Gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người yếu thế

08:26, 17/04/2024

Ngành Ngân hàng hiện đang tích cực hỗ trợ, tạo tài khoản miễn phí cho những đối tượng chính sách nhận các khoản chi trả an sinh xã hội; đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tín dụng vi mô, tín chấp, không cần tài sản đảm bảo trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những người yếu thế có thể tiếp cận nguồn vốn, có tiền đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình.

Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Tiến (Ý Yên) hướng dẫn hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Tiến (Ý Yên) hướng dẫn hội viên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo ghi nhận của ngành Ngân hàng, bên cạnh việc phổ cập tài khoản ngân hàng cho người dân để nhận các khoản chi trả an sinh xã hội, hiện nay việc ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đánh giá khả tín khách hàng vay (độ tín nhiệm của khách hàng đối với ngân hàng) và phát triển các sản phẩm tín dụng vi mô đối với người nghèo và người lao động thu nhập thấp cũng được nhiều ngân hàng chú trọng. Một số ngân hàng thương mại như BIDV, Vietcombank, VietinBank, PVcomBank đều triển khai các sản phẩm cho vay tín chấp cá nhân với lãi suất hợp lý và thủ tục vay đơn giản, dễ dàng thực hiện nhằm “tiếp sức” cho những người thu nhập thấp. Tại Vietcombank và BIDV, khách hàng chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên, có hợp đồng lao động từ 3 năm trở lên và thu nhập từ lương tối thiểu 5-6 triệu đồng/tháng là có thể vay thấu chi tối đa 100 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng với mức lãi suất 9%-15% năm. Tại VietinBank, khách hàng chỉ cần có tài khoản ngân hàng và có đóng bảo hiểm xã hội là có thể vay tín chấp qua hình thức trực tuyến tối đa 10 triệu đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất thỏa thuận. Trong khi đó, tại PVcomBank, khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm vay tín chấp cho người đến tuổi nghỉ hưu, vay tín chấp cho người tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và vay tín chấp trả góp cho người gần đủ tuổi nghỉ hưu. Mức lãi suất các sản phẩm cho vay này từ 8,5%/năm, tùy theo nhóm người dùng vào việc đóng bảo hiểm, thời gian ân hạn gốc tối đa 3 năm và thời hạn vay tối đa 7 năm… Hiện nay nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô đã đăng ký nhu cầu sử dụng sản phẩm đánh giá khả tín để cho khách hàng vay. Việc cho khách hàng vay dựa trên đánh giá khả tín khách hàng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được nhiều địa phương đánh giá là rất tích cực, giúp người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính đáng, phòng ngừa “tín dụng đen”, nâng cao hiệu quả đảm bảo an sinh xã hội cũng như phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1355/KH-NAĐ ngày 29-11-2023 để thực hiện mô hình số 20 “Triển khai cho vay tín chấp công dân là hộ nghèo, người có công” của ngành Ngân hàng Nam Định, đồng thời có văn bản đề nghị Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai giải pháp “làm sạch” thông tin các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người có công để làm cơ sở triển khai cho vay. Hiện tại, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn chưa có cơ sở dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công đã được “làm sạch” mà chỉ đang thực hiện cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở danh sách được UBND cấp xã xác nhận. Đến nay, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 123 tỷ đồng với 1.938 khách hàng; dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 876,5 tỷ đồng với 13.107 khách hàng. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đối với 459 khách hàng, dư nợ 187,1 tỷ đồng (trong đó cho vay 1 người có công với cách mạng, dư nợ 380 triệu đồng); cho vay hộ mới thoát nghèo 865 tỷ đồng với 12.762 khách hàng; cho vay học sinh, sinh viên 219,5 tỷ đồng với 4.601 khách hàng; cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay dư nợ cho vay là 2,6 tỷ đồng với 28 khách hàng.

Thực tế cho thấy thời gian qua, đối tượng yếu thế trong xã hội, điển hình là hộ nghèo, cận nghèo đã được tiếp cận ngày càng nhiều hơn với nhiều kênh tín dụng phù hợp, dư nợ bình quân trên hộ cũng tăng lên, số dư nợ để sản xuất, kinh doanh, học nghề, xuất khẩu lao động cũng tăng hơn. Chính sự hỗ trợ kịp thời của tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho người nghèo, đối tượng chính sách xã hội tạo sinh kế, việc làm, ổn định đời sống, giảm nghèo thực chất. Nguồn tín dụng chính sách xã hội còn tạo điều kiện giúp giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Ngoài ra, tín dụng chính sách xã hội cũng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tích lũy tài sản, chống chịu được trước những cú sốc kinh tế. Đồng thời, tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn.

Để tiếp tục nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho người yếu thế, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức, thông tin rộng rãi, đầy đủ, rõ ràng và kịp thời các chương trình, sản phẩm cho vay, cũng như cách thức tiếp cận vốn để người dân nắm bắt và tiếp cận chính sách. Từng bước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thiết kế các gói tín dụng với điều kiện vay, thủ tục và lãi suất riêng phù hợp với các đối tượng có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, hạn chế tình trạng người dân tìm đến với “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lí hồ sơ vay vốn của khách hàng, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng vay vốn; triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân; xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc áp dụng giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư trong đánh giá khách hàng vay do Bộ Công an cung cấp, bảo đảm hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com