Tổ chức sản xuất (TCSX) là tiêu chí quan trọng có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng chuyển sản xuất nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và góp phần quan trọng để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Đây vừa là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để các địa phương trong tỉnh nỗ lực TCSX theo hướng phát huy thế mạnh vùng miền, xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực phù hợp với nhu cầu của thị trường và đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững. Năm 2023, giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh ước đạt 22.071 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 197/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 32 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong đó 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội về sản xuất là Giao Tiến (Giao Thủy) và Yên Cường (Ý Yên).
Sản xuất gạch tuynel tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). |
Thực hiện tiêu chí TCSX trong xây dựng NTM, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tích cực triển khai chương trình OCOP và tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn... góp phần thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn phát triển toàn diện và đúng hướng. Tại xã Giao Tiến (Giao Thủy), xác định thực hiện tiêu chí TCSX là nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo, địa phương đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Từ chỗ dựa chủ yếu vào một số cây trồng truyền thống như ngô, lúa…, sản xuất nông nghiệp của xã đến nay đã có bước chuyển biến tích cực. Sau 2 năm nỗ lực xây dựng NTM kiểu mẫu về sản xuất, xã Giao Tiến đã xây dựng thành công mã số vùng trồng, chuỗi liên kết tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực là lúa BT7 theo quy mô cánh đồng lớn. 4 HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò tích cực trong TCSX, liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi tạo giá trị ổn định cho trên 5.000 tấn thóc, 300 tấn khoai tây, 1.200 tấn rau màu mỗi năm. Xây dựng thành công 6 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao gồm cà rốt, củ cải, khoai tây, súp lơ xanh, cà chua hồng và vịt trời thương phẩm. Những sản phẩm OCOP nhanh chóng lan tỏa qua nhiều kênh thương mại điện tử đến các cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn tập thể, trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngoài sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, ngành nghề nông thôn cũng từng bước phát triển bền vững với gần 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ; trên 60 cơ sở chế biến nông sản; 4 doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Năm 2023, thu nhập bình quân của xã đạt trên 80 triệu đồng/người (cao hơn 10 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM kiểu mẫu).
Để xây dựng thành công NTM kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội là sản xuất, xã Yên Cường đã phát huy lợi thế có diện tích đất nông nghiệp lớn; tập trung quy hoạch các vùng cánh đồng lớn sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Các sản phẩm cây trồng chủ lực gồm: lạc, khoai tây, rau màu và lúa Bắc thơm đều ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, với 50% sản phẩm nông sản được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay xã đã có 1 vùng sản xuất tập trung quy mô 20ha tại thôn Tâm Bình được cấp mã vùng trồng và 3 vùng trồng lúa, lạc, rau màu quy mô lớn tại các thôn Trực Mỹ, Duyên Mỹ, Thắng Lợi được duy trì, mở rộng. HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã xây dựng thành công vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với 7 sản phẩm gồm: bắp cải, su hào, khoai tây, cải ngồng, cải bó xôi, dầu lạc và dầu vừng được công nhận là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm của HTX Nam Cường được cung cấp cho nhiều cửa hàng nông sản sạch, bếp ăn tập thể của các trường mầm non, doanh nghiệp trong tỉnh. Tổng sản lượng rau màu các loại của xã đạt hơn 8.915 tấn/năm.
Không chỉ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của từng địa phương, việc đổi mới hình thức TCSX cũng được coi là một trong những giải pháp quan trọng, tạo bước ngoặt trong phát triển sản xuất được hầu hết các xã, thị trấn áp dụng. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập thêm được 20 HTX mới, nâng tổng số HTX trong tỉnh lên 518 đơn vị, trong đó 390 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển theo hướng đa dạng các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thành viên và thị trường, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Một số mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động có hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị theo Luật HTX năm 2012 như HTX Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc tại xã Giao Tiến (Giao Thủy); HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); HTX Chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh)... Việc đổi mới cách thức TCSX đã góp phần rất lớn phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh những thuận lợi thì việc tổ TCSX trong xây dựng NTM vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó ngoài 2 xã Giao Tiến và Yên Cường, nhiều xã NTM kiểu mẫu của tỉnh vẫn chưa thực hiện toàn diện các chỉ tiêu về TCSX. Vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng được sản phẩm OCOP; chưa có khu sản xuất nông nghiệp được cấp mã số vùng trồng; chưa có mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị. Đây là những hạn chế cần sớm khắc phục tháo gỡ để các địa phương hoàn thiện tiêu chí về TCSX, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần cùng ngành Nông nghiệp hoàn thành mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 toàn tỉnh có thêm 7 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập trung bình của người dân khu vực nông thôn đạt từ 93 triệu đồng/người trở lên.
Để vượt qua khó khăn, hoàn thành tiêu chí TCSX, cũng như thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành. Đồng thời nâng cao hiệu quả của các hình thức TCSX, trong đó ưu tiên các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị. Thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với sự cố gắng của địa phương, các cấp, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng mã số vùng trồng. Thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, quảng bá hình ảnh của địa phương trên mạng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin