Các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ Xuân Trường

08:17, 28/06/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Xuân Trường hiện có hơn 40 nghìn hội viên. Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, là đòn bẩy giúp cho phụ nữ phát triển, tiến bộ và thúc đẩy các phong trào phụ nữ, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế.

Cơ sở may  của chị Đoàn Thị Mai, xóm 4, xã Xuân Trung tạo việc làm ổn định cho 20 phụ nữ trên địa bàn huyện.
Cơ sở may của chị Đoàn Thị Mai, xóm 4, xã Xuân Trung tạo việc làm ổn định cho 20 phụ nữ trên địa bàn huyện.

Theo đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức khảo sát đời sống, nhu cầu của hội viên phụ nữ; đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó, Hội LHPN huyện tổ chức các đoàn tham quan đi tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung phát triển. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, thực hiện tốt những chủ trương về phát triển kinh tế hộ gia đình và đăng ký với Hội cấp trên thực hiện mô hình phát triển kinh tế.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Xuân Trường Phạm Thị Minh Hiếu cho biết: “Để cải thiện, nâng cao đời sống cho chị em, nhất là hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, Hội đẩy mạnh thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, qua đó tạo điều kiện cho hội viên trong lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương. Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Hỗ trợ, hướng dẫn chị em cách ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện đời sống”. Đồng thời Hội Phụ nữ các cấp đã giúp các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trong độ tuổi lao động được vay các nguồn vốn của Hội quản lý, tạo điều kiện cho chị em phát triển sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đến nay tổng nguồn vốn các cấp Hội quản lý gồm 143,630 tỷ đồng cho 3.978 hộ vay ở 93 tổ nhóm tại 20 xã, thị trấn từ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là 153,359 tỷ đồng cho 738 hộ vay ở 45 tổ tại 6 đơn vị: Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Phong, Xuân Phú, Xuân Tân, Thọ Nghiệp. Nguồn vốn từ Quỹ quay vòng Hội LHPN tỉnh đạt dư nợ 4,719 tỷ đồng cho 831 thành viên tại 5 đơn vị thụ hưởng dự án. Nguồn vốn từ Quỹ TYM là 29,041 tỷ đồng cho 1.711 thành viên vay, huy động tiết kiệm đến nay đạt trên 27,302 tỷ đồng tại 44 cụm thuộc 13 xã, thị trấn.

Từ các hoạt động thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao do phụ nữ đứng lên làm chủ. Tiêu biểu như cơ sở may đồng phục học sinh và văn phòng công sở của chị Đoàn Thị Mai, xóm 4, xã Xuân Trung tạo việc làm ổn định cho 20 chị em phụ nữ với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi tháng, cơ sở xuất bán từ 18-20 nghìn bộ đồng phục cho hơn 100 cơ quan, trường học trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, thành phố Hà Nội… Xưởng sản xuất rượu của chị Nguyễn Thị Mến ở xã Xuân Phong cũng là một mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của phụ nữ Xuân Trường. Được thành lập từ năm 2017, cơ sở của chị Mến chuyên sản xuất các loại rượu ngô, nếp, táo, mơ... xuất bán đi thị trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình… đồng thời tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương. Mô hình đan ró cói xuất bán sang các nước: Mỹ, Thụy Điển… của chị Hoàng Thị Oanh ở xóm 3, xã Xuân Phương cũng là một trong những mô hình được nhiều chị em trên địa bàn huyện đến tham quan, học tập. Cơ sở tạo việc làm cho 250 lao động với mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân hàng năm đạt từ 450-500 triệu đồng. Cơ sở thêu ren truyền thống của bà Đinh Thị Minh, xóm Bắc, xã Xuân Phương cũng tạo việc làm ổn định cho 30 lao động, chủ yếu là lao động nữ tại địa phương. Mặt hàng chủ lực của gia đình bà Minh là trang phục áo lễ, mỗi tháng sản xuất được khoảng 150 áo với giá bán từ 1 đến 7 triệu đồng/áo. Năm 2018, gia đình bà đầu tư 2 máy thêu với tổng trị giá 1 tỷ đồng. Bên cạnh các sản phẩm được thêu bằng máy móc, cơ sở vẫn thuê thợ mang sản phẩm về nhà thêu thủ công. Gia đình bà cũng luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm nghề ở nhiều địa phương khác, thậm chí là nước ngoài để sản phẩm thêu Phú Nhai ngày càng phát triển và giữ vững vị trí trên thị trường, không chỉ được bán trong nước mà còn xuất đi các nước như: Mỹ, Pháp…

Với việc đa dạng các hoạt động hỗ trợ thiết thực hội viên về kỹ thuật, vốn… cùng với phát triển các mô hình sản xuất, đời sống của nhiều hội viên phụ nữ huyện Xuân Trường ngày một nâng cao, khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thời gian tới, Hội LHPN huyện Xuân Trường tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả, cách làm hay trong phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ học hỏi kinh nghiệm; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com