Gần 7 năm bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, từng gặp nhiều “bài toán” khó trong việc cải tạo đất, lựa chọn cây trồng chủ lực, tuy nhiên việc kiên định với mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao theo tiêu chí “6 không” (không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch), Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, tạo dựng thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc (Giao Thủy) hướng dẫn người làm vườn cách tạo bẫy dẫn dụ côn trùng hại dưa. |
Vụ mùa bội thu
Cùng anh Trần Hữu Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Trường Xuân đi thăm cánh đồng 8ha xanh mướt một màu của dưa lê, dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch, cái nắng hè chang chang dường như dịu lại. Anh Chung phấn khởi cho biết: Đến nay đã là năm thứ ba cây dưa bén duyên với đất Giao Lạc và cho năng suất bội thu. Năm nay thời tiết thuận lợi, người làm vườn có kinh nghiệm chăm bón, bấm ngọn, tỉa hoa nên năng suất càng cao hơn. Dự kiến vụ dưa năm 2024, HTX sẽ quay vòng từ 2,5 đến 3 lứa cho cả hai loại dưa lê và dưa hấu, năng suất ước đạt khoảng 200 tấn. Với giá bán lẻ từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg và điều chỉnh giá theo số lượng đăng ký, vụ dưa hứa hẹn mang về cho HTX khoảng 6-7 tỷ đồng. Toàn bộ sản phẩm thu hoạch đến đâu được các đầu mối ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung đã hợp đồng đặt lịch thu mua để cung ứng tại các cửa hàng thực phẩm sạch. Bà con trong vùng muốn mua dưa đều phải dặn trước nhà vườn.
Anh Trần Tuấn Anh, khách hàng thường xuyên của HTX Trường Xuân cho hay: Đã 3 năm nay cứ đầu vụ, tôi từ Nghệ An ra đây xem dưa để đặt hàng cung ứng cho chuỗi thực thẩm sạch ở địa phương. Sau đấy, HTX cứ theo lịch gửi dưa vào theo hợp đồng tới hết mùa. Sở dĩ ở ngay vùng “đất dưa” mà chúng tôi phải cầu kỳ ra đây bởi dưa của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chất lượng lại ngon; cả dưa lê và dưa hấu đều thơm, giòn, đậm vị, lưu hương lâu và thời gian sử dụng dài ngày hơn hẳn các sản phẩm cùng loại, đặc biệt an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, HTX còn đảm bảo ổn định chất lượng với số lượng cung ứng lớn, đều như tại đây; điều mà ít đơn vị làm được. Giá bán có cao hơn so với thị trường, đặc biệt là dưa hấu cao hơn giá nhập của vùng dưa Ninh Thuận hay một số tỉnh ở phía Nam nhưng vẫn trong biên độ chấp nhận được do sản phẩm được chúng tôi hướng phân phối đến nhóm khách hàng cao cấp.
Công cuộc “đãi cát tìm vàng”
Vùng đất bạc màu, nhiễm phèn mặn trồng lúa kém hiệu quả trước đây nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nay đã hóa “vàng” với thu nhập tăng gấp hàng chục lần so với trước đây. Để có được thành quả này, từ nhiều năm trước anh Chung đã quyết chí đầu tư cải tạo đất, chuyển đổi sản xuất. Anh đã ưu tiên cải tạo đất theo phương pháp hữu cơ và chăn nuôi gia súc, gia cầm tự nhiên. Theo đó, ngoài diện tích quy hoạch làm đường giao thông, đào ao và xây dựng chuồng trại, năm đầu toàn bộ diện tích được anh trồng các loại cây thuộc họ đậu đỗ, vừng, lạc, khoai lang, điền thanh... chỉ để cho trâu, bò, gà ăn lá và cày lật thân cây, vùi xuống để thuần hóa đất. “Thuốc” phòng trừ sâu bệnh, dịch hại cũng được anh tự chế từ những loại cây có nhiều tinh dầu như tỏi, sả, bạc hà, chanh, ớt và các nguyên liệu tự nhiên như mật ong, tro bếp... Phân bón cho cây trồng là dịch đạm cá, trứng hỏng kết hợp với chế phẩm sinh học dòng EM. Kiên trì như thế sau nhiều năm đất mới phục hồi. Đến khi cây dưa có thể lớn lên, xanh tốt cũng mất quá 3 năm. Bắt đầu xuống giống dưa từ tháng 3 và thu hoạch vào các tháng 6, 7, 8. Ngoài kỹ thuật chăm bón, bấm ngọn, tỉa hoa, dưỡng trái và chế độ bổ sung dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại theo hướng hữu cơ thì việc làm đất trước khi vào vụ mới cũng được anh thực hiện theo chu trình tuần hoàn, thuận tự nhiên. Đó là anh khoanh vùng quây thả đàn gà cho tự bới đất nhặt cỏ, kiếm sâu bọ làm thức ăn; khoảng mươi lăm ngày đến một tháng lại dịch chuyển đàn gà sang khu vực khác. Lượng lớn chất thải của gà bổ sung dinh dưỡng cho đất, toàn bộ cỏ, mầm sâu bệnh trong đất cũng được đàn gà nhặt sạch nên giúp anh hạn chế tối đa phải dùng thuốc và công diệt cỏ, bón phân trước khi làm đất. Toàn bộ trang trại được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng qua nước vừa tiết kiệm nguyên liệu, nhân công và tối ưu chi phí đầu tư.
Từ cánh đồng gần như không cho thu nhập trước đây, anh Chung đã biến thành “cánh đồng vàng” với thu nhập 5-7 tỷ đồng mỗi năm. HTX Nông nghiệp Trường Xuân do anh thành lập đã được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” năm 2017 - Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức. Chọn cây dưa làm sản phẩm chủ lực ở thời điểm này nhưng anh Chung vẫn không ngừng nghiên cứu để sản phẩm được tiếp tục nâng cao chất lượng và tập trung cải tạo đất hướng đến những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn như măng tây và một loại rau có giá trị xuất khẩu.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin