Hải Hậu là huyện ven biển có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, giàu bản sắc văn hóa và là điển hình tiêu biểu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới (NTM). Huyện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; trong đó du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững.
Di tích Cầu Ngói, xã Hải Anh là điểm du lịch hấp dẫn du khách. |
Tham gia tour du lịch cộng đồng ở Hải Hậu, điểm dừng chân đầu tiên của du khách là Ecohost Hải Hậu - mô hình du lịch sáng tạo vì cộng đồng, là sản phẩm du lịch đầu tiên của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao và là sản phẩm OCOP điển hình trong 67 sản phẩm của huyện. Ecohost Hải Hậu tái hiện cấu trúc nhà truyền thống các vùng miền; quảng bá các sản phẩm thủ công độc đáo của các làng nghề tại địa phương; hỗ trợ người dân cải thiện chất lượng sản vật truyền thống để phù hợp với thị hiếu của khách du lịch, đem lại thu nhập cho người dân khi tham gia vào các hoạt động du lịch. Ecohost Hải Hậu rộng khoảng 1.000m2, gồm 3 khu nhà 3 gian cổ, mái lợp ngói ta, cửa bức bàn, nội thất bên trong hoàn toàn bằng gỗ. Những ngôi nhà cổ yên bình dưới những vòm cây xanh mướt trong không gian rất đỗi thân thuộc. Từng chi tiết nhỏ trong nhà được thiết kế hợp lý, tiện nghi, có khả năng phục vụ từ 20-30 khách/ngày. Đặc biệt, trong vườn cây ăn quả, chủ nhân đã kỳ công thiết kế một tiểu đình, nơi trang trí các loại nhạc cụ dân tộc để du khách có thêm không gian thư giãn, giao lưu. Để du khách hòa nhập với thiên nhiên và văn hóa bản địa, Ecohost Hải Hậu luôn chú trọng khuyến khích du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường với các giải pháp: tiết kiệm điện, nước; tối đa hoá việc dùng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ; hạn chế dùng túi nilon, nước uống đóng chai nhựa và đồ dùng một lần… Tại thị trấn Yên Định sầm uất, du khách có thể dạo bước ở khu phố cổ Đông Biên để trải nghiệm không gian xưa giữa cuộc sống hiện đại. Mô hình du lịch Ecohost Hải Hậu còn mang đến những trải nghiệm du lịch đồng quê như: đi xe đạp khám phá, trải nghiệm không gian sống và tinh thần lao động chăm chỉ, cần mẫn của người dân địa phương... Thời điểm mới ra đời của Ecohost Hải Hậu đúng lúc đại dịch COVID-19 ập đến. Mặc dù vậy sau khi dịch lui, thị trường du lịch từng bước khôi phục thì hoạt động của mô hình đã nhanh chóng khởi sắc. Thu nhập của cộng đồng địa phương tham gia vào chuỗi dịch vụ của Ecohost Hải Hậu trung bình đạt mức 30-50 triệu đồng/hộ cho thấy sức hấp dẫn của mô hình này.
Đến thăm làng nghề làm bánh nhãn Đông Cường, khách du lịch được trải nghiệm cách làm bánh, trực tiếp tham gia vo bột, rán bánh, tẩm đường... để tạo ra đặc sản ẩm thực làm từ bột nếp, trứng gà thơm lừng hương vị quê hương đã gắn bó với người dân Hải Hậu hàng trăm năm nay. Rời thị trấn Yên Định, điểm dừng chân tiếp theo của du khách trong hành trình du lịch cộng đồng ở Hải Hậu là di tích Cầu Ngói, xã Hải Anh - một trong 3 cây cầu ngói đẹp nhất Việt Nam. Cầu nằm cách Chùa Lương chừng 100m, trên con đường dẫn vào chùa, gắn với chùa thành một cụm di tích lịch sử - văn hóa độc đáo. Cầu được xây dựng cách đây hơn 500 năm theo lối kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” trông giống như một ngôi nhà dài vắt qua sông, tạo thành nét vẽ điểm tô cho khung cảnh làng quê yên bình.
Khách du lịch trải nghiệm tại làng làm kèn đồng Phạm Pháo, xã Hải Minh. |
Về du lịch trải nghiệm ở Hải Hậu, nhiều du khách lại thích thú khi đến thăm làng kèn đồng Phạm Pháo, làng mộc khảm mỹ nghệ xã Hải Minh; khu chứng tích biến đổi khí hậu - Nhà thờ đổ ở xã Hải Lý; trải nghiệm đan lưới, đánh bắt hải sản bằng cà kheo tại xã Hải Triều hay trải nghiệm nỗi cực nhọc làm diêm dân ở xã Hải Chính… Nét độc đáo của sản phẩm gỗ mỹ nghệ ở xã Hải Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với xu hướng tiêu dùng và gu thẩm mỹ của thị trường, khách hàng hiện nay. Những người thợ lành nghề với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đã chạm khắc nên những sản phẩm gỗ mỹ nghệ (đồ thờ tự, bàn, ghế, tủ, giường) đa dạng, tinh xảo với những nét hoa văn độc đáo, các chủ đề cổ truyền “tứ linh”, “tứ quý”, hoa lá, áng mây đầy tính nghệ thuật. Ngoài ra, nhiều cơ sở đã nhạy bén phát triển dòng sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Du khách có thể lựa chọn những sản phẩm chế tác gỗ nhỏ xinh như: đồng hồ, hộp trang sức... làm quà lưu niệm tặng người thân, bạn bè. Xã Hải Minh không chỉ nổi tiếng với nghề gỗ mỹ nghệ thủ công mà còn là một trung tâm đồ cổ nổi tiếng của cả nước với các sản phẩm: sập gụ, tủ chè... Cũng ở Hải Minh còn có làng nghề làm kèn đồng Phạm Pháo nổi tiếng ở miền Bắc. Làng có đoàn kèn đồng lớn nhất Việt Nam. Ở làng Phạm Pháo, hầu như nhà nào cũng có người am hiểu nhạc lý và chơi thành thạo các loại kèn Tây. Tham quan nhà thờ Phạm Pháo, xây dựng từ năm 1905 theo kiến trúc Gothic, khám phá công đoạn chế tác, lắp ráp kèn, thử chơi kèn tại các cơ sở sản xuất kèn đồng là những trải nghiệm đáng nhớ của mỗi du khách.
Về vùng quê miền chân sóng Hải Hậu, du khách cũng có thể thăm làng đan lưới xã Hải Triều, “thưởng thức” hương vị mặn mòi của biển cả, chứng kiến ngư dân với làn da ngăm đen mà khỏe khoắn vì cháy nắng, vừa thoăn thoắt đan, vá lưới, vừa ngân nga câu hát “Hải Hậu ơi âm vang sóng vỗ trùng khơi, đêm đêm dội từ lòng đất chuyện kể về hơn trăm năm trước...”. Tập đan lưới hay những mũi móc vá lưới, tập đánh bắt cá trên đôi chân đi cà kheo là những trải nghiệm vô cùng thú vị và độc đáo của du khách. Đến với làng nghề làm muối xã Hải Chính, bên cạnh việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, bình dị của những cánh đồng muối trải dài hút tầm mắt, khách du lịch có thể trải nghiệm cùng bà con diêm dân thực hiện các công đoạn làm ra hạt muối tinh như: làm đất, phơi cát, tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi... để thấm thía công sức diêm dân trong vị chát mặn của hạt muối.
Phát triển du lịch cộng đồng ở Hải Hậu đang là hướng đi phù hợp với xu thế chung của ngành Du lịch tỉnh trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có. Thu nhập của người dân làm du lịch không chỉ đến từ những công việc như: đưa, đón, hướng dẫn khách đi tham quan, cho thuê nhà ở (homestay) mà còn cả từ những hoạt động dịch vụ khác như: tiêu thụ các sản phẩm do người dân làm ra, bán các loại đồ lưu niệm... Qua đó góp phần tạo động lực để người dân ý thức bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị, bản sắc hoá đặc trưng của quê hương.
Những năm qua, huyện Hải Hậu được nhiều hãng lữ hành trong cả nước quan tâm, về khảo sát và đưa vào chương trình du lịch giúp đổi mới sản phẩm. Ecohost Hải Hậu là đơn vị tiên phong tại Nam Định xây dựng các chương trình du lịch, khai thác một số tour như: “Dấu ấn Thành Nam”, “Ngỡ ngàng Nam Định”, “Lạc bước giữa trời Âu”, “Đường về xứ Đạo”, “Cung đường di sản Thành Nam”, “Nam Định food tour”... khẳng định một nét văn hóa đặc sắc của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với tiềm năng du lịch phong phú, huyện Hải Hậu có nhiều cơ chế, chính sách hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; chú trọng đa dạng mô hình du lịch cộng đồng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có trong phát triển kinh tế du lịch, huyện Hải Hậu tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các điểm đến du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và văn minh, hướng đến du lịch xanh, du lịch số. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng các chương trình, tour du lịch liên kết giữa các điểm du lịch trong huyện, giữa huyện với các huyện khác trong tỉnh để đưa du lịch Hải Hậu phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin