Chủ động các phương án bảo vệ trọng điểm phòng, chống thiên tai

20:25, 26/06/2024

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn Nam Định, mùa mưa bão năm 2024 thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, trái quy luật. Hiện nay, các cấp, ngành, địa phương đang tập trung chỉ đạo, giám sát đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê điều bảo đảm an toàn, đồng thời luôn sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống lụt, bão nhằm ứng phó hiệu quả với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Thi công xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).
Thi công xây dựng bến neo đậu tàu, thuyền tại Cảng cá Ninh Cơ (Hải Hậu).

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, mùa mưa bão năm nay, toàn tỉnh có 38 trọng điểm xung yếu phòng, chống lụt, bão cần đặc biệt chú ý; trong đó có 2 trọng điểm cấp tỉnh. Cụ thể, huyện Nghĩa Hưng có 1 trọng điểm cấp tỉnh và 10 trọng điểm cấp huyện; huyện Hải Hậu có 1 trọng điểm cấp tỉnh và 3 trọng điểm cấp huyện; huyện Ý Yên có 6 trọng điểm cấp huyện; huyện Giao Thủy có 5 trọng điểm cấp huyện; huyện Trực Ninh có 5 trọng điểm; các huyện Xuân Trường, Nam Trực mỗi địa phương có 3 trọng điểm cấp huyện; huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định mỗi địa phương có 1 trọng điểm. Nhìn chung hệ thống đê, kè, cống tại các trọng điểm xung yếu phòng, chống lụt bão đều được hình thành từ lâu và đã trải qua nhiều giai đoạn tôn cao, ấp trúc; đất đắp không đồng nhất, chủ yếu là đê đắp bằng lõi cát, ngoài bọc đất thịt; cao trình đê thấp hơn so với thiết kế, mặt đê bị hư hỏng nặng, có nhiều ổ gà, rãnh nước; mái đê, mái kè phía biển (sông) bị sạt lở; mái kè đang bị bong xô, tụt đá, xuống cấp; một số cống qua đê, tuyến kè mới được xây dựng chưa qua thử thách…

Mùa mưa bão năm nay, huyện Hải Hậu xác định trên địa bàn có 4 trọng điểm PCTT xung yếu; trong đó có 1 trọng điểm cấp tỉnh và 3 trọng điểm cấp huyện. Trọng điểm cấp tỉnh là tuyến đê biển tại vị trí K25 đến K27+60 kè Hải Thịnh 3 thuộc địa bàn thị trấn Thịnh Long. Kết quả kiểm tra cho thấy, bãi bị hạ thấp, cấu kiện mái kè bị bào mòn nhiều, lún võng, dòng chảy áp sát chân kè nên mỗi khi gặp triều cường cùng gió mạnh tạo sóng lớn áp sát thân đê hoặc mưa lớn gây lở, sạt sụt mái kè, thân đê… ảnh hưởng đến sự an toàn của toàn tuyến đê, kè của huyện. Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, các phương án PCTT và TKCN năm 2024 cho ngành, địa phương. Đối với các xã, thị trấn có trọng điểm xung yếu, UBND huyện yêu cầu kiện toàn, rà soát, củng cố xây dựng lực lượng xung kích PCTT bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu thành phần, nội dung, nhiệm vụ và hoạt động theo đúng hướng dẫn xây dựng và củng cố lực lượng xung kích PCTT cấp xã, ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27/3/2020 của Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT. Đồng thời kiểm tra chất lượng và số lượng vật tư dự trữ hộ đê, nếu không đủ, không đảm bảo thì phải tiếp tục huy động bổ sung để đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu. Cùng với chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, huyện cũng xây dựng các phương án giả định để các cấp, ngành, lực lượng chức năng chủ động chuẩn bị vận hành, ứng phó hiệu quả. Theo đó, khi có tin bão xa phải tổ chức lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm tra đê, kè, cống tại các trọng điểm, phát hiện kịp thời những sự cố và tổ chức tu sửa kịp thời. Khi có tin bão gần có khả năng đổ bộ vào địa bàn kèm theo mưa lớn (từ 50mm trở lên) tổ chức kiểm tra đê, kè, cống, phát hiện những sự cố như sạt mái đê, sập sạt mái kè... tổ chức tu sửa kịp thời, chú trọng các tuyến đê trọng điểm, các tuyến kè không còn bãi như kè Hải Thịnh 3, kè Cồn Tròn... Khi bão khẩn cấp có khả năng đổ bộ vào địa bàn, kèm theo mưa to và rất to hoặc lũ vượt báo động 3, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện và các xã, thị trấn triển khai ngay các phương án PCTT và TKCN đã được phê duyệt. Tại các địa phương ven biển, nhất là xã, thị trấn có trọng điểm xung yếu phòng, chống lụt, bão tổ chức sơ tán dân triệt để vào phía trong đường Quốc lộ 21 trước khi bão đổ bộ, chỉ để lại lực lượng xung kích hộ đê, lực lượng tuần tra…

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, cống nói chung, các trọng điểm xung yếu PCTT nói riêng trong mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động các giải pháp “từ sớm, từ xa”, kịp thời ứng phó thiên tai và đảm bảo an sinh, phục hồi sản xuất. Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp trên địa bàn. Cập nhật, bổ sung kế hoạch PCTT và TKCN, phương án ứng phó phù hợp với đặc điểm của từng trọng điểm. Các địa phương, nhất là các xã, thị trấn có đê và lực lượng xung kích PCTT cơ sở, lực lượng quản lý đê nhân dân và lực lượng tuần tra canh gác đê tổ chức diễn tập các phương án xử lý sát thực tế, hiệu quả.

Đồng chí Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Để bảo vệ an toàn các trọng điểm khi có mưa, lũ, bão xảy ra, các địa phương cần thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, xây dựng các kịch bản và tham mưu đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai. Duy trì nghiêm túc chế độ trực ban PCTT và TKCN thường xuyên, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm. Các huyện, thành phố giao chỉ tiêu, bảo đảm số lượng, chất lượng các loại vật tư, phương tiện sẵn có trên địa bàn và phải được tập kết tại địa phương; các loại vật tư không sẵn có được hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị cung cấp bảo đảm huy động được ngay khi có sự cố xảy ra. Đối với các công trình đê, kè, cống đang xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, các địa phương tăng cường chỉ đạo, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, đồng thời sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó khi có mưa, lũ, bão hoặc tình huống thiên tai bất lợi xảy ra trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý hiệu quả đối với sự cố đê, kè, cống tại các trọng điểm trong mùa mưa, bão...

Việc chủ động xây dựng và đề ra các biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn các trọng điểm xung yếu PCTT sẽ góp phần quan trọng bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra cho cộng đồng trong mùa mưa bão năm nay.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com