Nỗ lực hơn nữa để cải thiện, nâng điểm chỉ số PAPI

18:59, 01/05/2024

Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), điểm tổng hợp PAPI năm 2023 của tỉnh Nam Định đạt 43,17 điểm, xếp thứ 23/61 tỉnh, thành phố (hai tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương không đưa số liệu vào báo cáo do dữ liệu không đảm bảo độ tin cậy), nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước. So với năm 2022, kết quả tăng về điểm số nhưng lại giảm về xếp hạng (tăng 0,03 điểm và tụt 4 bậc). Nhằm đạt hiệu quả hơn trong thúc đẩy xây dựng nền quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân trong thực tiễn, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh chủ động phân tích, nhận diện các nguyên nhân để khắc phục, đặc biệt chú ý các điểm chỉ số thành phần giảm điểm, tụt hạng.

Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mong muốn của nhiều người dân trong năm 2023. (Trong ảnh: Cán bộ bộ phận một cửa huyện Xuân Trường rà soát hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân).
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là mong muốn của nhiều người dân trong năm 2023. (Trong ảnh: Cán bộ bộ phận "một cửa" huyện Xuân Trường rà soát hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân). 

Cụ thể kết quả khảo sát PAPI so với năm 2022 cho thấy, điểm chỉ số thành phần 2 nội dung của tỉnh tiếp tục được cải thiện, gồm: Quản trị điện tử tăng 0,43 điểm; Cung ứng dịch vụ công tăng 0,22 điểm, đạt 7,85 điểm. Trong đó, hiệu quả Quản trị điện tử của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực nhưng với mức đạt 3,33 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, Nam Định mới nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt mức điểm trung bình cao; đây cũng là chỉ số có mức điểm thấp thứ hai so với 8 chỉ số thành phần PAPI. Từ năm 2020 đến năm 2023 các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực thúc đẩy cung cấp thông tin chính sách, pháp luật và dịch vụ công trên môi trường mạng; hướng đến mục tiêu sẽ làm giảm sự tùy tiện, quan liêu trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện tính công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Số lượng người sở hữu điện thoại thông minh và tiếp cận, sử dụng internet tại nhà tiếp tục tăng lên. Số lượng công dân truy cập và thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, giống như tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Quản trị điện tử vẫn là chỉ số Nam Định cần tích cực cải thiện do tồn tại khoảng cách lớn giữa tỷ lệ người dân sử dụng internet và tỷ lệ người dùng Cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được đánh giá cao về tính thân thiện với người dùng do chưa được nhiều người dân sử dụng.

Cung ứng dịch vụ công là chỉ số đạt mức điểm cao nhất trong 8 chỉ số, đồng thời là 1 trong 2 chỉ số giúp tỉnh lọt vào tốp các tỉnh, thành phố đạt mức điểm cao trong xếp hạng các chỉ số thành phần. Tại chỉ số này, dựa trên trải nghiệm thực tiễn của bản thân và gia đình, người dân có những đánh giá tích cực về chất lượng, mức độ sẵn có và mức độ thuận tiện khi sử dụng các dịch vụ công căn bản ở cả ba cấp xã, huyện, tỉnh như là các dịch vụ y tế công lập, giáo dục tiểu học công lập; đặc biệt đánh giá cao hệ thống cơ sở hạ tầng căn bản, nhất là hệ thống đường sá gần nhà; đánh giá tần suất, chất lượng thu gom rác ngày càng được cải thiện; đánh giá công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư được tăng cường cải thiện. Dù vậy, người dân cũng mong muốn các cấp chính quyền cần cải thiện hệ thống bệnh viện công.

Phân tích về chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, đây là 1 trong 2 chỉ số tỉnh đạt mức điểm cao so với toàn quốc nhờ các địa phương trong tỉnh đã huy động hiệu quả sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định và giám sát việc thực hiện các dự án công trình công cộng. Tuy nhiên, điểm chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương) giảm 0,2 điểm so với kết quả tỉnh đạt được năm 2022.

Với mức đạt 5,43 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm, kết quả khảo sát PAPI cũng chỉ rõ tỉnh cần nâng cao hiểu biết của người dân về chính sách, pháp luật quan trọng liên quan đến công dân, nhất là những văn bản pháp luật quan trọng như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; phải nỗ lực nhiều hơn trong việc bảo đảm người dân tham gia chủ động và tích cực vào công tác bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố. Bên cạnh đó, năm 2023, Nam Định còn bị giảm điểm ở 5 chỉ số thành phần khác gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công giảm 0,2 điểm, Thủ tục hành chính công giảm 0,18 điểm, Công khai, minh bạch giảm 0,14 điểm, Quản trị môi trường giảm 0,09 điểm, Trách nhiệm giải trình với người dân giảm 0,07 điểm.

Trong đó, dù giảm điểm nhưng chỉ số Công khai, minh bạch đạt 5,21 điểm (nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đạt mức điểm chỉ số trung bình cao so với toàn quốc). Theo đó, tỉnh đã làm tốt công tác công khai danh sách hộ; nhiệm vụ công khai kế hoạch sử dụng đất, bảng giá đất và công khai thu, chi ngân sách cấp xã, phường mới đạt mức trung bình trên toàn quốc; việc tiếp cận thông tin về kế hoạch sử dụng đất thường niên của người dân vẫn còn rất hạn chế, cần phải chú trọng cải thiện.

Đáng lưu tâm hơn cả, 4 chỉ số giảm điểm còn lại của tỉnh đều ở trong mức điểm trung bình thấp so với các địa phương trên toàn quốc. Chỉ số Thủ tục hành chính công đánh giá mức độ chuyên nghiệp và khả năng đáp ứng yêu cầu của người dân đối với dịch vụ hành chính công đạt 7,18 điểm trên thang đo từ 1-10 điểm nhưng Nam Định vẫn nằm trong nhóm tỉnh đạt mức trung bình thấp do biên độ dao động điểm của toàn quốc nằm trong khung điểm từ 6,68 đến 7,63 điểm. Kết quả phân tích cho thấy người thực hiện các thủ tục nhân thân hoặc thủ tục hành chính do cấp xã xử lý ở hầu hết các huyện, thành phố có trải nghiệm khá tốt với dịch vụ này. Dù vậy, người dân đánh giá chưa cao chất lượng cung ứng dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã; việc cung ứng dịch vụ hành chính công liên quan đến cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn nhiêu khê; thiếu niêm yết công khai phí và lệ phí thực hiện thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là vấn đề phổ biến ở cấp xã. Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,56 điểm; trong đó số người sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện cho biết họ đã phải trả chi phí ngoài quy định để được chăm sóc tốt hơn đã giảm. Tuy nhiên, người dân đánh giá hiện trạng phải “chung chi” để có việc làm trong khu vực Nhà nước vẫn khá phổ biến; mối quan hệ thân quen vẫn quan trọng khi muốn xin vào làm việc ở 5 vị trí công chức, viên chức cấp xã/phường/thị trấn (gồm công chức địa chính, công chức tư pháp, công an cấp xã, giáo viên tiểu học công lập, nhân viên văn phòng UBND xã/phường); vẫn còn tình trạng người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi “lót tay”. Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,26 điểm, nằm trong bình diện chung tất cả các tỉnh trên toàn quốc đều đạt dưới 4,66 điểm. Nội dung thành phần giải đáp khiếu nại, tố cáo và đề xuất của công dân của tỉnh đạt điểm thấp nhất. Các cơ chế giải quyết tranh chấp dân sự phi tòa án chưa được nhiều người dân tin tưởng, mặc dù đây là kênh hỗ trợ giải quyết tranh chấp từ sớm trước khi khởi kiện ra tòa án. Trong số 4 vị trí được hỏi (gồm trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ/công chức UBND, cán bộ HĐND và cán bộ đoàn thể cấp xã), trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố tiếp tục là kênh thường trực được người dân tin tưởng lựa chọn tương tác nhiều nhất khi có sự vụ cần giải quyết trong năm 2023. Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh đạt 3,31 điểm, nằm trong bình diện chung trên toàn quốc đều ở mức điểm dưới trung bình trên thang đo từ 1-10 điểm. Đây là chỉ số tỉnh đạt mức điểm thấp nhất trong 8 chỉ số thành phần của PAPI. Người dân chưa đánh giá cao chính quyền địa phương trong thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường và chất lượng nguồn nước sinh hoạt; tỷ lệ người dân đánh giá tích cực đối với mức độ phản hồi của chính quyền địa phương sau khi nhận được thông báo của người dân về vấn đề môi trường giảm mạnh (giảm hơn 20%)...

Báo cáo xếp hạng PAPI năm 2023 chỉ ra rằng, điểm các chỉ số nội dung PAPI của tỉnh có xu hướng hội tụ hơn, khoảng cách về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh giữa các tỉnh, thành phố không lớn. Chỉ số PAPI có nhiều chỉ tiêu đánh giá sâu. Vì vậy, tỉnh xác định, thay vì chỉ tập trung vào cải thiện thứ bậc so với địa phương khác, lãnh đạo chính quyền cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) cần đặc biệt lưu ý những việc chưa làm được; thận trọng rà soát từng vấn đề cụ thể của các chỉ số còn nhiều dư địa cần cải thiện của tỉnh, nhất là các chỉ số có tổng điểm chỉ ở mức trung bình thấp so với các địa phương trên toàn quốc như là: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, Thủ tục hành chính công, Quản trị môi trường, Trách nhiệm giải trình với người dân và chỉ số Quản trị điện tử do mức điểm tỉnh đạt được còn rất thấp. Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tiếp tục thống nhất quan điểm chỉ số tổng hợp PAPI đóng vai trò như một “tấm gương” để từng địa phương “soi chiếu” chung về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công. Từ đó, cần khẩn trương xác định và tích cực giải quyết những vấn đề ưu tiên giải quyết trong ngắn hạn và trung hạn; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành liên quan nhằm đổi mới phương thức phục vụ nhân dân, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ; quyết liệt hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ cải thiện, nâng điểm chỉ số PAPI trên bảng xếp hạng toàn quốc./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com