Với lợi thế là địa phương ven biển, lại có hệ thống ao hồ, sông ngòi dày đặc, những năm qua, nuôi trồng thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Nhiều hộ dân nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đã tăng cường liên kết thông qua việc thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), góp phần thúc đẩy kinh tế thủy sản ngày càng phát triển.
Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản An Hòa, xã Hải Đông (Hải Hậu) kiểm tra chất lượng ốc hương. |
Toàn tỉnh có khoảng 20 HTX và hơn 100 THT nuôi trồng thủy sản. Để phát huy thế mạnh kinh tế tập thể nói chung, HTX, THT nuôi trồng thủy hải sản nói riêng, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể; tổ chức cho thành viên tham quan, học tập thực tế tại các mô hình HTX, THT tiêu biểu trong và ngoài tỉnh; tư vấn hỗ trợ xây dựng mô hình HTX, THT sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương; khai thác, tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án tháo gỡ khó khăn về vốn giúp nhiều HTX đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường, xây dựng thương hiệu HTX. Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức tư vấn, tập huấn cho các HTX đã có sản phẩm chủ lực, chủ động tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, làm tem, nhãn, bao bì, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tư vấn để các HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao cho thành viên HTX.
Trên địa bàn huyện Hải Hậu có nhiều HTX nuôi trồng thủy hải sản, tiêu biểu: HTX Nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản An Hòa (Hải Đông); HTX Nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu (Hải Lý); HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Đăng (Hải Lý)… HTX Nuôi trồng thủy sản Hải Điền, xã Hải Chính được thành lập từ năm 2018 theo Luật HTX 2012. Hiện HTX có 13 thành viên tham gia với tổng diện tích nuôi thủy sản là 12,5ha. Các đối tượng chủ lực như: ốc hương, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá hồng Mỹ… Sự ra đời của HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho các thành viên. Bình quân mỗi thành viên HTX thu nhập vài trăm triệu đồng/năm đồng thời các thành viên còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Nghị là thành viên của HTX có trên 1ha nuôi tôm và cá mú, trung bình mỗi năm thu trên 1 tấn cá, 2 tấn tôm cho biết, tham gia HTX từ năm 2018, ông được ưu đãi về quyền lợi, hỗ trợ về con giống, tiêu thụ sản phẩm đầu ra với giá cả ổn định. Nhờ đó mỗi năm trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi trên 300 triệu đồng. Cũng ở xã Hải Chính, HTX Thủy sản Gia Hưng thu hút 9 thành viên tham gia nuôi lươn không bùn, ốc hương… đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Là một trong những địa phương ven biển có thế mạnh về kinh tế thủy sản, huyện Giao Thủy đã thành lập nhiều HTX nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, tiêu biểu như: HTX Thủy sản Chí Thiện, xã Giao Thiện; HTX Nông thủy sản Giao Hà, xã Giao Hà; HTX Thủy sản Giao Phong, xã Giao Phong… Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 5.111ha; giá trị sản phẩm thu hoạch đạt bình quân 445 triệu đồng/ha nuôi trồng. Còn ở huyện Ý Yên hiện có 4 HTX nuôi trồng thủy sản và nhiều THT nuôi thủy sản. Trong đó, THT nuôi thủy sản xã Yên Phúc có 16 hộ tham gia với tổng số gần 200 lồng, diện tích 10 nghìn m2 lồng bè nuôi các loại cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lăng, cá chép giòn cho hiệu quả kinh tế cao với mật độ thả 5.000 con cá diêu hồng, cá lăng/lồng; 500kg cá trắm, chép/lồng... Sau khoảng 8-10 tháng nuôi liên tục các hộ thu được khoảng 3,5-5 tấn cá diêu hồng; cá lăng nuôi khoảng 2 năm mới xuất bán khi cá đạt trọng lượng từ 7-8 kg/con. Nhiều hộ dân đầu tư bài bản trong nghề nuôi cá lồng đã có thu nhập thực tế từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng như hộ các ông: Vũ Đình Tuấn, xóm An Quang 1; Khiếu Đình Kiều, xóm Cầu... HTX Nuôi trồng thủy sản Tây Chùa, xã Yên Trung có 22 hộ tham gia với diện tích nuôi thủy sản ở khu chuyển đổi hơn 10ha. Ông Phạm Văn Đích, thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Tây Chùa cho biết: “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động của HTX. Chúng tôi được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong nuôi thả cá và việc chủ động phòng bệnh cho cá. Các thành viên trong HTX còn thường xuyên được tham quan thực tế và tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản”.
Cùng với các HTX, THT nuôi trồng thủy sản tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh trong khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn mở rộng đầu tư, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tìm thị trường đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủy sản./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin