Người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

07:57, 05/04/2024

Rời quân ngũ trở về đời thường với sức khỏe giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của sức ép bom đạn, nhưng cựu chiến binh Vũ Mạnh Hùng, ở thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) đã khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống, trở thành tấm gương lao động sản xuất giỏi, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Năm 1965, khi tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Vũ Mạnh Hùng lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ông được biên chế vào Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Quá trình tham gia chiến đấu tại chiến trường, ông đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Tuy nhiên, sau một lần bị sức ép lớn của bom đạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, ông Hùng được đi an dưỡng và xuất ngũ trở về địa phương. Do ảnh hưởng của chấn thương lại mang trong mình chất độc da cam nên ông Hùng mất một thời gian dài để phục hồi sức khỏe. Sau khi lập gia đình, ông Hùng sinh được 5 người con, trong đó có một người con và một người cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam. Vượt qua hoàn cảnh, ông đã cùng vợ vươn lên phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng cây cảnh.

Cựu chiến binh Vũ Mạnh Hùng, thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) - nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam 
làm giàu từ nghề cây cảnh.
Cựu chiến binh Vũ Mạnh Hùng, thôn Vỵ Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) - nghệ nhân sinh vật cảnh Việt Nam làm giàu từ nghề cây cảnh.

Ông Hùng nhớ lại: “Những năm 1980, tôi chủ yếu trồng hoa, quất và đào nhưng thu nhập không đều do thiếu kinh nghiệm và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Từ năm 1990, tôi đã mày mò, tìm đọc tài liệu sách cổ của gia đình về nghề trồng cây cảnh cùng với chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để chuyển hướng sang trồng cây cảnh lâu năm, chủ yếu là các loại cây sanh, si, la hán. Ngoài tận dụng lợi thế từ những cây lâu năm có sẵn của gia đình, tôi đi đến các địa phương để thu mua cây và phôi về tự ươm trồng, tạo thế”. Do có năng khiếu vẽ từ những ngày trong quân ngũ, nên trước khi tạo thế cho cây, ông Hùng đều cẩn thận vẽ bản thảo và chỉnh sửa nhiều lần theo sáng tạo của riêng mình. Vì thế, mỗi thế cây của ông đều là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những năm 2010, thị trường cây cảnh sôi động, ông Hùng đã bán được nhiều cây có giá trị kinh tế, từ đó ổn định kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học, đồng thời cải tạo, mở rộng thêm diện tích trồng.

Do có nhiều cây độc lạ, có giá trị nên ông Hùng nhiều lần được tham dự các triển lãm cây ở khắp miền Bắc và đã mang về nhiều giải thưởng. Tiêu biểu như đôi cây trực huyền sanh đoạt giải Đặc biệt ở triển lãm cây cảnh tại tỉnh Ninh Bình; cây sanh dáng “Tam thụ quần phong” đoạt giải Vàng tại Hải Phòng; cây lộc vừng dáng “Rồng thiêng hội tụ” đoạt giải Vàng triển lãm cây tại Thái Bình; cây la hán “Bách niên tùng” đoạt giải Vàng tại Hưng Yên... Cũng từ các triển lãm cây, ông được khách hàng ở xa biết tiếng, tìm về tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và mua cây cảnh. Có thời gian, vườn cây của ông là điểm đến tham quan của rất nhiều du khách đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Ông Hùng chia sẻ: “Cây cảnh có rất nhiều thế, dáng như: thế long, thế trực, thế huyền, thế hoành, song thụ… Tuy nhiên, phải tùy vào phôi nào, gốc nào sẽ tạo ra dáng cây như vậy và mỗi cây đều có một nét riêng không giống với bất cứ cây nào, vừa giữ được các thế cổ điển nhưng cũng có phá cách để làm sao phù hợp với nhu cầu của người chơi cây cảnh hiện nay. Đặc biệt, những tác phẩm cây cảnh phải có hồn, có cốt cách, mang những thông điệp, khát vọng, tình cảm của người sáng tác”. Cũng từ những kinh nghiệm và những giá trị qua quá trình tạo tác, cắt tỉa, chăm sóc để cây trở thành những tác phẩm nghệ thuật thể hiện ý niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, hướng con người đến “chân - thiện - mỹ” trong cuộc sống nên ông Hùng được nhiều người chơi cây cảnh đánh giá cao. Ông thường xuyên được mời đi dạy nghề ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh; trong đó có nhiều người sau khi được ông truyền thụ đã thành công từ nghề trồng cây cảnh như các học viên ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện nay, ông Hùng đang có trên 100 cây thế đẹp và hàng trăm phôi cây sanh, si, la hán, trong đó có nhiều cây có giá trị hàng trăm triệu đồng. Thành công với việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, song ông Hùng vẫn luôn tâm niệm mình là người may mắn hơn nhiều đồng đội vì còn được sống, được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Vì vậy, dù phải đối mặt với bệnh tật, với những cơn đau khi “trái gió, trở trời”, là nỗi niềm khi con cháu mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng ông vẫn miệt mài, cần mẫn lao động, mang lại niềm tin giá trị cuộc sống, lan tỏa sự tích cực cho gia đình và nhiều người khác.

Với những nỗ lực và kinh nghiệm trong nghề, ông Vũ Mạnh Hùng đã được công nhận là nghệ nhân cây cảnh cấp tỉnh và cấp quốc gia. Mô hình trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh của gia đình ông Hùng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn lưu giữ nghề truyền thống của gia đình, là mô hình kinh tế điển hình làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com