Cho vay trực tuyến - “chìa khoá” thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn tín dụng

08:35, 24/05/2024

Thời gian qua, việc kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia đã giúp các ngân hàng kiểm tra, xác thực thông tin khách mới một cách dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho ngành Ngân hàng gia tăng ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào việc cho vay trên nền tảng điện tử.

Hoàn thiện sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sao Việt, xã Yên Trị (Ý Yên).
Hoàn thiện sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Sao Việt, xã Yên Trị (Ý Yên).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, đã có 15/25 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ vào việc cho vay; thực hiện cho vay trực tuyến qua ứng dụng của các ngân hàng với 5.900 khách hàng, dư nợ 1.892 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn; 16/25 đơn vị đã ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng để cho vay dựa trên thông tin của công dân trên ứng dụng VNeID, qua website dichvucong.gov.vn, quét mã QR trên căn cước công dân…

Nếu như trước đây, để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ vay vốn lên đến hàng chục đầu file, từ pháp lý doanh nghiệp, tài chính công ty, chứng minh tài sản đảm bảo..., sau đó chờ đợi thẩm định, phê duyệt mất ít nhất 2-3 tháng. Đối với cá nhân, mọi người phải đến trực tiếp trình các thủ tục giấy tờ cần thiết như căn cước công dân, hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh để hoàn thiện thủ tục vay vốn. Tuy nhiên, hiện nay, với việc các ngân hàng thực hiện cho vay trực tuyến thời gian chỉ còn từ 1-3 ngày và mọi thao tác, kể cả xét duyệt, giải ngân, người vay lẫn doanh nghiệp đều không cần tới Phòng giao dịch mà có thể thực hiện 100% quy trình trên ứng dụng ngân hàng số.

Hiện tại, hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay, đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay đối với khách hàng tổ chức và cá nhân. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đã đưa lên hàng loạt các sản phẩm được thực hiện giải ngân trên kênh online, như: Mở tài khoản eKYC, thấu chi online, vay cầm cố sổ tiết kiệm, mở thẻ tín dụng online phê duyệt trước… Các sản phẩm này được thực hiện 100% trên nền tảng số hóa của Vietinbank và dễ dàng đăng ký chỉ chưa đầy 1 phút, mọi lúc - mọi nơi 24/7. Các hồ sơ vay của khách hàng sẽ được xử lý chính xác, thông suốt trên hệ thống khởi tạo khoản vay (RLOS) trong thời gian nhanh nhất, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tại ngân hàng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã triển khai hình thức cho vay online đối với nhiều đối tượng khách hàng. Khi vay trực tuyến khách hàng không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn. VPBank đã triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, giải ngân hạn mức trực tuyến; ứng dụng cho phép khách hàng cá nhân vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút... Để hồ sơ được phê duyệt, VPBank thực hiện nhập liệu thông tin/nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến; ứng dụng công nghệ cho phép khách hàng tự thực hiện KYC thông qua nhận diện khuôn mặt trên CMND/CCCD...

Chị Nguyễn Thanh Huyền, nhân viên ngân hàng tại thành phố Nam Định cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay giúp quá trình làm thủ tục, giấy tờ, giải ngân nhanh gọn hơn. Thời gian giải ngân cũng giảm xuống, giúp cả phía ngân hàng lẫn người đi vay đều hưởng lợi. Vì thế, số lượng khách hàng tiếp cận hình thức vay vốn qua nền tảng ngân hàng số tăng đáng kể và được nhiều người ưu tiên lựa chọn trong thời gian gần đây”. Hơn thế, khách hàng dù là doanh nghiệp hay cá nhân muốn tiếp tục giải ngân thêm cũng không cần làm đơn đề nghị mới, chờ phê duyệt mà chỉ cần dựa vào dòng tiền, điểm tín dụng là có thể được ngân hàng cấp hạn mức gia tăng trực tuyến. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp đã được vay vốn trực tuyến đều đánh giá hình thức giải ngân này giúp giảm đến 70% thời gian và chi phí phục vụ gián tiếp liên quan đến thủ tục pháp lý như: đi lại, in ấn hồ sơ, xin xác nhận… Không chỉ cho vay trực tuyến với khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng cũng tích cực triển khai cho vay khách hàng cá nhân thông qua cho vay trực tuyến qua bảng lương. Tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Chi nhánh Nam Định, khách hàng có thể thực hiện 100% thủ tục đăng ký vay qua ngân hàng số, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình khá trở lên vay ngân hàng, có thẻ tín dụng với những hạn mức từ nhỏ đến lớn, 100% việc phê duyệt tín dụng số hóa, tự động hoàn toàn, khách hàng sẽ không cần bất kỳ một bước nào phải đến chi nhánh ngân hàng mà có thể có ngay hạn mức tín dụng.

Có thể khẳng định, thông qua việc cho vay trên nền tảng số, thủ tục giấy tờ sẽ được giảm tối đa, từ đó giảm khó khăn, phiền phức cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng rút ngắn được thời gian khi dễ dàng truy cập mức độ tín nhiệm, lịch sử giao dịch của người đi vay qua các thuật toán và các giải pháp như eKYC. Một điểm thuận lợi nữa của cho vay qua nền tảng số so với cho vay truyền thống là thu hẹp được khoảng cách giữa các ngân hàng và khách hàng. Với cho vay số, khách hàng có thể tiếp cận các ngân hàng khác nhau với thông tin dễ dàng để so sánh, lựa chọn gói vay phù hợp nhất.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, các ngân hàng vẫn còn thận trọng trong cho vay trực tuyến bởi nhiều lý do như: Dữ liệu khách hàng thời gian qua còn chưa được cập nhật đầy đủ, chính xác dẫn tới chưa xác thực được khách hàng. Đồng thời, việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động còn hạn chế do dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng. Cơ chế thu hồi nợ, trong đó, thiếu thông tin về khách hàng để thu hồi nợ khiến ngân hàng cũng e dè khi cho vay trực tuyến.

Để phát triển cho vay trực tuyến, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hệ thống công nghệ nhằm đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật trong quá trình giao dịch, đồng thời áp dụng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Từ đó, đánh giá được lịch sử tín dụng, khả năng chi tiêu, thanh toán, hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người vay để quyết định hạn mức giải ngân. Đồng thời, các ngân hàng kỳ vọng các quy định mới tiếp cận dữ liệu dân cư sẽ giúp hệ thống ngân hàng tận dụng cơ hội cho vay trực tuyến bùng nổ trong thời gian tới giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận cho vay trực tuyến để mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tiếp đà phục hồi, phát triển nền kinh tế./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com