Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai Việt Nam: 3 trụ cột hành động sớm trong ứng phó với thiên tai

08:31, 22/05/2024

Ngày 13-2-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc tổ chức Tuần lễ quốc gia phòng, chống thiên tai (PCTT) hàng năm (từ ngày 15 đến 22-5). Tuần lễ quốc gia PCTT năm 2024 có chủ đề “Hành động sớm - Chủ động trước thiên tai” nhằm đề cao tính chủ động, tiên phong của các hoạt động phòng ngừa, nâng cao năng lực cộng đồng, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Cán bộ Hạt Quản lý đê Giao Thủy kiểm tra số lượng vật tư dự trữ tại địa phận xã Hồng Thuận, sẵn sàng phục vụ phương án bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão.
Cán bộ Hạt Quản lý đê Giao Thủy kiểm tra số lượng vật tư dự trữ tại địa phận xã Hồng Thuận, sẵn sàng phục vụ phương án bảo đảm an toàn các tuyến đê trong mùa mưa bão.

Hành động sớm là một khái niệm mới, tuy nhiên về bản chất đây là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai. Nhiều năm qua, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã duy trì thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai từ sớm, từ xa. Tỉnh đã chủ động phân vùng rủi ro theo từng loại hình thiên tai và xác định các khu vực ưu tiên PCTT. Cụ thể, tỉnh đã xác định toàn tỉnh đều có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới nhưng 3 huyện giáp biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và ở mức độ rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn lớn nhưng có nhiều công trình xây dựng từ lâu, đã bị xuống cấp; còn nhiều đoạn đê sông chưa đủ cao trình thiết kế; tuyến đê biển mới đảm bảo chống được bão cấp 10, triều trung bình, còn nhiều đoạn mặt đê bằng đất chưa được nâng cấp cứng hóa, kiên cố. Do vậy, tỉnh luôn nỗ lực huy động, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, tu bổ, từng bước nâng cao khả năng PCTT của hệ thống thống đê biển, đê sông.

Những năm qua từ Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, Chính phủ đã quan tâm bố trí 4.356 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp các tuyến đê trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ khoảng 320 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý các hư hỏng đê điều. Hàng năm Bộ NN và PTNT đều bố trí trung bình khoảng 45 tỷ đồng để tỉnh thực hiện duy tu bảo dưỡng và xử lý cấp bách kịp thời các sự cố đê điều. Đặc biệt, cuối tháng 10-2023, Nam Định đã được Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt dự án thành phần số 2 đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh (Hải Hậu) thuộc dự án Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ nhằm chống sạt lở bờ, giảm sóng, gây bồi tạo bãi, tăng cường khả năng an toàn cho tuyến đê biển hiện có để bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng thiết yếu phía trong đê; phục vụ công tác PCTT, cứu hộ đê biển khi có sự cố, góp phần ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Dự án có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương do Bộ NN và PTNT quản lý thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025.

Đối với các huyện, thành phố Nam Định, hàng năm đều tiến hành rà soát, kiểm tra, xác định hiện trạng công trình PCTT, xác định trọng điểm xung yếu phòng chống lụt bão sớm. Trong năm 2024, ngành NN và PTNT và các địa phương đã xác định hệ thống đê điều của tỉnh có 38 trọng điểm xung yếu cần đặc biệt chú ý; trong đó có 2 trọng điểm cấp tỉnh tại các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng và 36 trọng điểm cấp huyện tại thành phố Nam Định và các huyện: Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Từ đó, các địa phương sớm xây dựng, phê duyệt phương án hộ đê toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm theo phương châm “bốn tại chỗ”, phương án phòng chống lũ đối với vùng bối, phương án phòng chống úng theo quy định. Đồng thời, các địa phương chủ động xây dựng phương án khắc phục hậu quả thiên tai; phương án cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân ở những vùng đê điều xung yếu, vùng bối và vùng cửa sông, ven biển... khi bão, lũ xảy ra. Ngoài ra, các địa phương đều nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng xung kích PCTT, lực lượng quản lý đê nhân dân, lực lượng tuần tra canh gác đê nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu đạt hiệu quả; phối hợp với các lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế.

Hàng năm, các ngành, các địa phương đều tổ chức tập huấn, diễn tập phương án PCTT và TKCN sát thực tế; bảo đảm tuyên truyền thông tin về dự báo, diễn biến của thiên tai kịp thời cho bộ máy chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân, doanh nghiệp tại khu vực hay chịu ảnh hưởng của thiên tai. Chú trọng hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai; thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia PCTT và tìm kiếm cứu nạn, tích cực tham gia khi được huy động nhân lực, vật tư, phương tiện phục vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn.

Các địa phương có rừng đã tăng cường công tác bảo vệ rừng hiện có; tích cực trồng, bổ sung rừng phòng hộ ở các bãi bồi ven biển tỉnh nhằm chắn sóng, chắn cát bay, chắn gió bão, hạn chế sạt lở, xói mòn rửa trôi đất, nhiễm mặn đồng ruộng và nguồn nước, bảo vệ các công trình đê biển, kè cống, ao đầm nuôi trồng thủy sản và đời sống của nhân dân vùng ven biển. Các huyện, nhất là các huyện ven biển đã tích cực chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển và sản xuất các loại giống cây trồng có khả năng chịu hạn, chịu mặn, chống chịu sâu bệnh, chịu được nhiệt độ bất thường, giống có thời gian sinh trưởng ngắn thích ứng được với điều kiện bất lợi của thời tiết; tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, đảm bảo sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ thường xuyên bị tác động của thiên tai. Tỉnh còn quan tâm đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão như Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn tại thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) đang được đầu tư xây dựng; cảng cá Quần Vinh tại xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đã hoàn thành và đi vào sử dụng âu số 1. Thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp cảng cá Ninh Cơ thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ xã Phúc Thắng và khu neo đậu tránh trú bão Ngọc Lâm tại xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).

Điểm nhấn trong hành động sớm của tỉnh còn phải kể đến việc các ngành, đơn vị liên quan đã gia tăng củng cố, nâng cao năng lực cho hệ thống công trình dự báo, cảnh báo thiên tai. Hệ thống quan trắc và dự báo về môi trường, khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh hiện có 66 trạm, điểm đo mưa; 62 điểm đo mực nước; 39 điểm đo độ mặn; 7 điểm đo lưu lượng; 10 điểm đo báo lũ do Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định, các đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN và PTNT quản lý; 1 điểm đo tốc độ gió, 1 trạm thời tiết tự động của các đơn vị tư nhân quản lý. Toàn tỉnh có 5 trạm khí tượng thủy văn, 4 điểm đo mưa, 1 điểm đo mặn thuộc hệ thống trạm khí tượng thủy văn quốc gia và 1 trạm khí tượng tại Cồn Mờ, huyện Nghĩa Hưng đang được hoàn thiện và đưa vào phục vụ việc quan trắc môi trường, dự báo khí tượng và cảnh báo thiên tai.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia PCTT năm nay, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện 3 trụ cột chính theo phương pháp hành động sớm mà Việt Nam đã xác định tại sáng kiến “Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN”. Đây là sáng kiến mà Việt Nam đã được các nước thành viên ASEAN cùng đồng thuận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vào tháng 1-2024. 3 trụ cột chính trong triển khai hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai ở Việt Nam gồm: Cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai. Trong đó, tỉnh ưu tiên duy trì công tác thường xuyên dự báo những diễn biến bất thường của thời tiết và cảnh báo nguy cơ thiên tai từ sớm, từ xa; từ đó thông tin kịp thời, chính xác tình hình diễn biến thiên tai đến các cấp chính quyền, người dân để triển khai các biện pháp chủ động phòng ngừa, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản...

Bằng việc gia tăng hành động sớm, toàn tỉnh hướng đến mục tiêu góp phần giảm tối đa rủi ro do thiên tai gây ra, xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, vì sự phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com