Với sự hỗ trợ của tỉnh và quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đoàn kết, nỗ lực, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, huyện Giao Thủy đã hoàn thành các nhiệm vụ hướng đến mục tiêu về đích huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao đầu tiên của tỉnh.
Thị trấn Ngô Đồng hôm nay. Ảnh: Đăng Khoa |
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Giao Thủy vui mừng, phấn khởi khi hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 của huyện qua các bước thẩm định đã được Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 nhất trí đề nghị Trung ương ra quyết định công nhận. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy cho biết: Với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện trên quan điểm tư tưởng xác định xây dựng NTM nâng cao là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và là tiền đề, động lực để hiện thực hóa mục tiêu làm cho đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, xây dựng huyện ngày càng phát triển giàu mạnh.
Để đảm bảo thống nhất nhận thức và lan tỏa sâu rộng chủ trương, quan điểm, định hướng, kế hoạch của huyện, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trong cán bộ, đảng viên và cộng đồng với sự tham gia của các lực lượng, hình thức đa dạng nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp đầu tư xây dựng NTM. Các phong trào quần chúng tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tổ chức trồng hoa, cây xanh ven đường, lắp điện chiếu sáng tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp... được các cấp, các tổ chức đoàn thể của huyện phát động sôi nổi. Triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tổng kết, đánh giá các mô hình điểm, nhân rộng các điển hình, những kinh nghiệm hay và cách làm sáng tạo.
Nhằm thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực xây dựng NTM, huyện đã tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đang được tích cực triển khai xây dựng với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, như dự án cải tạo, xây mới cầu Diêm, cầu Giao Hà, cầu Giao Nhân; chỉnh trang, cải tạo vỉa hè thị trấn Ngô Đồng; kè sông các xã: Bạch Long, Giao Tiến, Hoành Sơn, Giao Lạc...; triển khai xây dựng tuyến đường Lạc Lâm, Thiện Lâm, kè Giao Sơn, khu du lịch biển Quất Lâm, các khu dân cư tập trung và một số dự án đầu tư xây dựng quan trọng khác. Cùng với đó, tuyến đường trọng điểm quốc gia, của tỉnh như tuyến đường bộ ven biển, tỉnh lộ 484 đi qua địa bàn đang được tích cực triển khai xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo, động lực mới và sự đột phá trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mới đây huyện thành lập 2 cụm công nghiệp Thịnh Lâm và Giao Thiện. Các cụm công nghiệp đều nằm trong phương án phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện, Công ty may Thiên Sơn, Công ty Sản xuất thiết bị điện Sotek, Công ty Sản xuất Da giày Tuấn Việt… đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hải Long. Đây là những dự án lớn, sử dụng công nghệ cao, có ý nghĩa lan tỏa, tác động quan trọng tới uy tín, môi trường đầu tư của huyện và sẽ tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách những năm tiếp theo.
Cùng với phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp được thúc đẩy theo hướng nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, tuần hoàn; chăn nuôi an toàn dịch bệnh, phát triển con nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và có thị trường tiêu thụ ổn định. Ở 20/22 xã, thị trấn đều có sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin. Tiêu biểu như: Sản phẩm gạo Đài thơm 8 và Bắc thơm 7 là sản phẩm gạo chất lượng cao của 14 xã; sản phẩm lạc sen đỏ, khoai tây, củ cải với diện tích sản xuất 120ha của xã Giao Phong; sản phẩm muối sạch của xã Bạch Long… Toàn huyện, có 11 vùng trồng lúa tập trung với tổng diện tích 395ha của 11 xã được Sở NN và PTNT cấp mã vùng trồng. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu nước chủ động đạt trên 90%; đảm bảo yêu cầu chủ động về phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đến nay, huyện Giao Thủy có 108 sản phẩm OCOP với 9 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao. Kinh tế phát triển khá toàn diện, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 90 triệu đồng; 100% số xã đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,04%, tăng 11,91% so với khi được công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2017. Hệ thống cơ sở vật chất và tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính được xử lý trên cổng dịch vụ công theo quy định và đạt mức độ III trở lên, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, năng lực điều hành kinh tế của chính quyền huyện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao, huyện Giao Thủy có 18/22 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Tại các xã này, 100% đường thôn được cứng hóa đạt chuẩn tiêu chí NTM nâng cao. Các thôn, xóm, tổ dân phố thường xuyên phát động nhân dân, hội viên của các tổ chức đoàn thể tham gia dọn vệ sinh môi trường các tuyến đường. Hệ thống điện đạt chuẩn, hết năm 2023 tỷ lệ hộ có đăng ký trực tiếp và sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất đảm bảo an toàn, ổn định đạt 100%. Toàn huyện có 67/67 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ I trở lên, đạt tỷ lệ 100%. Có 86,45% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh, tăng 55% so với khi huyện đạt chuẩn NTM năm 2017; có 206 điểm wifi công cộng miễn phí, bảo đảm chất lượng dịch vụ và an toàn thông tin theo quy định.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã, thị trấn chú trọng phát triển, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nhà văn hoá các thôn, xóm tiếp tục được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đầu tư trang thiết bị, ngày càng phát huy hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh hoạt của các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên, nhất là dịp lễ, tết. Hàng năm tổ chức trên 230 cuộc giao lưu, hội thi văn hóa, văn nghệ, các giải thể thao, trò chơi dân gian; thành lập và duy trì hoạt động 46 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu được chú trọng thực hiện, nhất là xây dựng gia đình, xóm văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Năm 2023, huyện có 118 xóm đạt danh hiệu xóm văn hóa; trong đó có 91/118 xóm văn hóa 5 năm liên tục, đạt 77,1%. Hàng năm có 100% khu dân cư giữ vững nền nếp “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”; 93,8% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa 3 năm liên tục đạt 83,4%.
Để bảo đảm vệ sinh môi trường, UBND huyện ban hành Đề án số 639/ĐAUBND ngày 21-7-2023 về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Giao Thủy giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng Đề án thực hiện quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt. Các xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải sinh hoạt hoặc ký hợp đồng thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt với các Hợp tác xã dịch vụ môi trường với khối lượng thực hiện đạt tỷ lệ trên 95%; trên 70% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tính đến 31-12-2023, huyện Giao Thủy không có nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Giao Thủy tiếp tục tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao, tiến tới xây dựng huyện NTM kiểu mẫu gắn với nâng cấp lên đô thị loại III. Trong năm 2024, phấn đấu có thêm xã Giao Nhân, Hồng Thuận đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã Giao Long, Giao Yến, Giao Thiện, Giao Châu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xây dựng thêm 40-50 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân; duy trì tỷ lệ dân số khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Từ năm 2025-2030 có 100% xóm, tổ dân phố đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tất cả 20 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu huyện đạt chuẩn các tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 98%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%...
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện Giao Thủy sẽ tập trung mọi nguồn lực để nâng chất lượng các tiêu chí huyện NTM nâng cao, định hướng xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Tiếp tục triển khai công tác xây dựng quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh và quản lý quy hoạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực phù hợp với Quy hoạch vùng huyện đã được phê duyệt. Khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng thương mại và duy trì, quản lý tốt hệ thống chợ truyền thống đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình chuyển đổi số; duy trì tốt hệ thống thông tin liên lạc viễn thông. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung phát triển công nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Thôn, xóm, phố văn hóa”, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường./.
Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin