Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định vai trò của thành phố là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, giáo dục và đào tạo của tỉnh Nam Định; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, đào tạo, y tế dịch vụ du lịch của vùng Nam đồng bằng sông Hồng với đặc điểm là đô thị có các giá trị văn hóa, lịch sử nổi trội và là khu vực có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Theo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định thành phố Nam Định là đô thị tỉnh lỵ; trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học kỹ thuật, thương mại tài chính và vùng kinh tế động lực của tỉnh đến 2030 và 2050; là trung tâm kinh tế, là đầu mối giao lưu lớn, có giá trị về văn hóa, lịch sử nổi trội, có vị trí quốc phòng, an ninh quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Một góc thành phố Nam Định hôm nay. |
Nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng, phát triển thành phố Nam Định; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, lựa chọn nội dung trọng tâm, trọng điểm có thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển tạo diện mạo mới cho thành phố Nam Định, ngày 18-6-2021 BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về việc tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025. Theo đó đã xác định mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là: Xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định trở thành thành phố thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Thêm một căn cứ vững chắc và cơ hội cho việc xây dựng, phát triển thành phố như mục tiêu đề ra khi ngày 5-5-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 379/QĐ-TTg công nhận thành phố Nam Định (dự kiến mở rộng địa giới hành chính) đạt tiêu chí đô thị loại II. Theo Quyết định, thành phố Nam Định sau mở rộng sẽ có phạm vi 120,9km2 gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Nam Định hiện hữu và huyện Mỹ Lộc hiện hữu đạt tiêu chí đô thị loại II; gồm 36 đơn vị hành chính cấp xã; khu vực nội thị dự kiến có diện tích 56,38km2 gồm các phường hiện hữu và khu vực dự kiến thành lập 4 phường; khu vực ngoại thị dự kiến có diện tích là 64,52km2, gồm 9 xã còn lại của huyện Mỹ Lộc (Mỹ Hà, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thành, Mỹ Tiến, Mỹ Thắng, Mỹ Tân, Mỹ Thịnh, Mỹ Thuận). So với diện tích hiện nay, thành phố sau mở rộng có diện tích gấp khoảng 2,6 lần; sẽ có vị thế và cơ hội phát triển mới, có khả năng khai thác phát huy những tiềm năng để xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, văn minh, thân thiện với môi trường, có bản sắc riêng, có tính bền vững. Mặt khác, sẽ giải quyết được các vấn đề của trung tâm đô thị hiện hữu và các khu vực tăng trưởng dọc theo Quốc lộ 21 và 21B, xây dựng phát triển thành phố hai bên sông với vành đai tăng trưởng thương mại, dịch vụ.
Thi công nâng cấp tuyến đường đê Ất Hợi trên địa bàn huyện Mỹ Lộc. |
Để quyết tâm xây dựng thành phố Nam Định mở rộng xứng đáng là đô thị hiện đại, văn minh của trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền thành phố Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hai giải pháp trọng tâm gồm: nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trong đó, thành phố sẽ tổ chức lập, điều chỉnh và công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố (bao gồm cả địa giới hành chính thành phố sau khi mở rộng); xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025”, “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị” theo Quy hoạch chung được phê duyệt làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố. Thực hiện quy hoạch và đầu tư các khu vực phát triển đô thị theo đúng lộ trình, trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung vào khu vực trung tâm đô thị hiện hữu (khu vực phát triển đan xen phía Nam vành đai 1 (Quốc lộ 10); khu vực dịch vụ đô thị phía Tây Bắc thành phố; khu vực phát triển đô thị mới Nam sông Đào). Giai đoạn 2026-2030 là khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam thành phố. Giai đoạn sau 2030 tiếp tục đầu tư phát triển các khu vực trung tâm cửa ngõ phía Tây đường vành đai 1; khu vực công nghiệp, dịch vụ, dân cư phía Tây thành phố; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái, thể dục thể thao phía Nam sông Châu Giang; khu vực làng xóm hiện hữu gắn với nông nghiệp sinh thái phía Nam thành phố.
Về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Nam Định. Hoàn thành các dự án: Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; đường trục trung tâm phía Nam thành phố; các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10; chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong; nâng cấp hệ thống công trình phòng, chống lụt bão hữu sông Hồng và tả sông Đào; Khu thiết chế công đoàn... Khởi công và phấn đấu hoàn thành các dự án: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi; Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định... Nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng đường vành đai 2… Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị hiện có; nghiên cứu xây dựng mới các khu đô thị hiện đại, với các chức năng thương mại, dịch vụ, trường học, công viên theo quy hoạch như: Khu nhà ở thương mại Bãi Viên; khu nhà ở xã hội; các khu đô thị mới Phú Ốc, Nam Vân, Thành An, Mỹ Lộc... Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị, cấp điện và chiếu sáng, công viên, cây xanh, thể dục thể thao và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cụm sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các khu công cộng, công viên... và các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị, nhằm xây dựng cảnh quan đô thị xanh - sạch - đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử thành phố; thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực, trong đó ưu tiên lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch...
Cơ hội phát triển mới của thành phố Nam Định sau khi được mở rộng địa giới hành chính đang hiện hữu. Nắm bắt thời cơ cùng với hàng loạt giải pháp đồng bộ, thực tế, căn cơ trong thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục tập trung tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh và các sở, ngành chức năng để xây dựng, phát triển thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin