Thời gian gần đây, những cửa hàng take away cafe (còn gọi là cà phê lưu động, cà phê mang đi) có phong cách độc đáo và thu hút đông đảo giới trẻ. Hình thức này chủ yếu dành cho những người muốn thưởng thức cà phê nhưng không có nhiều thời gian. Những cốc cà phê được pha chế nhanh chóng, khách hàng chỉ cần chờ trong vài phút, có thể mang đi trong những lúc bận rộn. Đây là hình thức kinh doanh khởi nghiệp được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Mô hình cà phê lưu động của anh Anh Tú ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) thu hút được nhiều khách hàng trẻ. |
Dọc theo các tuyến phố ở thành phố Nam Định và các thị trấn trung tâm một số huyện, không khó để tìm các “cửa hàng” lưu động kinh doanh, đồ uống “take away cafe” đang “mọc” lên ngày một nhiều, tập trung bán đông nhất là vào đầu giờ sáng khi mọi người bắt đầu đi học, đi làm và giờ tan tầm mỗi ngày. Cà phê đựng trong cốc nhựa hoặc cốc giấy cho khách mang đi với quy trình mua bán nhanh gọn, tiện lợi. Chỉ vỏn vẹn 1 chiếc xe với diện tích khiêm tốn, quầy cà phê của chị Nga trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) trang bị được đầy đủ các dụng cụ, thiết bị và nguyên liệu cần thiết để bán hàng. Ngoài các loại cà phê như: Bạc sỉu, cà phê muối, nâu, đen, chị Nga còn bán trà và sinh tố khá đa dạng với mức giá từ 12-25 nghìn đồng/ly. Tuy quán của chị không biển hiệu, không loa đài giới thiệu hay bàn ghế để ngồi, chỉ có tấm biển nhỏ kê giá từng loại đồ uống nhưng khách mua hàng vẫn đứng xếp hàng tấp nập vào những giờ cao điểm. Chị Nga cho biết: “Với ưu thế là sử dụng ít vốn, độ rủi ro không cao, mang lại nguồn thu nhập khá nên tôi đã lựa chọn phương thức kinh doanh này để khởi nghiệp”. Còn đối với anh Anh Tú, ở đường Trường Chinh (thành phố Nam Định) sau nhiều lần đắn đo suy tính, anh đã quyết định nghỉ việc sửa chữa, lắp đặt điều hòa để đi học nghề pha chế cà phê. Anh bỏ ra khoản chi phí học nghề, đóng xe đẩy và mua dụng cụ khoảng hơn 20 triệu đồng với tấm biển thiết kế khá bắt mắt cùng dòng chữ “Anh Tú Coffee” để bắt đầu công việc kinh doanh cà phê lưu động của mình. Không mất chi phí thuê mặt bằng nên giá bán 1 ly cà phê của anh Tú khá rẻ, chỉ từ 15 đến 30 nghìn đồng. Mức giá khá dễ tiếp cận này khiến xe đẩy của anh Tú lúc nào cũng đắt hàng. Chị Linh, chủ xe đồ uống di động ở thị trấn Yên Định (Hải Hậu) cho biết, từ 5 tháng qua, chị đã mở quán đồ uống di động để khởi nghiệp, trong đó món cà phê muối là sản phẩm bán chạy nhất của cửa hàng do đây là thức uống “hot” của giới trẻ. Trung bình mỗi sáng chị bán được vài chục cốc, chưa kể các đồ uống khác. Chị Linh khẳng định toàn bộ cà phê của mình là “hàng tuyển chọn” đảm bảo chất lượng cùng với bí quyết chị học được trong pha chế nên cà phê có hương vị riêng biệt, giữ chân được khách hàng quen thuộc.
Là một khách hàng “nghiện” cà phê từ ngày còn học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi trở về Nam Định làm việc, anh Nguyễn Khôi ở đường Bái (thành phố Nam Định) vẫn duy trì thói quen uống cà phê vào buổi sáng. Tuy nhiên, do tính chất công việc nên anh không thường xuyên đi vào các quán để thưởng thức mà thường pha cà phê gói uống liền mỗi khi đến công ty. Từ khi quán cà phê lưu động được mở trên đường đến chỗ làm nên hàng ngày anh đều ghé qua để mua ly cà phê đen đá. Anh cho biết: “Hiện nay, thay vì ngồi hàng giờ đồng hồ nhâm nhi một ly cà phê trong quán, nhiều người dân chọn cách “mua nhanh bán gọn” trên đường đi học, đi làm để không mất thời gian mà vẫn giải quyết được nhu cầu thức uống của bản thân. Tuy không được “chuẩn” như những hàng cà phê có thương hiệu nhưng với người bận rộn như tôi thì đây là giải pháp hợp lý và tiện lợi”. Hiện tại, thị trường cà phê lưu động khá tấp nập, đáp ứng nhu cầu “bắt trend” của giới trẻ. Hình thức đầu tư này khá phù hợp với những người trẻ muốn khởi nghiệp mà không dư giả về tài chính. Do không mất chi phí để thuê mặt bằng, nhân công phục vụ, lại hướng tới đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng, người lao động có thu nhập thấp nên những loại đồ uống mang đi này thường có giá bán khá thấp, dao động trong khoảng từ 10 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng mỗi cốc (tùy loại). Bên cạnh đó, các loại trà và thức uống khác cũng được bán phụ trợ với giá từ 10 đến 20 nghìn đồng/ly. Khi có nhu cầu, khách hàng chỉ cần tấp vào lề đường, chỉ trong vài phút đã có một ly đồ uống mang đi. Nếu khách hàng có nhu cầu giao đến tận nơi cũng sẽ có người nhanh chóng đem đến nên loại hình kinh doanh đồ uống này đang khá thu hút người trẻ. Ngoài ra, nhiều quán cà phê trang bị xe pha chế gọn nhẹ, bắt mắt đem đến cho khách thưởng thức cà phê nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Trong không gian đó, khách hàng có thể trực tiếp nhìn thấy các nhân viên pha chế xay, pha cà phê, được cảm nhận hương thơm nồng nàn từ cốc cà phê mới xay. Tuy nhiên, việc đua nhau cho ra đời những quầy hàng lưu động khiến việc cạnh tranh cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này đòi hỏi các quầy hàng phải tạo ra sự khác biệt trong hương vị đồ uống, cách phục vụ và các chương trình ưu đãi.
Với chi phí đầu tư tối giản, không mất phí thuê mặt bằng lại linh động khi di chuyển là những ưu điểm của việc bán hàng cà phê bằng xe đẩy lưu động. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; nghiêm cấm các hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ... nên việc các xe cà phê di động chiếm dụng vỉa hè, lòng đường sẽ gây khó khăn cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó là việc khó kiểm soát an toàn thực phẩm với các loại hình thức bán hàng lưu động này. Vì vậy bên cạnh công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, thực phẩm, việc chấp hành trật tự an toàn giao thông của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức để nhận biết, cũng như sử dụng đồ uống đảm bảo sức khỏe cho mình./.
Bài và ảnh: Hồng Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin