Đảm bảo an toàn bến khách ngang sông trong mùa mưa bão

18:36, 29/05/2024

Nam Định có hệ thống giao thông đường thủy rất đa dạng với 259km sông do Trung ương quản lý gồm: Sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, kênh Quần Liêu, kênh Nghĩa Hưng và 268km sông địa phương (trong đó có 61,75km đã được UBND tỉnh công bố luồng đường thủy nội địa); có 3 cảng biển, 6 cảng sông, 135 bến thủy nội địa, 83 phà, bến khách ngang sông đang hoạt động trên 4 tuyến sông chính và 72km bờ biển; trong đó, có 4 cửa sông lớn đổ ra biển gồm cửa Ba Lạt, Lạch Giang, Hà Lạn, cửa Đáy và các bãi ngang. Có 2 tuyến sông giáp ranh gồm sông Hồng giáp tỉnh Thái Bình, sông Đáy giáp tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh có 1 kênh giao thông chính là kênh Quần Liêu dài 3,5km; 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Hệ thống các cầu lớn vượt sông gồm: cầu Tân Đệ vượt sông Hồng; cầu Đò Quan, cầu Nam Định vượt sông Đào; cầu Lạc Quần, Thịnh Long và cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ. Ngoài các điểm vượt sông, trên các tuyến đường thủy chỉ có phương tiện chở hàng hóa và khai thác, đánh bắt thủy sản hoạt động. Đặc thù này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) tuyến đường thủy trong mùa mưa bão, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, bất thường.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng).
Bài và ảnh: Thành Trung
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa tại bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng).

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong năm 2024, các hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường vẫn có khả năng có những biến động mạnh nên cần lưu ý đề phòng bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm khác đặc biệt trong các tháng mùa mưa bão.

Với tinh thần không chủ quan xem nhẹ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, ngay từ đầu năm 2024, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên và UBND các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các hoạt động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; Luật Giao thông đường thủy nội địa kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên tuyến đường thủy. Để chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống hiệu quả khi xảy ra các tình huống thiên tai, góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ, trong tháng 4-2024, Sở GTVT đã xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) ngành GTVT năm 2024; triển khai công tác bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ; đường thuỷ nội địa; thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác PCTT trước mùa mưa bão trên toàn hệ thống giao thông đường thủy do Trung ương quản lý và 267km sông địa phương. Đặc biệt là kiểm tra công tác PCTT tại các bến phà: Đại Nội trên tuyến Quốc lộ 21B; Đống Cao trên tuyến Quốc lộ 37B; Sa Cao - Thái Hạc trên đường tỉnh 489; cầu phao Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên tuyến Quốc lộ 37B… Sở GTVT yêu cầu kiên quyết đình chỉ hoạt động bất cứ bến nào không đủ điều kiện an toàn như­: Giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ ng­ười lái trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện... Đồng thời Sở cũng phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng. Đối với các bến khách ngang sông trọng điểm gồm: phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Đống Cao, phà Đại Nội, cầu phao Ninh Cường, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý phải có kế hoạch nạo vét âu dấu, nạo vét đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp dự phòng... Đặc biệt lưu ý mọi phương án, kế hoạch PCTT phải được triển khai chuẩn bị chu đáo, không lơ là, chủ quan, chú ý đến phương tiện, cơ sở vật chất, kiểm tra, sửa chữa kịp thời để sẵn sàng ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn khi mùa mưa bão đến và thực hiện nhiệm vụ. Các đơn vị quản lý đường bộ phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão.

Sở GTVT yêu cầu đối với các đơn vị quản lý cầu phao, bến phà trên địa bàn tỉnh phải quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các cầu phao, bến phà; có trách nhiệm theo dõi cấp gió từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và ngành GTVT triển khai ngay công tác cất dấu phao, phà vào trong âu dừng hoạt động khi mưa bão từ cấp 6, lũ có báo động từ cấp 2 trở lên. Đối với các cầu lớn như cầu Tân Phong, cầu Thịnh Long trên tuyến Quốc lộ 21B, cầu vượt đường sắt, cầu Nam Định, cầu Lạc Quần trên tuyến Quốc lộ 21 khi có gió to tổ chức chốt chặn hai đầu cầu, cảnh báo người dân nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông khi qua các cầu. Về đảm bảo giao thông đường thủy nội địa có phương án bảo đảm an toàn hoặc thu hồi, bảo quản các biển hiệu, phao báo hiệu và phụ kiện trước các đợt lũ, bão phù hợp với mực nước báo động lũ ở từng lưu vực sông; kịp thời triển khai lại hệ thống báo hiệu ngay sau lũ, bão. Hệ thống các cột báo hiệu, vật kiến trúc khác phải được kiểm tra, sửa chữa kịp thời trước mùa mưa, lũ. Sở GTVT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố Nam Định có trách nhiệm theo dõi cấp gió từ Đài khí tượng thủy văn Trung ương, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN yêu cầu các bến chở khách ngang sông dừng hoạt động khi mưa bão từ cấp 6, lũ có báo động từ cấp 2 trở lên. 

Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường trái quy luật, Ban PCTT và TKCN ngành GTVT yêu cầu các đơn vị chủ động, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của bão, lũ, thiên tai, chống tư tưởng chủ quan xem nhẹ. Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các điểm vượt sông trọng điểm, các bến khách ngang sông. Nội dung kiểm tra về thủ tục hành chính: bến phải có giấy phép hoạt động còn hiệu lực, có báo hiệu thông báo bến; phương tiện phải có đăng ký hành chính, đăng kiểm kỹ thuật còn hiệu lực, có đủ trang thiết bị an toàn; thuyền viên, người lái phải có đủ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định… Sở GTVT chủ trương kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn; đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn có bến khách ngang sông tăng cường kiểm tra điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông trên địa bàn quản lý theo các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa và những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo giao thông trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng.

Bên cạnh các biện pháp bảo đảm ATGT đường thủy đã và đang được các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tích cực triển khai; các chủ phương tiện và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ tai nạn có thể xảy ra. Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tích cực phối hợp với đơn vị liên ngành bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa xây dựng kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết các vấn đề gây mất trật tự ATGT đường thủy của tỉnh; tiếp tục rà soát thống kê các điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy báo cáo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để xử lý./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com