Để thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, Huyện ủy, UBND huyện Giao Thủy chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, trong đó ưu tiên phát triển toàn diện hệ thống giao thông; xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm...
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Giao Thủy. |
Huyện đã phân bổ hợp lý các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật trên địa bàn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2021-2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn huyện ước đạt gần 11.500 tỷ đồng. Với mục tiêu từng bước hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới hạ tầng giao thông đảm bảo khoa học, ổn định, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và kết nối vùng, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện đã đề xuất tỉnh bổ sung quy hoạch nhiều tuyến đường quan trọng như: tuyến đường trục huyện (thị trấn Ngô Đồng - xã Hồng Thuận - Đường bộ ven biển); đường Tả sông Sò; đường Bình Xuân 2. Cùng với đó, huyện chủ động, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện nhiều công trình, dự án quan trọng, đã hoàn thành và đang tích cực triển khai xây dựng với tổng kinh phí khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Những công trình này khi hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện như dự án cải tạo cầu Diêm; xây dựng mới cầu vòm Giao Nhân; kè kênh Giao Sơn; đầu tư cải tạo xây dựng khu vực bãi tắm Quất Lâm; xây dựng các khu dân cư tập trung. Chỉnh trang, cải tạo vỉa hè thị trấn Ngô Đồng; các tuyến đường: Cồn Nhì - Giao Thiện (đường Hữu sông Hồng), Thiện - Lâm (đoạn Giao Hải - thị trấn Quất Lâm); Lạc Lâm (đoạn Cồn Nhất - Chợ Vọng); Giao Tiến - Giao Tân - Giao Thịnh (đường Tả sông Sò); Giao Hà - Giao Xuân (kết nối từ Quốc lộ 37B ra Đường bộ ven biển). Kết hợp với các công trình của Trung ương, của tỉnh đang đầu tư trên địa bàn tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối liên hoàn với các trục giao thông trọng điểm quốc gia.
Từ tháng 9-2020, khi tuyến Đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh dài 65,58km đi qua 24 xã, thị trấn thuộc 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng được khởi công tại khu vực xã Giao An, đưa huyện Giao Thủy trở thành đầu mối giao thông quan trọng, nằm trên trục Đường bộ ven biển, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối với các vùng lân cận. Đồng chí Doãn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định được tầm quan trọng của dự án sẽ mở ra không gian phát triển mới, là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua và của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Dự án này sớm hoàn tất sẽ khắc phục nhược điểm lớn về giao thông giúp Giao Thủy kết nối trực tiếp với các vùng kinh tế lớn, trọng điểm, năng động của cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương khác trong tỉnh. Vì thế thời gian qua huyện đã tập trung quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công dự án. Trong quá trình thực hiện bồi thường GPMB huyện đã chủ động công khai dự án, các chế độ chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất của Nhà nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ huyện đến các địa phương, huyện Giao Thủy đã hoàn thành công tác GPMB toàn tuyến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển đã được 25,42/25,42ha, đạt 100%, bàn giao mặt bằng sạch cho Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và Tái định cư huyện để bàn giao cho đơn vị thi công theo đúng tiến độ đề ra.
Trong Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định cần khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế của huyện Giao Thủy, huy động các nguồn lực để tạo sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện về kinh tế - xã hội; giữ vững vai trò là một trong những huyện trọng điểm kinh tế phía Đông Nam của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu đó, trong thời gian đến năm 2030, quy hoạch nêu rõ hệ thống hạ tầng giao thông của huyện có vai trò quan trọng cả về giao thông đối ngoại và giao thông đối nội. Về giao thông đối ngoại, huyện sẽ tranh thủ nguồn lực của tỉnh và Trung ương tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại trên cơ sở nâng cấp các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến giao thông vành đai, liên huyện theo phương án trong Quy hoạch tỉnh (gồm các tuyến Quốc lộ 37B và các tuyến đường tỉnh 488, 489, 489B; tuyến Đường bộ ven biển qua các xã Giao Yến, Giao Châu, Giao Long, Giao Hải, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao An, Giao Thiện sang Thái Bình,…); nghiên cứu xây dựng đường vành đai xanh kết hợp đường tránh đô thị. Cùng với đó, về giao thông đối nội huyện chú trọng nâng cấp, cải tạo đối với các tuyến đường khu vực và đường nội bộ trong huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp V đến cấp IV đồng bằng. Đồng thời mở mới một số tuyến đến các khu sản xuất, khu dân cư để đảm bảo nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa. Theo đó, đến năm 2030 huyện Giao Thủy sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới 10 tuyến đường huyện tối thiểu đạt quy mô cấp III đồng bằng với tổng chiều dài khoảng 109,5km. Trong đó có một số tuyến đường trọng điểm như: đường Lạc - Lâm có tổng chiều dài 20,8km (từ đê xã Giao Lạc đến thị trấn Quất Lâm); đường Thiện - Lâm dài 20km (từ xã Giao Thiện đến thị trấn Quất Lâm); đường Tả sông Sò dài 12km (từ xã Giao Tiến đến xã Giao Hải); đường trục huyện dài 11km (từ thị trấn Ngô Đồng đến xã Giao Thiện); đường Tiến - Thịnh dài 10,9km (từ xã Giao Tiến đến xã Giao Thịnh)… Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cửa Hà Lạn quy mô 1.000 phương tiện có công suất đến 200CV/chiếc kết hợp với bến cá Hà Lạn; nâng cấp bến Giao Thiện, Ngô Đồng, Hồng Thuận thành các bến bốc xếp hàng hoá với quy mô công suất 200-300 nghìn tấn hàng hóa/năm; xây dựng cảng hàng hoá kết hợp du lịch trên sông Hồng (địa bàn các xã Hồng Thuận, Giao Hương), bến tàu đón, chở khách tại Vườn quốc gia Xuân Thuỷ...
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, then chốt trong việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Cũng là năm ghi dấu 90 năm thành lập huyện Giao Thuỷ (1934-2024); huyện đặt mục tiêu phấn đấu được công nhận đạt huyện nông thôn mới nâng cao, làm tiền đề phấn đấu xây dựng huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và trở thành một trong 4 cực tăng trưởng mới của tỉnh đến năm 2030 như Quy hoạch tỉnh đã nêu, huyện Giao Thủy chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư; Quy hoạch các đô thị; Quy hoạch phát triển du lịch,… Cùng với đó, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, GPMB, thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn như dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; phấn đấu hoàn thành thủ tục và tổ chức khởi công trước Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đối với các dự án: đường Lạc - Lâm (Đoạn Cồn Nhất - Chợ Vọng); đường Cồn Nhì - Giao Thiện, đường Thiện - Lâm (Đoạn xã Giao Hải đến thị trấn Quất Lâm), tuyến đường Tả sông Sò (Đoạn từ xã Giao Tiến đến xã Giao Thịnh), tuyến đường trục Giao Hà - Đường bộ ven biển; hệ thống các tuyến đường liên huyện, liên xã, trục xã đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và 31 dự án khu dân cư tập trung trên địa bàn huyện và các công trình, dự án khác có liên quan để tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ huyện khóa XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin