Diệt chuột bảo vệ lúa màu: đảm bảo an toàn cho cây trồng và cộng đồng

08:18, 19/04/2024

Hiện nay, lúa xuân và nhiều diện tích cây trồng khác đang bị chuột phá hoại mạnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất, sản lượng cây trồng. 

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 71,5 nghìn ha lúa bằng các giống chất lượng cao. Các trà lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh và phát triển xanh tốt, song đây cũng là thời điểm chuột phá nặng nề, cắn hại lúa xuân do cây lúa non ngọt, ruộng đang thực hiện rút nước. Ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Đồng Sơn (Nam Trực) cho biết: “Thời điểm này, chuột đồng đang thi nhau cắn phá lúa xuân, mặc dù chúng tôi đã dùng ni-lông quây quanh ruộng và áp dụng nhiều biện pháp thủ công để đánh, bắt, diệt chuột nhưng vẫn không ăn thua. Cứ vài ngày, chúng tôi lại phải ra ruộng kiểm tra, vơ lá lúa héo vàng do chuột cắn phá…”. Tình trạng trên đang diễn ra khá phổ biến ở một số cánh đồng lúa, cây màu tại các địa phương; đặc biệt là khu vực ven làng, ven đê, ven các trục đường, các khu, cụm công nghiệp. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, hiện nay sự gia tăng mạnh mẽ của chuột chủ yếu là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đồng thời việc canh tác đa dạng và luân canh gối vụ liên tục cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sôi phát triển. Đặc biệt sự suy giảm của các loài thiên địch như rắn, mèo, chim cú mèo… cũng góp phần gia tăng tình trạng này. Công tác phòng, chống, diệt chuột chưa được tổ chức quy mô và toàn diện, dẫn đến hiệu quả chưa đạt được như mong đợi.

Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) sử dụng biện pháp bảo vệ lúa, hạn chế chuột phá hoại.
Nông dân xã Đồng Sơn (Nam Trực) sử dụng biện pháp bảo vệ lúa, hạn chế chuột phá hoại.

Trước tình trạng trên, thực hiện Chỉ thị số 1900/CT-BN-BVTV ngày 15-3-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT chủ trì xây dựng kế hoạch diệt chuột hàng năm với các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình canh tác, đặc điểm địa hình, kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt tập trung vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các thời điểm khi chuột còn đang co cụm. Tuỳ theo tình hình cụ thể tiến hành từ 3-5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng thực hiện diệt chuột bằng các biện pháp an toàn như bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để quây bắt, bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột. Tổ chức diệt chuột đồng bộ cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương máng và diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng ni-lông quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường.

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) cho biết: Chuột là đối tượng dịch hại có khả năng sinh sản nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, các địa phương cần thực hiện diệt chuột thường xuyên nhưng phải xác định các đợt cao điểm, nhất là thời điểm đầu vụ, để diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao. Có nhiều hình thức diệt chuột bằng biện pháp hoá học, sinh học, thủ công, trong đó biện pháp sinh học và thủ công là chủ yếu. Để bảo vệ mùa màng, cây trồng bà con nông dân nên sử dụng các biện pháp như dùng bẫy bả bằng thuốc sinh học, đánh bắt theo phương pháp thủ công... để diệt chuột đồng. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột vì rất nguy hiểm đến tính mạng con người, động vật.

Mặc dù đã được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khuyến cáo nhưng do sốt ruột vì chuột phá nhiều, ở một số địa phương trong tỉnh vẫn có tình trạng người dân diệt chuột bằng biện pháp nguy hiểm như dùng điện. Tại một số cánh đồng lúa ở các xã Minh Thuận (Vụ Bản), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Xuân Ninh (Xuân Trường), Hải Hưng, Hải Bắc (Hải Hậu)… có tình trạng người dân vẫn lén lút dùng điện diệt chuột. Chủ ruộng sử dụng dây điện bóc trần lớp vỏ nhựa, kéo ngang mặt nước, xung quanh ruộng và ở những vị trí chuột thường chạy qua. Việc cảnh báo nguy hiểm đối với con người được thực hiện khá sơ sài bằng cách cắm các cọc tre và đấu bóng điện quả nhót màu đỏ vào ban đêm. Thậm chí có ruộng còn không có bất kỳ biện pháp cảnh báo nào. Việc đấu điện diệt chuột thường diễn ra lúc trời sẩm tối hoặc ban đêm… nên tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro rất lớn cho người và động vật. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân chia sẻ, tình trạng một vài người dân trên địa bàn sử dụng điện lưới hoặc nguồn điện từ máy phát để diệt chuột đồng đã diễn ra thời gian dài. Trước đây được thực hiện công khai và phổ biến; sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện và nhắc nhở thì họ lén lút sử dụng. Những gia đình gần ruộng thường “câu điện” trực tiếp từ nguồn điện lưới để giăng bẫy diệt chuột. Diệt chuột bằng điện tuy cho hiệu quả tiêu diệt nhanh, nhiều chuột nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính người trực tiếp đi đặt bẫy và những chủ ruộng xung quanh cũng như những động vật thiên địch của chuột là chó, mèo thường đi săn chuột vào ban đêm. Tại tỉnh cũng như ở nhiều nơi khác đã có không ít trường hợp chính người đặt bẫy hoặc người thân, hàng xóm... vô tình không biết và bị tai nạn chết người do vướng dây điện bẫy chuột. Cái giá phải trả cho việc liều lĩnh bẫy chuột bằng biện pháp bị cấm là không thể bù đắp được bởi hậu quả chính là tính mạng con người. Vì thế biện pháp dùng điện diệt chuột cần phải chấm dứt ngay. 

Theo các Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn khác thì hành vi sử dụng điện để bẫy chuột ở nơi công cộng là trái phép, khi bị phát hiện có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền lên đến 60-70 triệu đồng, tịch thu tang vật dây điện và các thiết bị liên quan. Nếu để xảy ra hậu quả tai nạn chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người hoặc thậm chí là tội giết người nếu đặt bẫy diệt chuột ở khu vực đồng ruộng nơi có đông người qua lại, người đặt dây điện biết là nguy hiểm mà vẫn cố tình đặt; hình phạt cao nhất trong trường hợp này có thể lên tới tử hình. Người dân phát hiện việc đặt bẫy diệt chuột bằng điện gây nguy hiểm cần phải báo cho cơ quan chức năng để xử lý ngăn chặn kịp thời.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc diễn biến, sự phân bố và nâng cao khả năng dự báo tình trạng phát sinh gây hại của chuột; áp dụng các biện pháp diệt chuột được cơ quan chuyên môn khuyến cáo sẽ góp phần bảo vệ mùa màng, bảo đảm năng suất, chất lượng các loại cây trồng cũng như an toàn cho cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com