong, ông Cao Văn Ba nhiều năm qua đã thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Từ chỗ nuôi trồng nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống cho thu nhập thấp, ông Ba đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bạt với quy mô 5ha. Các ao nuôi đều được thiết kế dạng ao nổi, có đáy cao hơn mực nước biển từ 30-40cm, thành xây cao khoảng 1,7m và được lót bạt ở bên trong. Nhờ đó ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng đồng thời dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi đáy nên hạn chế mầm bệnh, hạn chế được rủi ro cho đàn tôm nuôi. Bên trên các ao nuôi, ông Ba còn dựng thêm khung mái, mùa hè dùng lưới đen che toàn bộ ao để giảm cường độ ánh sáng, mùa đông dùng ni lông phủ kín đến chân ao để giữ ấm cho tôm nên môi trường ao nuôi ít biến động, nhiệt độ ổn định, giúp ông nuôi tôm được quanh năm. Trung bình mỗi vụ, ông thu hoạch từ 20-25 tấn tôm, thu lãi 5-6 tỷ đồng/năm. Ông còn cùng các thành viên thành lập hợp tác xã, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động địa phương, thu nhập 9-10 triệu đồng/người/tháng…

Niềm vui thuyền về.
Niềm vui thuyền về.

Cùng với nuôi trồng, khai thác, hội viên nông dân còn đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ thủy, hải sản. Tại xã Giao Châu, nhiều hộ nông dân vẫn đang gắn bó, giữ gìn nghề làm nước mắm của ông cha để lại như các ông Mai Văn Vụ, Trần Minh Sơ, Nguyễn Văn Thái… Tiêu biểu như gia đình anh Mai Văn Năng đã có nhiều năm sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống; mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 25 đến 30 nghìn lít nước mắm; giá bán dao động từ 80-120 nghìn đồng/lít, tùy theo từng loại, từng thời điểm. Nhờ duy trì và phát triển nghề sản xuất nước mắm truyền thống, gia đình anh đã có thu nhập khá, là hộ làm kinh tế điển hình ở địa phương. Đến nay, xã Giao Châu có một tổ hợp tác, một tổ hội nghề nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Sa Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Ngoài các điển hình trên, nhiều hội viên nông dân trong huyện đã biết khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có của địa phương, đầu tư vốn, công sức để phát triển nghề nuôi trồng, chế biến thủy hải sản theo hướng thâm canh tập trung, quy mô trang trại. Một số hộ còn chủ động sản xuất con giống, đa dạng các đối tượng con nuôi; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời liên kết xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững, tăng thu nhập cho nông dân. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản với diện tích trên 5.152ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác. Riêng nuôi tôm công nghệ cao có khoảng 60 cơ sở với tổng diện tích gần 50ha, tập trung ở các xã Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, thị trấn Quất Lâm. Sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng/ha/vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.

Gia đình anh Mai Văn Năng, xã Giao Châu, sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống.
Gia đình anh Mai Văn Năng, xã Giao Châu, sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống.

Để khuyến khích nông dân làm giàu từ kinh tế biển, HND huyện Giao Thủy đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới... Trong 5 năm qua, các cấp Hội tổ chức 127 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội thảo; phối hợp tổ chức 45 lớp dạy nghề cho 1.350 học viên tham dự, trong đó có nhiều lớp về nuôi trồng thủy sản. Các cấp HND trong huyện còn vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả; tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đến nay, riêng lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản, các cấp HND huyện có 4 tổ hợp tác khai thác thủy hải sản gắn với bảo vệ an ninh biên giới tuyến biển tại các xã Giao Thiện, Giao Long, Giao Xuân và thị trấn Quất Lâm; 5 tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản tại các xã Bạch Long, Giao Hải, Giao Thiện, Giao Phong, thị trấn Quất Lâm; 1 tổ hợp tác sản xuất chế biến hải sản thuộc xã Giao Châu. Các mô hình tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên thông qua sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật... Đời sống nông dân ngày càng nâng cao, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Bình quân hàng năm, toàn huyện có từ 8-11 nghìn hộ nông dân đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ việc phát triển thế mạnh về kinh tế biển, hội viên HND huyện Giao Thủy cũng đã hình thành các vùng sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp quy mô tập trung, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com