Xây dựng “tấm vé thông hành” cho nông sản địa phương

08:23, 19/04/2024

Để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân dân, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, đồng thời đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian qua ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng (MSVT).

Vùng trồng ớt xuất khẩu xã Yên Nghĩa (Ý Yên).
Vùng trồng ớt xuất khẩu xã Yên Nghĩa (Ý Yên).

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt kịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các dữ liệu về mã số vùng trồng được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu chung của ngành Nông nghiệp, nhờ đó tăng tính minh bạch, giúp cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và tiêu thụ nông sản chuyên nghiệp hơn. Với tầm quan trọng này, MSVT trở thành một trong những tiêu chí cứng để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thực hiện Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý MSVT, năm 2022, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp mã số; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các bước triển khai thực hiện; tổ chức tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đăng ký; cập nhật nhật ký, thành lập các đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá, giám sát… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đăng ký MSVT một cách thuận lợi nhất tại địa chỉ https://csdltrongtrot.mard.gov.vn. Trong 2 tháng 11 và 12-2022, ngành Nông nghiệp đã thiết lập được 10 MSVT như: HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông, ngư, diêm nghiệp Giao Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy) với mã số VN-36-365-14212-1-22 cho 20ha cây lạc, khoai tây; HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đông Kỳ, xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) với mã số VN-36-361-13903-1-22 cho 19ha lúa; HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Kiên, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) với mã số VN-36-364-14137-2-22 cho hơn 23ha lúa… Để được cấp MSVT, trong quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng, các đơn vị trên phải bảo đảm các yêu cầu như: áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất…

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng MSVT trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn: việc đăng nhập thông tin vào Hệ thống phần mềm (về mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, nhật ký sản xuất…) do đa số cán bộ HTX đều lớn tuổi, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, thậm chí một số người không biết sử dụng máy tính, điện thoại thông minh; quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, mỗi hộ dân sở hữu diện tích rất nhỏ nên có khi 1 vùng trồng vài chục ha sẽ có tới hàng trăm nông dân cùng canh tác, rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật và tuân thủ các quy định sản xuất an toàn.

Từ những khó khăn trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã đề ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời tích cực tuyên truyền về ý nghĩa của việc cấp MSVT tới các xã, thị trấn, doanh nghiệp, người dân thông qua các cuộc tập huấn, hội nghị, hội thảo; trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Sở NN và PTNT, Chi cục… để nhân rộng mô hình. Dựa trên các vùng sản xuất thực tế của địa phương, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 91 MSVT được cấp với tổng diện tích 1.150ha; trong đó lúa chất lượng cao, lúa đặc sản 84 mã số; rau màu các loại 5 mã số; còn lại là ổi 1 mã số, hoa cúc các loại 1 mã số. Mặc dù chưa có MSVT được cấp để phục vụ xuất khẩu song hiện một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tìm hiểu và chuẩn bị các điều kiện để được cấp mã số. Từ tháng 11-2023, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thuận Hòa Phát xây dựng vùng trồng ớt xuất khẩu với quy mô 40ha tại thị trấn Lâm và xã Yên Nghĩa (Ý Yên). Dự kiến tháng 7-2024, Công ty sẽ xuất khoảng 1.000 tấn ớt sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… Anh Phan Thành Thư, quản lý kỹ thuật của Công ty cho biết: Do yêu cầu của nước nhập khẩu hiện ngày càng cao, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt việc kiểm soát tồn dư thuốc BVTV, do vậy Công ty thực hiện nghiêm các quy chuẩn xuất khẩu như: canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP; theo dõi và ghi nhật ký canh tác, kiểm soát dịch hại sử dụng phân bón, thuốc BVTV nằm trong danh mục được phép sử dụng. Hoàn thiện kho xưởng, cơ sở đóng gói để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu. Thời gian tới Công ty sẽ đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, cấp MSVT để có “tấm vé thông hành” giúp sản phẩm ớt vươn xa hơn.

 “Việc mã hóa các vùng trồng với những loại cây trồng chủ lực có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ giúp người dân “chuẩn hóa” quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tìm kiếm đầu ra, khẳng định chỗ đứng cho nông sản Nam Định trên thị trường” - đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Trần Ngọc Chính cho biết thêm. Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức tập huấn về MSVT cho các đối tượng như: cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng… Tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn” theo hướng áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và hình thành các chuỗi liên kết để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao. Tăng cường hỗ trợ, thiết lập, cấp mã số cho các vùng trồng tại các xã phấn đấu hoàn thiện tiêu chí đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... ngày càng trở nên quan trọng. Đăng ký MSVT là có thể được coi là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản, là điều kiện cần thiết và là bước tiến quan trọng cần phải làm để nông sản Nam Định tạo được niềm tin với người tiêu dùng, không chỉ phục vụ mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh mà còn có thể vươn xa hơn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com