Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển

17:21, 05/05/2024

Với tầm nhìn đến năm 2050, phát triển vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh trở thành vùng không gian lãnh thổ phát triển bền vững; lấy công nghiệp và dịch vụ thương mại là hướng phát triển ưu tiên, có môi trường đầu tư, môi trường sống tại đô thị và nông thôn đạt chất lượng cao trong khu vực; phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ các giải pháp thu hút, bố trí, sắp xếp dân cư vào địa bàn, hình thành các điểm, cụm dân cư kiểu mẫu về quản lý, kết cấu hạ tầng, văn hóa, gắn kết cộng đồng với môi trường, cảnh quan…, ngày 9-4-2024 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Thị trấn Cổ Lễ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Trực Ninh.
Thị trấn Cổ Lễ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Trực Ninh.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới tự nhiên của 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh hiện tại với tổng diện tích khoảng 308km2. Tính chất là vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, nông nghiệp (ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, làng nghề); đầu mối giao thông quan trọng phía Đông Nam của tỉnh Nam Định kết nối các vùng lân cận. Dựa trên các hoạch định không gian phát triển các lĩnh vực, cùng với phân bố các tài nguyên thiên nhiên của các huyện, vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Quy hoạch phân làm 4 vùng phát triển. Trong đó phân vùng 1 là phân vùng phát triển đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp phía Tây Nam thành phố Nam Định, gồm 6 đơn vị hành chính nằm ở phía Tây Bắc huyện Nam Trực (hai thị trấn: Nam Giang (sáp nhập thêm xã Nam Dương, Nam Hùng), Đồng Sơn và 4 xã: Nghĩa An, xã mới (sáp nhập các xã Nam Toàn, Nam Mỹ, Điền Xá), Hồng Quang, Nam Cường. Cụ thể đây sẽ là vùng phát triển đô thị dịch vụ, trung tâm đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng với cả đường bộ, đường thủy và đường sắt qua các tuyến vành đai 1, 2; các Quốc lộ 21, 21B; đường sắt: Nam Định - Quảng Ninh, Nam Định - Thịnh Long; là vùng phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với nghề trồng hoa, cây cảnh có lịch sử truyền thống.

Phân vùng dân cư nông thôn gắn với nông nghiệp chất lượng cao gồm 9 đơn vị hành chính; trong đó huyện Nam Trực có 7 xã (Nam Thắng, Tân Thịnh, Nam Hồng, xã mới (sáp nhập từ các xã Nam Hoa, Nam Lợi, Nam Hải), Bình Minh, Nam Tiến, Nam Thái; huyện Trực Ninh gồm 1 đô thị mới Trực Nội (sáp nhập từ các xã Trực Nội, Trực Thanh, Trực Hưng) và 1 xã mới (sáp nhập từ các xã Trực Khang, Trực Thuận, Trực Mỹ). Phân vùng này có tính chất là vùng dân cư nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp chất lượng cao, vùng đệm chuyển tiếp giữa các khu vực phát triển đô thị 2 huyện; phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái; hình thành chức năng dịch vụ kết nối trung chuyển hàng hóa gắn với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phân vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với sông Hồng, sông Ninh Cơ gồm 6 đơn vị hành chính, trong đó huyện Nam Trực có xã Nam Thanh; huyện Trực Ninh có các thị trấn: Cổ Lễ (sáp nhập thêm các xã Trung Đông, Trực Chính), Cát Thành (sáp nhập thêm 2 xã Trực Tuấn, Trực Đạo) và 3 xã Phương Định, Liêm Hải, Việt Hùng. Phân vùng này có tính chất là vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với sông Hồng và sông Ninh Cơ, là trung tâm hành chính chính trị huyện Trực Ninh có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam toàn vùng; là trung tâm kinh tế đa ngành phát triển giao thương giữa hành lang kinh tế vùng biển và giao thương kinh tế các vùng huyện Thái Bình.

Phân vùng phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp truyền thống phía Nam gồm thị trấn Ninh Cường và 3 xã Trực Hùng, Trực Cường, xã mới (sáp nhập từ các xã Trực Thái, Trực Đại, Trực Thắng) với tính chất là vùng phát triển đô thị phía Nam gắn với phát triển nông nghiệp truyền thống.

Ảnh 1: Thị trấn Cổ Lễ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Trực Ninh.
Ảnh 2: Thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Nam Trực. 

Định hướng phân vùng phát triển đô thị trong Quy hoạch thành 2 vùng chính; trong đó khu vực dân cư tại các đô thị hiện hữu duy trì cấu trúc hiện có, tăng cường bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian công cộng, cây xanh theo tiêu chuẩn hiện hành, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế dịch vụ, công nghiệp tận dụng lợi thế trung tâm các tiểu vùng; khu vực tiếp giáp với thành phố Nam Định sẽ cải tạo và phát triển các khu dân cư hiện hữu và mở rộng theo hướng mật độ thấp, duy trì phát huy các giá trị sản xuất nông nghiệp, làng nghề thủ công kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch. Huyện Nam Trực sẽ mở rộng ranh giới thị trấn Nam Giang (sáp nhập thêm xã Nam Dương, Nam Hùng) vươn lên trở thành đô thị loại IV là trung tâm tiểu vùng phía Bắc; xã Đồng Sơn trở thành thị trấn mới Đồng Sơn là đô thị loại V; 3 xã phía Bắc gồm Nghĩa An, Hồng Quang, xã mới (sáp nhập xã Nam Toàn, Nam Mỹ, Điền Xá) là vùng tiếp giáp với đô thị trung tâm thành phố Nam Định, nghiên cứu phát triển các chỉ tiêu tiệm cận đô thị loại II. Huyện Trực Ninh mở rộng ranh giới hành chính thị trấn Cổ Lễ (sáp nhập thêm xã Trực Chính, Trung Đông) vươn lên trở thành đô thị loại IV là trung tâm tiểu vùng phía Nam; thị trấn Cát Thành (sáp nhập thêm xã Trực Tuấn, Trực Đạo) định hướng phát triển thành đô thị loại IV năm 2040; trong giai đoạn 2026-2030 các xã Trực Nội, Trực Hưng và Trực Thanh dự kiến sáp nhập trở thành đô thị mới Trực Nội là đô thị loại V.

Về định hướng phát triển giao thông, các huyện Nam Trực, Trực Ninh đều được chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt. Về giao thông đường bộ, huyện Nam Trực có: cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, toàn tuyến được quy hoạch đạt quy mô 6 làn xe (giai đoạn 2023-2030: 4 làn xe), điểm đầu tại thành phố Ninh Bình, điểm cuối giao Quốc lộ 18 tỉnh Quảng Ninh; quy hoạch tuyến đường gom 2 bên cao tốc đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng; 4 tuyến đường vành đai (2 tuyến đường vành đai thành phố; 2 tuyến đường vành đai xanh); 3 tuyến Quốc lộ 21 (điểm đầu tại xã Nghĩa An, điểm cuối tại xã Nam Thanh, chiều dài qua huyện khoảng 13km, duy trì tuyến đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đoạn qua khu vực phát triển đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt); Quốc lộ 21B (điểm đầu từ xã Điền Xá, điểm cuối tại cầu Nam Hải 1 (giáp ranh giữa 2 huyện Nam Trực, Trực Ninh) dài khoảng 11,5km; duy trì tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, đoạn qua khu vực phát triển đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt); nâng cấp mở rộng Quốc lộ 37B đảm bảo tiêu chuẩn đường cấp III, đoạn qua đô thị tuân thủ theo quy hoạch được duyệt. Nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh kết nối từ các tuyến cao tốc, quốc lộ đến các khu công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của huyện, của tỉnh; kết nối đến các tuyến đường khu, cụm công nghiệp; các đô thị mới… Hệ thống đường tỉnh kết hợp với các tuyến quốc lộ cải tạo, đường cao tốc và đường vành đai tạo nên mạng lưới đường bộ đối ngoại hoàn chỉnh, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị với nông thôn...

Hệ thống giao thông đường bộ của huyện Trực Ninh gồm 2 tuyến vành đai xanh (gồm tuyến kết nối từ cao tốc Ninh Bình -  Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối sang huyện Hải Hậu qua thị trấn Yên Định, quy hoạch tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp III đồng bằng; tuyến kết nối 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh và Nghĩa Hưng, quy hoạch tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp III đồng bằng); cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và các Quốc lộ 21 (điểm đầu từ Km164+05 (cống Cổ Lễ), điểm cuối tại Km173+337 (cầu Lạc Quần) đi qua thị trấn Cổ Lễ và các xã Liêm Hải, Việt Hùng dài khoảng 9,33km; duy trì tuyến đạt tối thiểu cấp III đồng bằng, đoạn qua khu vực phát triển đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt), Quốc lộ 21B (điểm đầu giáp cầu Nam Hải (Km120+300), điểm cuối giáp xã Hải Phong, huyện Hải Hậu (Km134+800) dài khoảng 14,5km; duy trì tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, đoạn qua khu vực phát triển đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt, Quốc lộ 37B (điểm đầu tại Km67+948 (cầu 12, xã Trực Đại), điểm cuối tại Km74+391 (cầu phao Ninh Cường), dài khoảng 6,21km; duy trì tuyến đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, đoạn qua khu vực phát triển đô thị tuân thủ theo quy hoạch đô thị được duyệt). Nâng cấp cải tạo hệ thống đường tỉnh kết nối từ các tuyến cao tốc, quốc lộ đến các khu công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của huyện, của tỉnh; kết nối đến các tuyến đường khu, cụm công nghiệp; các đô thị mới… 

Để quản lý, thực hiện đúng Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 32/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã quy định danh mục các dự án đầu tư phát triển được thực hiện. Trong đó ưu tiên các dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29-12-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là những dự án hạ tầng khung diện rộng, các công trình đầu mối đảm bảo kết nối liên vùng, các khu vực phát triển đô thị giữa 2 huyện Nam Trực và Trực Ninh; các dự án đầu tư phát triển cho khu vực đô thị giữ vai trò chủ chốt của các huyện (thị trấn Nam Giang, thị trấn Cổ Lễ…)./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com