“Khoảng trống” trong kiểm soát an toàn thực phẩm

06:29, 24/06/2024

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại được toàn xã hội đặc biệt quan tâm như hiện nay. Tình trạng vi phạm VSATTP diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức, gây tâm lý hoang mang lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội.

Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) dán mã sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.
Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) dán mã sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.

Dạo một vòng quanh thành phố Nam Định, có thể thấy hầu như con đường nào của thành phố cũng có sự hiện diện của thức ăn đường phố, từ những quán ăn bình dân trên vỉa hè đến những xe hàng ăn di động với đủ món như bánh cuốn, bún, phở, bánh bao, chả nướng, chân gà nướng, chả cá chiên, bánh rán, chè, nộm... Các loại thức ăn đường phố được chế biến đa dạng, lại dễ mua, tiện lợi, người tiêu dùng có thể dùng trực tiếp hoặc mua về là dùng ngay, không cần phải chế biến lại. Tại đường Trần Hưng Đạo, nơi có rất nhiều quán ăn đường phố, nhất là các món nướng với giá bình dân, chỉ từ 120 nghìn đồng, thực khách có thể thưởng thức các món như: Ba chỉ nướng, bò nướng, dạ dày, nầm lợn đến các loại chả tôm, cá, mực nướng… Dù quán rất đông khách, chỉ 5 đến 10 phút sau, thực đơn với nhiều món đã sẵn sàng được mang ra. Những đĩa thịt sống đã ướp sẵn các loại gia vị được bày trên những chiếc đĩa nhỏ xinh xắn được lót một lượt rau xanh nhìn vô cùng hấp dẫn. Từng bàn khách nướng đồ xèo xèo, bốc khói nghi ngút, thơm lừng. Đa số thực khách là thanh niên, học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là hầu như hàng quán thức ăn đường phố đều không thực hiện đúng quy định về VSATTP.

Đối với các sản phẩm khởi nghiệp, nhà làm vẫn thường được khách hàng mua bằng niềm tin, qua lời quảng cáo, giới thiệu của người thân, bạn bè cũng chưa được cơ quan nào kiểm định chất lượng. Từ hai năm nay, chị Nguyễn Hương ở đường Kênh (thành phố Nam Định) nghỉ làm công nhân may để ở nhà chế biến sản phẩm thạch rau câu, bánh kem, cơm cuốn, chân gà ngâm… Sau một thời gian “khởi nghiệp” chị đã có một lượng khách hàng khá ổn định. Mỗi ngày chị đều làm các sản phẩm và bán qua mạng xã hội Facebook, Zalo và đều đều đăng lại những phản hồi tích cực của khách. Cũng như hầu hết người bán đồ ăn tự làm khác, chị Hương chỉ làm bằng kinh nghiệm và cố gắng giữ gìn VSATTP một cách tốt nhất để giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng như chị Hương. Có không ít người bán hàng thiếu trách nhiệm trong vấn đề VSATTP như nhập nguyên liệu không có nguồn gốc, giá rẻ, khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh... Trên thực tế, nhiều sản phẩm nhà làm không hề có nhãn mác, không có địa chỉ liên hệ nhưng vẫn được bán nhiều. Vì các sản phẩm này thường có quy mô chế biến nhỏ lẻ, thủ công, hầu hết không có giấy phép, không đăng ký với cơ quan chức năng, chủ yếu bán qua mạng nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Theo quy định, dù là sản phẩm nhà làm hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng cần có quy định về quy trình quản lý VSATTP để người sản xuất, kinh doanh tuân thủ. Nhưng hiện nay việc kiểm soát và tổ chức ký cam kết sản xuất VSATTP đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa được quan tâm, triển khai đồng bộ.

Tại các chợ dân sinh - nơi tập trung các loại thực phẩm tươi sống và cũng là địa chỉ thu hút nhiều nhất số lượng người tiêu dùng nhưng điều dễ nhận thấy là nguy cơ khá cao về mất ATTP. Hầu hết các sản phẩm đều chưa qua kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng về VSATTP. Đặc biệt là rau, củ, quả, chiếm một lượng lớn được nhập từ các tỉnh, thành phố khác nhưng hầu như cả người bán và người mua đều không biết được các loại thực phẩm này có chứa chất kích thích, chất bảo quản hay không? Trong khi hiện nay có không ít người dân lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng để cây phát triển nhanh, cho sản lượng nhiều, khiến thực phẩm đến kỳ thu hoạch vẫn chứa nhiều dư lượng nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Chưa kể, một số hộ nông dân dùng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nhất là hóa chất bảo quản khiến cho nhiều loại trái cây, hoa quả không ATTP. Trong lĩnh vực thủy sản, từng có trường hợp là sản phẩm hàng hóa xuất khẩu từ con tôm đã bị các nước trả lại nhiều lô hàng do chứa dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 11.635 cơ sở thực phẩm; trong đó có 3.866 cơ sở sản xuất thực phẩm, 3.610 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.521 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.638 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong năm 2023 và quý I năm 2024, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã thành lập 971 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP; đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 7.038 cơ sở, xử phạt 227 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt 574 triệu đồng. Hàng năm, riêng thành phố Nam Định đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức các hội nghị truyền thông về ATTP tại các phường, xã cho hàng trăm lượt người; tổ chức các hội thi, nói chuyện chuyên đề về công tác đảm bảo ATTP. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thái độ thực hành về ATTP, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh bảo đảm chất lượng ATTP theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí ATTP. Vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa tự giác chấp hành quy định về ATTP và thiếu trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng. Nguyên liệu chế biến gần như nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nguy cơ cao dẫn đến mắc các bệnh về đường tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm. Khu vực chế biến chưa bảo đảm vệ sinh, chưa thực hiện quy trình chế biến thực phẩm một chiều, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, ngay cạnh rãnh thoát nước, diện tích kinh doanh chật hẹp, nơi bán hàng chung với nơi sinh sống của gia đình.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao. Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, giúp công tác quản lý Nhà nước của cơ quan chức năng trong kiểm soát nguồn thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Người tiêu dùng cần có động thái tẩy chay thực phẩm bẩn, đồng thời cần có kiến thức trong lựa chọn, chế biến, sử dụng thực phẩm an toàn. Phản ánh kịp thời đến các đơn vị chức năng nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm không an toàn, buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gây nguy hại đối với sức khỏe con người. Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống ngộ độc và các bệnh lây qua đường tiêu hóa, thực hiện nghiêm túc các quy định về VSATTP để bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng. Cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn liền, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể; các cơ sở kinh doanh nước giải khát, cơ sở chế biến và bán thức ăn đường phố. Khi phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm và lây lan các bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông thường xuyên, liên tục, có tính hệ thống cho các cơ quan quản lý, người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com