Thời gian qua, Hội Nông dân (HND) các cấp huyện Hải Hậu thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, hội viên nông dân xã Hải Chính với mô hình trồng và chế biến các sản phẩm từ nấm. |
Ông Lâm Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Lâm Bão, hội viên nông dân thị trấn Cồn là người đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm trong sản xuất nước mắm truyền thống của địa phương. Từ quá trình sản xuất tại cơ sở nước mắm truyền thống của gia đình, ông Giang đã cải tiến phương pháp đánh khuấy thành phương pháp kết hợp giữa đánh khuấy và gài nén, bằng cách thiết kế một trụ ống chịu mặn gắn bơm chìm để dẫn nước mắm hồi lưu, rút ngắn thời gian ủ chượp, qua đó tận dụng được những ưu điểm cũng như giảm được những nhược điểm của cả hai phương pháp trong quá trình sản xuất. Sự cải tiến này có tác dụng gia nhiệt và giữ ổn định nhiệt độ, tăng diện tích tiếp xúc giữa enzyme và cơ chất của quá trình lên men trong sản xuất nước mắm truyền thống. Nhờ đó quá trình lên men được nhanh hơn, triệt để hơn, hạn chế bay hơi nước mắm, giảm tổn thất đạm. Phương án lắp đặt hệ thống trang thiết bị, vận hành, đưa vào lắp đặt 24 trụ ống kèm bơm mini và cho ra từ 240 nghìn lít nước mắm/năm; năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, hiệu quả kinh tế tăng lên, chi phí nhân công trong quá trình sản xuất nước mắm giảm. Sáng kiến “Sử dụng máy bơm chìm mini trong hệ thống ống rút nước bồi của phương pháp gài nén cải tiến trong sản xuất nước mắm truyền thống huyện Hải Hậu” đã đạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ VIII (2020-2021) và được hội viên nông dân trong huyện áp dụng rộng rãi, có hiệu quả trong sản xuất. Ông Lâm Văn Giang được vinh danh “Nhà khoa học của nhà nông” do Trung ương HND Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức năm 2022.
Tại xã Hải Đông, nhiều năm qua, anh Đinh Văn Thuận đã thành công với mô hình nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng lợi thế của vùng quê ven biển, trước đây, anh Thuận đã năng động phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng đinh lăng, nuôi thủy sản. Trong quá trình sản xuất, nhận thấy sự xuất hiện của chim yến kiếm ăn quanh vùng biển Hải Hậu ngày càng nhiều, sau khi đã nghiên cứu kỹ càng, năm 2018, anh quyết định thực hiện ý tưởng nuôi chim yến lấy tổ. Trên diện tích vườn của gia đình, anh xây nhà nuôi yến theo công nghệ Malaysia với tổng diện tích sàn khoảng 200m2, được đầu tư thiết bị âm thanh thu hút đồng thời thiết kế đặc biệt giúp chim yến dễ dàng trú ngụ, làm tổ. Sau một năm dẫn dụ, nhà yến đã thu hút được hơn 3.000 chim yến về cư trú, làm tổ. Do khí hậu miền Bắc khắc nghiệt, thất thường nên những năm đầu sản lượng yến của gia đình chỉ đạt từ 30-40kg/năm. Trước nhu cầu của thị trường về tổ yến ngày càng cao, anh dành nhiều thời gian nghiên cứu tập tính, độ ẩm, nhiệt độ thích hợp, từ đó có những điều chỉnh tại nhà yến, nhờ đó thu hút lượng đàn về ngày càng nhiều. Nhà yến của anh hiện có khoảng 7.000 con về làm tổ; mỗi năm thu hoạch 70-80kg yến, cho thu nhập từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Năm 2023, gia đình anh có 2 sản phẩm gồm yến thô và yến tinh chế đạt chất lượng OCOP 3 sao. Ngoài ra, cơ sở sản xuất yến sào Đinh Thuận của anh còn tập trung phát triển các dòng sản phẩm tiện lợi như yến chưng sẵn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cơ sở của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Để nhân rộng điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, thời gian qua, các cấp HND huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên khai thác thế mạnh của địa phương, lựa chọn các cây trồng, con nuôi phù hợp với năng lực và trình độ quản lý của gia đình, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội còn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bằng nhiều hoạt động cụ thể như cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện luôn chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Bình quân hàng năm, toàn huyện có từ 25 đến 27 nghìn hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 35-40% so với số hộ nông thôn. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019) với mô hình chăn nuôi gà lấy trứng sạch. Ông Đoàn Ngọc Sơn, xã Hải An là một trong 7 nông dân tiêu biểu của tỉnh được tham dự Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022. Ông Nguyễn Văn Thành, xã Hải Chính (nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023) với mô hình trồng và chế biến các sản phẩm làm từ nấm... Từ năm 2018-2023, các cấp HND toàn huyện đã có 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 6 tập thể và 12 cá nhân được nhận Bằng khen của các bộ, ngành; 3 tập thể và 9 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Thời gian tới, các cấp HND huyện Hải Hậu tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn với việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện; ngày càng có nhiều số hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin