Mỹ Lộc vận động hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể

08:18, 11/01/2024

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc đã tích cực vận động hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế tập thể, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, góp phần tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Đặng Văn Phương, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh xã Mỹ Tân chăm sóc hoa cúc.
Ông Đặng Văn Phương, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh xã Mỹ Tân chăm sóc hoa cúc.

Đồng chí Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HND huyện cho biết: Hàng năm, HND huyện tổ chức hướng dẫn, giao chỉ tiêu thi đua cho HND cơ sở về xây dựng các mô hình kinh tế tập thể. HND các cấp trong huyện thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, vận động nhằm giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với nhu cầu liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và thực tiễn công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện đã chú trọng hướng dẫn cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. HND huyện phân công cán bộ phối hợp cùng HND cơ sở trực tiếp khảo sát các mô hình có tiềm năng; tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân; vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên cơ sở những ngành, nghề có thế mạnh của địa phương. HND huyện cũng tích cực tham vấn, xin ý kiến từ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách tỉnh Hội để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, hỗ trợ các mô hình đi vào hoạt động có hiệu quả; chỉ đạo cán bộ Hội cơ sở tham gia sinh hoạt cùng các chi, tổ hội, làm tốt công tác theo dõi, đánh giá hiệu quả hoạt động của các chi, tổ hội đã đi vào hoạt động để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Thực tế cho thấy, việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể đã hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các mô hình hoạt động theo phương thức “5 tự”, “5 cùng” trên cơ sở phát huy những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của địa phương, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển kinh tế tập thể, xây dựng HTX của Hội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2018-2023, huyện đã hướng dẫn thành lập 7 tổ hợp tác, 4 tổ hội nghề nghiệp với 80 thành viên; 3 chi hội nghề nghiệp với 42 thành viên. Đến nay, toàn huyện có tổng số 13 tổ hợp tác với 180 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của hội viên; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với tổ chức Hội, tạo kênh sinh hoạt mới, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Nội dung sinh hoạt của chi, tổ hội được đổi mới phong phú, thiết thực hơn. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hội viên còn tập trung chia sẻ kinh nghiệm, các thông tin cần thiết trong quá trình sản xuất như tình hình thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây trồng vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Các chi, tổ hội nghề nghiệp còn liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất, giảm chi phí và ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhờ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho các thành viên.

Đặc biệt, các cấp HND đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, quảng bá tiêu thụ sản phẩm. HND huyện tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Dạy nghề huyện, các công ty, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề; tập huấn kiến thức liên kết chuỗi; chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng cho các thành viên chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Phối hợp cùng ngành Bưu điện hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, các hộ sản xuất kinh doanh quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản, đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay đã hỗ trợ đưa 4 sản phẩm do nông dân sản xuất bán trên sàn giao dịch điện tử POSTMART. Cùng với đó, hiện nay, toàn huyện có 6 dự án thuộc 6 chi, tổ hội nghề nghiệp với 43 hộ đang được vay nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với tổng số vốn 2 tỷ 137 triệu đồng. Trong đó, nguồn Quỹ Trung ương Hội 900 triệu đồng, Quỹ tỉnh 650 triệu đồng, Quỹ huyện 587 triệu đồng. Các thành viên của chi, tổ hội nghề nghiệp sau khi tiếp nhận nguồn vốn vay cùng với các nguồn vốn được huy động khác đã tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát huy hiệu quả theo đúng dự án đã xây dựng, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Điển hình như Tổ hội nuôi trồng thủy sản Tiền Phong, xã Mỹ Hà; Tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh xã Mỹ Tân; Tổ hội nuôi trồng thủy sản xã Mỹ Hưng… Ông Đặng Văn Phương, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng hoa - cây cảnh xã Mỹ Tân cho biết: Tổ hợp tác gồm 14 thành viên, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau; hỗ trợ giống, vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm. Bình quân mỗi hộ thành viên đang trồng 4.000-5.000m2, chủ yếu là hoa cúc, cho thu nhập 50-60 triệu đồng/sào/năm, góp phần xây dựng thương hiệu cho làng nghề trồng hoa.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, HND huyện Mỹ Lộc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp. Tranh thủ các nguồn lực để tập trung hỗ trợ, hướng dẫn củng cố, xây dựng mới, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phấn đấu 100% chi, tổ hội nghề nghiệp và mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả và liên kết chuỗi trong sản xuất. Phối hợp các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; tham gia tích cực vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tái cơ cấu ngành nông nghiệp; khai thác tốt các tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế vùng nông thôn và nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com