Là huyện ven biển có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản với nhiều sản phẩm đặc trưng, 5 năm qua, hội viên nông dân huyện Giao Thủy đã tích cực tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đến hết năm 2023, Giao Thủy là địa phương dẫn đầu tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP với 108 sản phẩm xếp hạng 3 sao trở lên, trong đó có 9 sản phẩm hạng 4 sao; 22/22 xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP.
Sản phẩm tinh bột sắn, mật ong sú vẹt của hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Bắc, xã Hoành Sơn được công nhận sản phẩm OCOP. |
UBND huyện đã xây dựng Đề án về khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện có cơ chế khuyến khích các chủ hộ, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm này với mức hỗ trợ mỗi sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao là 20 triệu đồng, sản phẩm đạt 4 sao là 30 triệu đồng và 5 sao là 50 triệu đồng. Đồng thời hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tham gia chương trình thương mại, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử để sản phẩm có sức lan tỏa, tiêu thụ tốt hơn. Xác định rõ tầm quan trọng của chương trình OCOP đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các cấp Hội Nông dân (HND) trong huyện đã tập trung rà soát, nắm bắt các sản phẩm lợi thế của từng địa phương; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã tổ chức 45 lớp dạy nghề cho 1.350 học viên tham dự và 127 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hội thảo, giúp nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các cấp Hội còn hỗ trợ, hướng dẫn các hội viên, thành viên HTX, tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển các mô hình liên kết sản xuất, ưu tiên sản xuất sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng lớn; tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô tập trung các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp, là cơ sở cho việc phát triển sản phẩm OCOP. Toàn huyện hiện có 9 trang trại theo tiêu chí mới, 425 gia trại chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, tập trung ở các xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện, Giao Long, Giao Châu, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thịnh... Ngoài ra, nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đưa các sản phẩm vào hệ thống các cửa hàng nông sản sạch; tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ; phối hợp với Bưu điện huyện đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Từ thực tế triển khai chương trình OCOP đã giúp cho nông dân tăng thêm lợi nhuận, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.
Ngoài sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện được chế biến từ nguyên liệu phong phú, đa dạng sẵn có ở địa phương, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, thành viên các HTX, doanh nghiệp làm ra. Tiêu biểu phải kể đến các sản phẩm: mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy, nước mắm thủ công truyền thống Sa Châu, nem nắm, gạo Đài thơm 8, nếp cái hoa vàng, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu trồng theo công nghệ hữu cơ, sản phẩm muối sạch, muối tinh, muối bột canh, củ gai sấy khô, tép moi sấy khô, ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu, ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược… Đặc biệt, HTX kinh tế nông nghiệp tuần hoàn Đình Mộc, xã Giao Tân tập trung sản xuất nông nghiệp theo quy trình tuần hoàn chất lượng cao, có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận có 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao gồm: nấm sò trắng Tuấn Hiệp, nấm sò nâu Tuấn Hiệp, nấm linh chi Xuân Thủy, mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, nem nấm Tuấn Hiệp, giò nấm Tuấn Hiệp. Để có những kết quả trên, nhiều năm qua, HTX đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; sử dụng mô hình tưới nước phun sương, nhỏ giọt; lắp đặt các thiết bị tự động điều chỉnh độ ẩm, sản xuất nấm trong nhà màng, nhà lưới theo quy trình VietGAP. HTX Khang Tường, xã Giao An với 5 sản phẩm OCOP 3 sao gồm ruốc tôm he, nõn tôm he hấp, nõn tôm rảo sấy khô, tôm sú, cá vược cắt khúc Khang Tường. HTX Nông nghiệp Trường Xuân, xã Giao Lạc với mô hình trồng rau, củ, quả công nghệ cao theo quy trình “6 không”: không phân bón hoá học, không thuốc trừ sâu có nguồn gốc hoá học, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng giống biến đổi gien, không sử dụng chất bảo quản sau thu hoạch. Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, HTX đã có 2 sản phẩm dưa hấu, dưa lê đạt OCOP 3 sao…
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp với thực tiễn, các cấp HND huyện Giao Thủy đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; khuyến khích các HTX, hộ nông dân tham gia xây dựng và phát triển được ngày càng nhiều sản phẩm OCOP. Thời gian tới, các cấp HND trong huyện tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới, rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống, góp phần để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 60 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 sao; có trên 10 sản phẩm đạt 4 sao; có từ 1-2 sản phẩm chủ lực đạt 5 sao./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin