Ngăn chặn kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

08:27, 31/05/2024

Những năm gần đây, tình trạng kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Xuân Trường.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên địa bàn huyện Xuân Trường.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền SHTT. Trong đó, ngày 7-7-2023, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT) phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Bùi Văn Tuyên tại địa chỉ xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) phát hiện cơ sở trưng bày, kinh doanh 130 chai khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) loại 12kg mang các nhãn hiệu Petro Phúc Thái Gas, Petro Hồng Hà, Bình An Petro, Tài Lộc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu trên (do toàn bộ hàng hóa không có niêm màng co tại van chai). Hộ kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như các giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh của cơ sở. Lực lượng QLTT đã thu thập thông tin tài liệu, chứng từ liên quan gửi đến các cơ quan chức năng để xác minh, giám định và xác định được hộ kinh doanh Bùi Văn Tuyên có hành vi trưng bày, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đồng thời không có giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG theo quy định; sử dụng người quản lý, nhân viên làm việc tại cửa hàng bán lẻ LPG chai không được huấn luyện về kỹ thuật an toàn. Hộ kinh doanh Bùi Văn Tuyên đã bị xử phạt về các hành vi vi phạm với tổng số tiền phạt 65 triệu đồng và buộc tiêu hủy 130 chai LPG giả mạo nhãn hiệu.

Tại 2 huyện Vụ Bản, Ý Yên, lực lượng QLTT đã phát hiện 2 hộ kinh doanh có bày bán 80 bao phân bón NPK cao cấp nhãn hiệu PHÚ MỸ FAC - Lúa 2 của Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Nông nghiệp Phú Mỹ, địa chỉ 207A Nguyễn Văn Thủ, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “NPK Phú Mỹ, Cho mùa bội thu” của Nhà máy đạm Phú Mỹ trực thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí. Sau khi gửi mẫu và có kết luận về sở hữu công nghiệp của Viện khoa học SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), Đội QLTT số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính 2 hộ kinh doanh trên với hành vi vi phạm “Buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu”; xử phạt vi phạm hành chính, truy thu số thu lợi bất chính từ kinh doanh hàng vi phạm SHTT 47 triệu đồng; đồng thời buộc loại bỏ yếu tố vi phạm và tiêu hủy tang vật vi phạm nêu trên.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện, xử lý và yêu cầu nhiều trường hợp vi phạm kinh doanh các sản phẩm nước hoa, quần bò, kính mắt, giầy thể thao có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu lớn Chanel, Dior, Hermes, Gucci, Nike phải tiêu hủy hàng hóa hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm. Tại làng nghề sản xuất sản phẩm may mặc xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), lực lượng QLTT phối hợp với lực lượng Công an và doanh nghiệp liên tiếp xử lý nhiều vụ việc vi phạm nhãn hiệu thời trang YODY đã được đăng ký bảo hộ.

Theo nhận định của Cục QLTT, tình trạng kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp, đa dạng về chủng loại, chất lượng, phát triển mạnh mẽ trên hệ thống thương mại điện tử, không chỉ gây bức xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Nguyên nhân chính là do nhiều người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được đầy đủ hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh cũng như sử dụng hàng giả. Một bộ phận người dân có tâm lý thích dùng “hàng hiệu” trong khi thu nhập hạn chế nên tìm mua sản phẩm giả khiến tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT có “đất” phát triển. Việc thực thi quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự lại không nhiều; hầu hết các chủ thể đều lựa chọn biện pháp xử phạt hành chính để thực thi quyền SHTT. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với người sản xuất, kinh doanh vi phạm còn nhẹ trong khi lợi nhuận lớn nên chưa đủ sức răn đe ngăn chặn vi phạm khi hầu hết các vụ việc vi phạm SHTT, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt nhiều chủ thể SHTT còn chưa nhận thức được vai trò của mình trong việc tự bảo vệ tài sản trí tuệ, giải quyết các vụ việc vi phạm, có tâm lý e ngại sẽ làm ảnh hưởng lan truyền đến uy tín sản phẩm trên thị trường, làm giảm thị phần... nên chưa tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, Cục QLTT tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT và của tỉnh; yêu cầu các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, thẩm tra, xác minh thông tin do các tổ chức, cá nhân, cơ quan báo chí cung cấp để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh cơ chế phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền SHTT. Công khai đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết; sẵn sàng tiếp nhận tất cả các nội dung tố cáo, phản ánh vi phạm để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời triển khai những giải pháp nâng cao nhận thức của cộng đồng về hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT như: Tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các website thương mại điện tử uy tín đã thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Khuyến cáo người tiêu dùng kịp thời thông tin, tố giác đến các cơ quan chức năng các trường hợp mua bán sản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm.

Cục QLTT cũng tăng cường vận động các doanh nghiệp không được buông lỏng trong quản lý, giám sát quá trình tiêu thụ hàng hoá, không nên coi việc chống hàng giả là của riêng các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền SHTT, chủ sở hữu cần chủ động khiếu nại đến các cơ quan thực thi để tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xác định quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói riêng và quyền SHTT nói chung. Chủ động nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của khoa học, công nghệ vào việc chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT (như sử dụng tem chống giả công nghệ cao, sử dụng mã hàng hóa để truy xuất nguồn gốc trên các thiết bị thông minh); phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; có kênh phân phối và chính sách chăm sóc sau bán hàng hiệu quả, hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt được hàng thật với hàng giả; động viên, khen thưởng kịp thời những người phát hiện, tố cáo các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, nhái và bảo vệ người tiêu dùng sau khi mua hàng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com