Phát huy hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp

08:08, 03/05/2024

Qua quá trình triển khai, Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã khẳng định là kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất. Chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.

Sản xuất dây lưới thép tại Công ty Cổ phần Dây lưới thép Nam Định (thành phố Nam Định).
Sản xuất dây lưới thép tại Công ty Cổ phần Dây lưới thép Nam Định (thành phố Nam Định).

Để có được kết quả đó, ngành Ngân hàng đã nghiêm túc triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tạo điều kiện tiếp vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: hạ lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí hoạt động… tạo dư địa giảm lãi suất cho vay; xem xét miễn giảm một số loại phí không cần thiết; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân qua phương tiện điện tử theo Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ; nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian thẩm định xét duyệt, không làm lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; chú trọng đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng nhằm tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý được dòng tiền và kiểm soát rủi ro.

Để chương trình bám sát thực tiễn, hiệu quả, ngay trong quý I năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh đã thành lập 2 đoàn khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Thành lập, công bố đường dây nóng và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của NHNN Chi nhánh tỉnh và UBND tỉnh để người dân, doanh nghiệp biết, phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Qua các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình, các đơn vị tham gia đã nhận diện chi tiết hơn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng tốt điều kiện vay vốn của các ngân hàng.

Thông qua chương trình, đến hết năm 2023, đã có 204 doanh nghiệp được giải ngân cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng qua 18 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do các TCTD tổ chức. Tổng số tiền cam kết cho vay 9.193 tỷ đồng, đã giải ngân được 10.036 tỷ đồng, tăng 9% so với cam kết. Dư nợ cho vay đạt 4.808 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn giải ngân được 4.243 tỷ đồng với 93 khách hàng; cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa giải ngân được 2.232 tỷ đồng với 69 khách hàng; cho vay kinh doanh hàng dệt may giải ngân được gần 141,5 tỷ đồng với 2 khách hàng; cho vay khác giải ngân được 2.579 tỷ đồng với 10 khách hàng; cho vay thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp giải ngân được 608 tỷ đồng với 30 khách hàng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh khẳng định: Chương trình đã đem đến “lợi ích kép” cả về phía doanh nghiệp và ngân hàng và trên hết, đã tạo sự gắn kết bền chặt trong mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi để đồng hành và phát triển, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua chương trình, doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Không chỉ được ưu đãi về lãi suất, doanh nghiệp còn được hỗ trợ tư vấn về quản trị dòng tiền, điều hành hoạt động, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình thực tế; quản lý tài chính hiệu quả trên nền tảng số hóa… từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. Chương trình cũng giúp doanh nghiệp được tiếp cận thêm với các thông tin cơ chế, chính sách của Chính phủ, NHNN Việt Nam về hỗ trợ doanh nghiệp; các chương trình, chính sách tín dụng mới; hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu những sản phẩm chủ lực. Cùng với đó, các TCTD cũng khơi thông được dòng vốn, giúp tăng trưởng tín dụng bền vững, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Qua chương trình đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng từ phía các ngân hàng.

­­­Thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận, tăng khả năng hấp thụ vốn; đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn của khách hàng theo hướng tinh gọn, trên cơ sở triển khai các giải pháp tích hợp, đồng bộ chứng từ trong hệ thống ngân hàng; áp dụng công nghệ để tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng. Thực hiện công khai minh bạch quy trình, thủ tục cho vay, tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tập trung nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực giúp phát huy thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ và NHNN Việt Nam; áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết kiệm chi tiêu, đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đảm bảo lãi suất ưu đãi với ngành, lĩnh vực ưu tiên... Chủ động, tích cực tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình và tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng trực tiếp tại đơn vị để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm chỉnh chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com