Sản xuất nông sản an toàn để phát triển nông nghiệp bền vững

08:15, 28/05/2024

Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, liên kết chuỗi là xu thế, hướng đi bền vững thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, ngày 6-8-2019 của Hội Nông dân (HND) tỉnh về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”, trong 5 năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên triển khai thực hiện nghị quyết với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).
Mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh).

Hàng năm, các cấp HND trong tỉnh đã phối hợp với ngành Y tế và các ngành liên quan tổ chức hiệu quả các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, hội viên về Luật An toàn thực phẩm, Chương trình phối hợp giữa Trung ương HND Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam về tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025… Phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn; sản phẩm mang đậm nét truyền thống, đặc sản của địa phương. Vận động nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước, giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tới tay người tiêu dùng, góp phần quan trọng thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Cùng với đó, HND tỉnh đã chỉ đạo HND các huyện, thành phố phối hợp với ngành chức năng tại địa phương tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ký cam kết đảm bảo sản xuất nông sản an toàn, ký cam kết thực hiện nội dung 3 không (không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không dùng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm; không tiêu dùng thực phẩm bẩn).

HND các cấp còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu; tập trung bồi dưỡng những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín để xây dựng các mô hình và là đầu mối liên kết, hợp tác các hội viên sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng chế phẩm sinh học, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình các nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. Các cấp Hội đóng vai trò là trung tâm kết nối nông dân với doanh nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Từ năm 2019-2023, HND tỉnh trực tiếp triển khai xây dựng được 11 mô hình liên kết, tiêu biểu như: “Liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngô nếp lai F1 HN88, hỗ trợ củng cố HTX” với quy mô 18ha tại xã Liên Bảo (Vụ Bản). “Liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá trắm đen” tại xã Xuân Vinh (Xuân Trường) với 7 thành viên tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tham gia, quy mô 3,5ha. “Chi, tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên) với 15 hộ tham gia, quy mô 18 nghìn con gà đẻ trứng; sau thành công của mô hình hiện nay đã có 5 hộ thành viên của chi hội đăng ký chương trình thực hành tốt (VietGAP). “Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm (vịt thương phẩm), hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu) gồm 15 hộ tham gia với quy mô 5.400 con vịt thương phẩm. “Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn quy mô nông hộ, trang trại, tổ hợp tác, HTX” tại xã Tân Thành (Vụ Bản) với 20 thành viên tham gia, quy mô 4.500 con gà sinh sản. Phối hợp thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn sinh học” tại xã Trực Thắng (Trực Ninh). Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình “Liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định”. Bên cạnh đó, HND các cấp đã vận động hội viên nông dân tham gia 39 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là: Mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình anh Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh); mô hình doanh nghiệp liên kết với nông dân tập trung ruộng đất sản xuất gạo sạch theo chuỗi giá trị của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên); mô hình sản xuất ngao sạch được chứng nhận đạt ASC của ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng)...

Để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh, nông sản thực phẩm an toàn và liên kết theo chuỗi, các cấp Hội đã tập trung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ưu tiên cho hội viên vay để xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi. Các cấp Hội cũng đã trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 1.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân. Tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tại tỉnh Ninh Bình; cử 6 cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Vĩnh Phúc. Phối hợp các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư, phân bón, chế phẩm sinh học... cho hội viên. HND tỉnh còn phối hợp với Hội LHPN, Liên minh HTX tỉnh duy trì tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” trưng bày, giới thiệu những sản phẩm an toàn, chất lượng của hội viên nông dân, phụ nữ, thành viên HTX, qua đó động viên, khuyến khích, tôn vinh những ý tưởng, sản phẩm tiêu biểu sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Các cấp Hội cũng tập trung triển khai hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; vận động hội viên thuê gom tích tụ ruộng đất, liên kết với các công ty sản xuất theo chuỗi. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 200 mô hình kinh tế tập thể với gần 3.000 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, HND tỉnh chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm khai trương cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Thanh. HND các huyện, thành phố phối hợp khai trương 5 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường, thành phố Nam Định. Đây là các địa điểm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn, có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và các sản phẩm đạt OCOP cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. HND tỉnh còn tham gia gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP của tỉnh tại các hội nghị, hội chợ do Trung ương Hội và các tỉnh tổ chức. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 01 của HND các cấp trong tỉnh đã góp phần thực hiện các nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội, xây dựng tổ chức HND ngày càng vững mạnh, xứng đáng là trung tâm nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị quyết 01-NQ/HNDT, các chủ trương, chính sách về an toàn thực phẩm trong tình hình mới tới cán bộ, hội viên nông dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; phát triển theo quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản. Tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm, làm cầu nối liên kết, hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com