Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp

08:37, 10/04/2024

Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai đồng bộ, có sức lan tỏa sâu rộng. Từ phong trào, nhiều đoàn viên, thanh niên đã phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tham quan mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn huyện Hải Hậu.
Tham quan mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thanh niên trên địa bàn huyện Hải Hậu.

Với tư duy năng động, sáng tạo, chị Trần Thị Quỳnh, ở xóm B, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã ấp ủ quyết tâm làm giàu, lập nghiệp trên đồng đất quê hương với mô hình trồng cây cảnh. Tận dụng diện tích đất vườn nhà có sẵn, chị cải tạo thành khu trồng cây. Chị Quỳnh cho biết: “Bắt đầu làm nghề, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc mua giống cây và vật tư. Gần như mọi vốn liếng tích lũy được đầu tư khởi nghiệp. May mắn có sự đồng hành của tổ chức Đoàn, là cầu nối giúp tôi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 70 triệu đồng lãi suất thấp, tiếp thêm động lực để tôi phát triển kinh tế”. Yên tâm về nguồn vốn cho sản xuất, chị Quỳnh đã chịu khó tìm hiểu, học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tham quan rút kinh nghiệm từ các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, tự rút kinh nghiệm về kỹ thuật cắt, tỉa, chăm sóc cây cảnh và tìm đầu ra cho sản phẩm. Với những kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, hơn 1.000m2 đất trồng các loại cây cảnh của gia đình chị đều sinh trưởng tốt. Đến nay, diện tích vườn nhà chị có hàng nghìn cây cảnh giống và cây thế các loại được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Bên cạnh đó, chị Quỳnh luôn sát cánh cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, tạo điều kiện giúp đỡ những đoàn viên, thanh niên khó khăn trong xã. Hiện nay, mô hình trồng cây cảnh của chị Quỳnh đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. 

Mô hình phát triển kinh tế của thanh niên Lê Văn Khoa ở xóm 7, xã Giao Yến cũng là điển hình làm giàu từ đồng đất quê hương. Vốn năng động trong phát triển kinh tế, anh mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè đầu tư mô hình phát triển trồng cây cảnh và nuôi cá truyền thống như cá trắm, mè, trôi… Bên cạnh đó, được tổ chức Đoàn thanh niên hỗ trợ vay 70 triệu đồng từ kênh Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, anh tập trung đầu tư cho sản xuất. Chịu thương chịu khó, kết hợp với biết tính toán làm ăn, mô hình của anh đã cho về nguồn thu ổn định. Hiện trang trại của anh có diện tích hơn 1ha trồng các loại cây cảnh, quất thế phục vụ dịp Tết, trừ chi phí cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương. Anh Khoa, chị Quỳnh chỉ là hai trong nhiều gương thanh niên làm giàu thành công từ sự quyết tâm dám nghĩ, dám làm cùng sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn thanh niên.

Những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên; hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên xây dựng các dự án mới, vay vốn để phát triển kinh tế; duy trì hình thức góp vốn xoay vòng không tính lãi trong đoàn viên, thanh niên. Đến nay, toàn tỉnh có 179 tổ tiết kiệm và vay vốn cho thanh niên cho 6.010 hộ vay và tổng dư nợ 256,127 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đề xuất các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Các cấp bộ Đoàn có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên, hỗ trợ thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình: “Sản phẩm làm giỏ hoa” của đồng chí Trần Văn Đức, xã Trực Tuấn (Trực Ninh); “Thu gom và xử lý rác thải” của đồng chí Trần Văn Trường, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường); Dự án “Nông trại cờ đỏ” của đồng chí Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng)…

Bên cạnh đó, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” trong nhiều năm qua ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, thanh niên. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh không chỉ làm cầu nối cho thanh niên vay vốn, mà còn hỗ trợ thanh niên tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; thành lập các Câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”. Qua đó tạo sân chơi để đoàn viên, thanh niên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhằm giúp đoàn viên, thanh niên có thêm cơ hội về việc làm, năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Ngày hội việc làm, thu hút gần 1.000 đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường cao đẳng, đại học; thanh niên các phường, xã, người lao động trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 31 doanh nghiệp. 

Bằng sức trẻ, sự năng động cùng tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã vượt khó làm giàu chính đáng, từng bước hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao... tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tinh thần tuổi trẻ trong xây dựng quê hương./. 

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com