Nuôi thủy sản xuân hè vào vụ mới

08:07, 24/05/2024

Thời điểm này, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người nuôi thủy sản (NTS) đang tích cực xuống giống thủy sản vụ nuôi xuân hè theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển nghề NTS hiệu quả, bền vững.

Người dân nuôi thủy sản xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) lựa chọn con giống cá chạch sụn để xuống giống vụ nuôi 2024.
Người dân nuôi thủy sản xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) lựa chọn con giống cá chạch sụn để xuống giống vụ nuôi 2024.

Xã Hải Châu (Hải Hậu) có tổng diện tích NTS gần 145ha với 450 hộ nuôi, trong đó có 350 hộ nuôi cá diêu hồng, 40 hộ thả cá truyền thống, 54 hộ nuôi chuyên canh tôm, 6 hộ thả cá chạch sụn. Năm 2023, tổng sản lượng NTS của xã đạt 1.800 tấn, tổng giá trị đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Nhiều hộ nuôi cá kết hợp trồng cây đinh lăng, cây màu đem lại thu nhập khá. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Văn Thực, ở xóm 5, đầu tư 1,5ha ao nuôi thả xen canh cá diêu hồng, cá đối nục, các loại cá truyền thống và nuôi thử nghiệm cá chạch sụn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết: “Phát huy thế mạnh về NTS, người dân trong xã đã tập trung nuôi cá diêu hồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giống cá này có khả năng thích ứng cao với tình trạng thời tiết biến đổi, cá khỏe ít bị bệnh, lớn nhanh hơn các loại cá truyền thống từ 2-3 lần và được thị trường ưa chuộng, giúp các hộ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ”. Mỗi năm cá diêu hồng chỉ nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 âm lịch, các hộ đồng loạt xuống giống cho đến khoảng tháng 10 âm lịch bắt đầu thu hoạch rải rác đến hết năm. Dù chỉ nuôi 1 vụ nhưng mỗi năm các hộ nuôi trong xã thu hoạch hàng trăm tấn cá diêu hồng, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương… Để chuẩn bị cho vụ nuôi năm nay, Ban Nông nghiệp xã đã hướng dẫn các hộ dân dọn vệ sinh ao nuôi, tu sửa bờ vùng, kênh dẫn nước và áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý môi trường nước; khuyến cáo người dân lựa chọn mua con giống ở những cơ sở có uy tín, bảo đảm giống khỏe, sạch bệnh.

Không chỉ ở xã Hải Châu, đến thời điểm này ở khắp các địa phương trong tỉnh, các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ NTS đều đã tập trung xuống giống những con nuôi thế mạnh của địa phương được thị trường ưa chuộng như: Ngao, cá chép giòn, cá bống bớp, cá diêu hồng, trắm đen, trắm cỏ, chép, cá hồng mỹ, tôm thẻ chân trắng, ếch, ốc nhồi… Năm 2024, diện tích NTS của toàn tỉnh khoảng 15.340ha, trong đó nuôi mặn lợ 6.665ha. Diện tích nuôi tôm 3.400ha, tập trung tại các huyện ven biển; diện tích nuôi ngao 2.350ha tập trung tại vùng nuôi của các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Toàn ngành phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 200 nghìn tấn.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương tiếp tục tập trung phát triển NTS tại các vùng đã được quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời nhân rộng các mô hình NTS phù hợp, hiệu quả trong sản xuất. Tập trung phát triển những con nuôi thế mạnh của địa phương được thị trường ưa chuộng; hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP và các quy trình tương đương, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống thủy sản chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, sẵn sàng cho vụ sản xuất mới. Chủ động căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để sản xuất các loại giống thủy sản đảm bảo chất lượng cung ứng cho người nuôi. Đồng chí Trần Thị Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy hải sản (Sở NN và PTNT) cho biết: Bám sát lịch và cơ cấu nuôi thả, Trung tâm đã tập trung sản xuất, cung ứng trên 100 triệu con cá trắm cỏ, 15 triệu con cá chép, 8 vạn con cá trắm đen, 40 vạn con cá biển, 4 vạn con cua biển… cho các hộ nuôi. Các loại giống thủy sản được Trung tâm ương dưỡng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và điều kiện vệ sinh thú y thủy sản. Kích thước, cỡ con giống được bảo đảm tiêu chuẩn và được công bố chất lượng giống của cơ sở. Việc cung ứng nguồn giống chất lượng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị thu nhập cho người nuôi.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), các cơ sở sản xuất giống nước ngọt đã chọn cá bố, mẹ và cho sinh sản một số loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá trắm cỏ, trắm đen, cá lăng, cá chép; các đối tượng nuôi khác gồm lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan cũng được người dân học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để nhân giống. Một số cơ sở sản xuất giống mặn lợ đã nhập, ương giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, hầu; sản xuất giống các loại tôm sú, ngao tại Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Các con giống thủy sản mặn lợ, con giống thủy sản nước ngọt, giống tôm thẻ chân trắng, tôm sú nhập về đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nuôi.

Cùng với chuẩn bị tốt nguồn giống, Sở NN và PTNT đã có văn bản khuyến cáo các hộ NTS thực hiện tốt việc cải tạo, vệ sinh ao, đầm, vùng nuôi trước khi xuống giống; xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; chú trọng cải tạo hệ thống cấp, thoát nước, đáp ứng tốt yêu cầu nuôi và hạn chế lây lan dịch bệnh; quản lý, xử lý tốt các loại chất thải, nước thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở những ao, đầm nuôi có bệnh. Khuyến khích phát triển đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, nhất là đối tượng có giá trị kinh tế cao và thị trường có nhu cầu; tạo thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tham gia vào quá trình ứng dụng công nghệ trong quản lý, sản xuất con giống và NTS theo hướng nông nghiệp thông minh, tự động hóa trong sản thủy sản hàng hóa theo liên kết chuỗi đối với một số con nuôi chủ lực. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tiến hành quan trắc, lấy mẫu nước tại các vùng nuôi tôm, ngao và vùng nuôi thủy sản nước ngọt để đánh giá, phân tích, từ đó kịp thời khuyến cáo và hướng dẫn người nuôi chủ động áp dụng các biện pháp xử lý môi trường ao, đầm và vùng nuôi để phòng, chống các đối tượng bệnh dịch trên con nuôi thủy sản nói chung, nhất là trên tôm thẻ chân trắng và ngao. Chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các cấp chính quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ NTS nhằm hạn chế tối đa các loại thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học, các chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi... không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, năng suất vụ nuôi; khuyến cáo các hộ nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp NTS thâm canh, siêu thâm canh, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Việc chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở hạ tầng nuôi, đảm bảo chất lượng con giống thủy sản và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật là tiền đề để có vụ NTS thắng lợi, nâng cao thu nhập cho người sản xuất./.

Bài và ảnh: Văn Đại



Vựa hải sản: Haisantrungnam uy tín

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com