Nhiều khó khăn trong tái công nhận sản phẩm OCOP

08:17, 26/06/2024

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành phong trào phát triển sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, giúp các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất) chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế và đầu tư cải tiến, nâng cấp các sản phẩm đặc trưng, truyền thống làng nghề trở thành hàng hóa có giá tri kinh tế đặc trưng. Qua đó góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP không có giá trị vĩnh viễn mà chỉ có thời hạn 36 tháng; khi hết hạn phải làm thủ tục cấp lại. Hiện nay, việc tái công nhận sản phẩm OCOP sau khi hết hạn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chế biến các sản phẩm OCOP về trà tại Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu).
Chế biến các sản phẩm OCOP về trà tại Hợp tác xã dược liệu sinh thái Ngọc Trà, xã Hải Tây (Hải Hậu).

Sau hơn 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với số lượng sản phẩm OCOP tăng đều qua từng năm và chất lượng cũng không ngừng được cải thiện, nâng cấp. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất của 10 huyện, thành phố. Tham gia Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đơn vị tư vấn Chương trình của tỉnh và Văn phòng Điều phối NTM các huyện, thành phố tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP. Đồng thời được tập huấn các kỹ năng: thuyết trình, giới thiệu sản phẩm; kỹ năng quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh; xây dựng thương hiệu, marketing, quảng bá, phát triển sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. 

Giai đoạn 2019-2023, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với kinh phí trên 11,5 tỷ đồng với mục tiêu phát triển sản phẩm toàn diện về chất lượng, mẫu mã bao bì, nguồn nguyên liệu, quảng bá, phân phối sản phẩm… và hỗ trợ tạo mã QR Code phục vụ yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ, tư vấn các chủ thể tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh; giới thiệu, quảng bá trên Trang thông tin điện tử OCOP của tỉnh, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội và qua ấn phẩm “Thông tin Chương trình OCOP tỉnh Nam Định”… Sở Công Thương hỗ trợ công tác khuyến công (ứng dụng dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị tiên tiến, kho lạnh) cho một số cơ sở sản xuất và hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ áp dụng, triển khai các mô hình nghiên cứu khoa học vào sản xuất sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Sở Y tế hỗ trợ trong công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn xây dựng, kiểm soát hồ sơ công bố chất lượng các sản phẩm OCOP… 

Thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã kịp thời tạo động lực, động viên, thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá tốt, hình thức bao bì đẹp, đảm bảo quy định, đặc trưng cho từng vùng miền, tiêu biểu như: Các sản phẩm chế biến từ ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định); gạo của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); gạo sạch Quỳnh Thanh của Công ty TNHH Thanh Đoàn và sản phẩm vải tơ tằm thủ công truyền thống Chất Silk của HTX lụa Cổ Chất, làng nghề Cổ Chất (Trực Ninh); các sản phẩm chế biến từ thủy sản của huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy… Có thể thấy, việc tham gia Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể và chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cũng được xem là “giấy thông hành” để các sản phẩm nâng cao vị thế trên thị trường. 

Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, để tiếp tục sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP trên bao bì, nhãn mác sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường thì chủ thể sản phẩm phải làm thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận lại cho sản phẩm. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, đến thời điểm hiện tại có 72 sản phẩm đã hết thời hạn công nhận nhưng không được các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Theo đồng chí Lê Hồng Đức, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, việc đánh giá, công nhận lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận. Quy định này nhằm đảm bảo cam kết về sự ổn định chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chí thương hiệu. Việc sản phẩm đã hết thời hạn chứng nhận mà các chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung theo hướng yêu cầu cao hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP từ 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng... Đây là những tiêu chí khó, cần thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm OCOP có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ, không đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn và thường xuyên của thị trường; năng lực, trình độ lao động, cơ sở hạ tầng sản xuất, thương mại của chủ thể OCOP còn yếu; mẫu mã bao bì chưa tạo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Công tác nghiên cứu phát triển thị trường tiêu thụ còn hạn chế; phương thức bán hàng của một số chủ thể OCOP chưa được linh hoạt. Nhóm thực phẩm là những sản phẩm cơ bản đồng nhất, các địa phương đều có sản phẩm cùng loại, ví dụ cùng loại sản phẩm OCOP là gạo nhưng nếu gạo A có hạt gạo trong hơn, bao bì mẫu mã đẹp hơn dễ bán hơn gạo B… Do vậy, nếu chủ thể OCOP không nỗ lực tạo ra sự khác biệt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm khi được công nhận thì chủ thể lại thay đổi tên sản phẩm, hình thức, mẫu mã bao bì để phù hợp với nhu cầu thị trường để đạt mục tiêu bán hàng, do đó các sản phẩm đó không được các chủ thể tiến hành đăng ký, tham gia đánh giá lại… 

Giải pháp để tháo gỡ vấn đề này theo cơ quan chuyên môn là, trong thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích khi tham gia Chương trình OCOP; đồng thời có nhiều hoạt động kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi, mở rộng quy mô sản xuất và tăng chất lượng, sản lượng sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo trình độ sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, phát triển thị trường cho các chủ thể OCOP. Hướng dẫn, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng logo OCOP có gắn sao trên bao bì, tránh bị vi phạm quy định về việc sử dụng logo này. Tăng cường công tác kiểm soát việc tuân thủ các quy định đối với những sản phẩm hết thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, qua đó phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



Yến sào LifeNest

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com