Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ: Giải tỏa xung đột giao thông giữa vận tải đường bộ và đường thủy

10:41, 27/06/2024

Với mục tiêu kết nối thuận lợi trên tuyến Quốc lộ 37B giữa huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh, khắc phục tình trạng gián đoạn giao thông thủy trên sông Ninh Cơ; qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực tỉnh Nam Định nói riêng và khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung, ngày 18/6/2024, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 747/QĐ-BGTVT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên tuyến Quốc lộ 37B.

Vị trí xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. (Hồ sơ dự án)
Vị trí xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. (Hồ sơ dự án)

Quốc lộ 37B có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông giữa 3 tỉnh duyên hải vùng Nam đồng bằng sông Hồng là Thái Bình, Nam Định và Hà Nam với tổng chiều dài trên 139km; đoạn qua tỉnh Nam Định có tổng chiều dài 63,5km, đi qua 6 huyện: Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Ý Yên và Vụ Bản. Trên tuyến Quốc lộ 37B đoạn vượt sông Ninh Cơ, người dân qua lại các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh bằng cầu phao Ninh Cường gặp nhiều hạn chế. Anh Nguyễn Văn Cam, xã Hải An (Hải Hậu) người thường xuyên đi lại qua cầu phao Ninh Cường cho biết: Cầu phao Ninh Cường đáp ứng nhu cầu đi lại cơ bản của người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi tham gia giao thông qua cầu phao Ninh Cường bằng ô tô cá nhân như tôi, ngoài việc phải tránh giờ mở cầu hàng ngày (buổi sáng từ 9-10 giờ; buổi chiều từ 15-16 giờ) để các phương tiện thủy qua lại có khi còn phải đợi từ 5-10 phút để xe ô tô ngược chiều qua hết rồi mới được đi vì cầu phao chỉ cho phép ô tô lưu thông 1 chiều. Không chỉ thế, mỗi khi có mưa bão từ cấp 6, hay lũ trên sông Ninh Cơ báo động từ cấp 2 trở lên là cầu phao phải tạm dừng hoạt động, tháo dỡ phao để đảm bảo an toàn thì tôi phải đi vòng hàng chục km, vừa tốn thời gian lại tăng chi phí nên vô cùng bất tiện.

Theo thống kê của Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam, đơn vị được Sở Giao thông Vận tải ủy thác quản lý, vận hành cầu phao Ninh Cường, ước tính mỗi ngày cầu phao Ninh Cường phục vụ hàng nghìn lượt người và phương tiện vượt sông Ninh Cơ; tình trạng người và phương tiện bị ùn tắc cục bộ vào giờ mở cầu và các giờ cao điểm trong ngày không phải hiếm. Ngoài ra phương tiện vận tải đường bộ khi lưu thông qua cầu phao chỉ được phép có tải trọng tối đa 10 tấn, chiều cao dưới 3,5m. Không chỉ là “nút thắt” trong vận tải đường bộ, cầu phao Ninh Cường cũng gây trở ngại lớn đối với các phương tiện thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ vì mỗi ngày chỉ có 2 giờ cầu mở. Bên cạnh đó, qua một thời gian dài sử dụng, mặc dù đã được thường xuyên sửa chữa, nâng cấp nhưng trong năm 2023, tại cầu phao Ninh Cường đã xảy ra sự cố tàu hàng đâm va vào cầu phao gây thiệt hại về người và tài sản. Mới đây nhất, vào ngày 24/6/2024 cầu phao Ninh Cường đã phải tạm dừng hoạt động từ 8 giờ 15 phút đến 12 giờ 35 phút để sửa chữa khắc phục sự cố nứt gãy dầm. Trong thời gian cầu phao tạm dừng sửa chữa, hàng trăm phương tiện vận tải đường bộ phải phân luồng lưu thông theo hướng khác, giao thông đường thủy nội địa phải dừng hoàn toàn.

Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam vận hành cầu phao Ninh Cường.
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam vận hành cầu phao Ninh Cường.

Theo Quyết định số 747/QĐ-BGTVT, dự án do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 581,189 tỷ đồng (tương đương khoảng 24,131 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế - EDCF) khoảng 465,722 tỷ đồng (khoảng 19,337 triệu USD); vốn đối ứng ngân sách Trung ương khoảng 63,247 tỷ đồng và ngân sách địa phương khoảng 52,22 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Tiến độ thực hiện dự án trong các năm 2024-2027.

Địa điểm xây dựng tại các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh với diện tích đất sử dụng khoảng 5,21ha; là dự án nhóm B; công trình giao thông đường bộ cấp II, cầu Ninh Cường là công trình cấp I. Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường có hướng tuyến từ lý trình khoảng Km73+200 trên Quốc lộ 37B, tuyến rẽ trái sau đó đi thẳng vượt sông Ninh Cơ thông qua cầu Ninh Cường. Vị trí xây dựng cầu Ninh Cường cách cầu phao hiện tại khoảng 80m về phía hạ lưu, sau đó đi thẳng tới điểm cuối tại lý trình khoảng Km74+500. Phạm vi thiết kế cầu Ninh Cường dài khoảng 892,2m (bao gồm cả tường chắn và 10m đường đầu cầu); trong đó chiều dài toàn cầu khoảng 670m. 

Đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ thay thế cầu phao Ninh Cường nhằm giải tỏa xung đột giao thông giữa vận tải đường bộ và đường thủy; rút ngắn thời gian, chi phí đi lại khu vực huyện Nghĩa Hưng và huyện Trực Ninh; góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Cầu Ninh Cường là cây cầu thứ 3 vượt sông Ninh Cơ được đầu tư xây dựng, khi hoàn thành đi vào khai thác sẽ tạo điều kiện cho người và phương tiện đường bộ lưu thông thuận tiện trên toàn tuyến Quốc lộ 37B; đảm bảo giao thông đường thủy nội địa trên sông Ninh Cơ an toàn, thông suốt, qua đó góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới. Trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để phấn đấu sớm khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân./.  

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com