Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, không chỉ ở tầm quốc gia mà với các địa phương, ngoại giao kinh tế (NGKT) đang trở thành động lực quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về NGKT, tỉnh Nam Định đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về công tác NGKT; mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng NGKT phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Kết hợp song song giữa NGKT và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Đoàn công tác của tỉnh thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Reifenhauser tại thành phố Bonn (Cộng hoà Liên bang Đức) tháng 10-2023. Ảnh: Do Đoàn công tác cung cấp |
Cụ thể hóa công tác NGKT của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác NGKT. Trong đó chú trọng phổ biến các quy định của pháp luật về hội nhập quốc tế, các vấn đề liên quan tới việc triển khai thực hiện cam kết gia nhập WTO, Hiệp định thương mại tự do, sở hữu trí tuệ, thủ tục hải quan điện tử, các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật của nhóm các thị trường xuất khẩu chủ lực tới các doanh nghiệp. Kịp thời thông tin các dự báo về cơ hội cũng như các rủi ro kinh tế dưới tác động của tình hình thế giới, giúp các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, triển khai định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, thích ứng hiệu quả với mọi diễn biến, phức tạp của thị trường.
Các ngành chức năng, các địa phương bám sát các quốc gia mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao ổn định, ở tầm đối tác chiến lược, toàn diện để định hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hoá. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò cảnh báo, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh xử lý vướng mắc trong kinh doanh với nước ngoài, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu tránh được rủi ro, giảm tối đa thiệt hại về kinh tế. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý nhằm thay đổi tầm nhìn và kỹ năng lao động. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm chi phí nhằm tăng sức hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp FDI. Trong đó tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao và các doanh nghiệp nước ngoài đến từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định tại Nam Định. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và mặt bằng, nhất là tại các KCN, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm hợp tác trên nhiều lĩnh vực thông qua các buổi làm việc với Sứ quán các nước tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, Tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư...; tổ chức, tham gia các hội nghị kết nối đầu tư tại các quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt trong năm 2023, tỉnh đã được đón tiếp đoàn công tác của Bộ Ngoại giao về làm việc tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và ban hành kết luận về việc Bộ Ngoại giao sẽ đồng hành và hỗ trợ tỉnh trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội và chú trọng vào hoạt động NGKT.
Đến nay, ngoài 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định trên địa bàn tỉnh; hơn 200 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trực tiếp tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ thì công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được triển khai sôi động, có trọng tâm, trọng điểm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội của tỉnh những năm tiếp theo. Nổi bật là các nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Quanta, JiaWei (Đài Loan - Trung Quốc); Tập đoàn Sunrise Material, Công ty Xingyu Safety Technologu (Singapore);… Bên cạnh đó, tỉnh đã ký Biên bản ghi nhớ về phát triển Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) tại huyện Giao Thuỷ; phát triển Dự án Trung tâm Thương mại AEON Nam Định… Đây là những doanh nghiệp, dự án lớn có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh. Tỉnh mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với các địa phương nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Trong đó hợp tác với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu (Nhật Bản) trên lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; tỉnh Jeju (Hàn Quốc) trong lĩnh vực lao động thời vụ và tiếp tục tăng cường, củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh U Đôm Xay (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Từ năm 2010 tới nay, tỉnh đã tổ chức hàng chục đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại các nước, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và một số nước châu Âu. Qua các chương trình hợp tác xuất khẩu lao động, trong giai đoạn này toàn tỉnh có trên 25 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đa số người lao động ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao và ổn định hơn so với làm việc trong nước cùng ngành nghề, trình độ. Trong đó thu nhập bình quân của người lao động (kể cả làm thêm) tại các thị trường: Trung Đông đạt 400-600 USD/tháng; Đài Loan đạt 700-800 USD/tháng; Hàn Quốc, Nhật Bản 1000-1.200 USD/tháng. Nhiều hoạt động xúc tiến quảng bá về du lịch, ẩm thực, kinh tế… với sự tham gia của các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam đã ngày càng thúc đẩy hiệu quả công tác NGKT.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác NGKT của tỉnh trong những năm qua vẫn còn một số vướng mắc về khả năng tiếp cận thông tin, cơ hội hợp tác quốc tế; doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn, công nghệ, trình độ quản lý còn hạn chế gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh...
Xác định công tác NGKT tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế, tháo gỡ những khó khăn, tỉnh tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài như: Đại sứ quán các nước; các tỉnh có chung đường biên giới, có quan hệ kết nghĩa lâu năm; các tổ chức, cơ quan quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Tranh thủ tối đa các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Hiệp định thương mại Việt Nam là thành viên để tham gia vào chuỗi cung ứng quốc gia và quốc tế; chủ động thực thi các quy tắc và luật lệ chung về thương mại quốc tế. Tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc; thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục bám sát và thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 68-KH/TU ngày 14-8-2022 của Ban TVTU thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để các doanh nghiệp, người dân, các cơ quan Nhà nước có thể chủ động tiếp cận, tra cứu nhằm nâng cao hiểu biết, năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo thị trường. Đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm đào tạo và tăng cường năng lực, đặc biệt bồi dưỡng kiến thức về NGKT cho đội ngũ cán bộ nghiệp vụ của địa phương; phối hợp với cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan của Việt Nam tại nước ngoài tạo điều kiện quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư của tỉnh và giới thiệu, kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư vào địa phương; hỗ trợ địa phương trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư của địa phương tại nước ngoài./.
Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin