"Dịch vụ số" thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đảm bảo nhanh, bền vững

08:32, 18/01/2024

Sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Tài chính số hay việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên các nền tảng số của ngân hàng đã giúp giảm bớt các rào cản thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó giúp tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chất lượng cao cho người dân.

Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định giới thiệu dịch vụ Agribank E-Mobile Banking tới hội viên Hội Nông dân tỉnh.
Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định giới thiệu dịch vụ Agribank E-Mobile Banking tới hội viên Hội Nông dân tỉnh.

Trong ba năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo ra nhiều sản phẩm tiện ích, dễ sử dụng, chi phí hợp lý và miễn phí nhằm thúc đẩy thực hiện tài chính toàn diện trên địa bàn, nhất là vùng nông thôn. Các ngân hàng đã thường xuyên rà soát, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực để hoạt động thanh toán thông suốt, kịp thời, an toàn, bảo mật; rà soát, mở rộng, sắp xếp hợp lý mạng lưới điểm giao dịch, máy giao dịch tự động (ATM/CDM/CRM), thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS/mPOS), điểm chấp nhận thanh toán di động QR-Code. Bên cạnh đó, hiện nay, một số ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank...) áp dụng dịch vụ rút tiền qua ATM bằng mã QR, mang lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng. Ngành Ngân hàng tỉnh cũng phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới và thông báo rộng rãi về mạng lưới này để người dân biết, thuận tiện trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Đến nay, nhiều dịch vụ ngân hàng đã được thực hiện ngay trên điện thoại thông minh, máy tính… có kết nối internet như: Mở tài khoản thanh toán bằng eKYC, đóng tài khoản thanh toán, chuyển tiền, mở sổ tiền gửi tiết kiệm, gửi tiền tiết kiệm, vay tiêu dùng giá trị nhỏ, thanh toán giao dịch điện, nước, internet, thuế, phí... Toàn tỉnh có 225 ATM và 701 POS được lắp đặt ở 620 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn, nhà hàng... Các đơn vị cung ứng dịch vụ như Công ty Điện lực Nam Định; Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định; các cơ sở y tế, giáo dục,... tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ, tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân. Đến nay, số lượng tài khoản còn hoạt động trên địa bàn là 1.421.783 tài khoản. Doanh số thanh toán qua thẻ trong năm 2023 đạt 13.817 tỷ đồng, tăng 5.365 tỷ đồng (63%) so với năm 2022. Hầu hết các lĩnh vực thanh toán trong dịch vụ công đều được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, triển khai mạnh mẽ. Hiện gần 100% tổ chức, doanh nghiệp khai, nộp, hoàn thuế điện tử; tỷ lệ khách hàng thanh toán trực tuyến của Công ty Điện lực Nam Định chiếm 94,99% tổng số khách hàng dùng điện; của Công ty Cổ phần Cấp nước Nam Định đến nay đạt 30% trên tổng số giao dịch. Các ngân hàng đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng tại 218 trường học trên địa bàn, riêng khối trường THPT và Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã có 47/49 đơn vị thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Có 24/24 cơ sở y tế có giường bệnh triển khai thực hiện thu viện phí không dùng tiền mặt (chủ yếu sử dụng giải pháp QR tĩnh).

Quét mã QR-Code để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ đã không còn xa lạ với nhân dân trong tỉnh. Theo thống kê tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) hiện có hơn 90% các tiểu thương, hộ kinh doanh chấp thuận và khuyến khích khách hàng thanh toán tiền mua hàng hóa thông qua QR-Code hoặc chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Mô hình thanh toán bằng QR-Code tiện lợi, đơn giản, cơ động, chi phí thấp, mang lại nhiều lợi ích cho người bán hàng như: Người bán hàng không phải chuẩn bị tiền lẻ để trả lại khách hàng, không phải lo lắng vấn đề tiền giả, mất cắp khi mang tiền mặt theo người, không phải tính toán doanh thu hàng ngày một cách thủ công… Chị Phan Ngọc Hà, tiểu thương tại chợ Rồng cho biết: “Các ngân hàng trước đây đã triển khai các phương thức TTKDTM qua POS. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt và sử dụng rất cao (từ 10-20 triệu đồng và phí từ 1,5-2,5%/số tiền thanh toán), thiết bị chưa thực sự thuận tiện (một số thiết bị cần cắm điện thường xuyên, cần kết nối với hệ thống mạng qua dây điện thoại cố định) nên chưa khuyến khích được nhiều người sử dụng và hầu hết người bán nhỏ lẻ đều không lựa chọn. Song với giải pháp thanh toán bằng QR mới này, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng tiền mặt”. Theo chị Hà, người dùng không mất chi phí lắp đặt, không mất phí giao dịch, rất thuận tiện có thể mang đi mọi chỗ, mọi nơi, giao dịch diễn ra nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và loại bỏ được các rắc rối khi dùng tiền mặt như không có tiền lẻ trả lại, tiền giả, tiền rách, tình trạng rơi, mất cắp… Các lợi ích này đã giúp QR-Code phát triển trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng.

Nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về tài chính toàn diện đã đề ra, góp phần hỗ trợ tối đa cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế được tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại, bảo đảm tiện lợi, an toàn, dễ sử dụng và chi phí thấp, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền tỉnh với nòng cốt là hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện; trọng tâm là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các ngân hàng cung cấp tài khoản thanh toán miễn phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu để cung cấp cho người về hưu, người hưởng trợ cấp xã hội, người già, người nghèo, học sinh, sinh viên và những đối tượng yếu thế khác… Tiếp tục phát triển các nhóm sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với từng đối tượng với lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh, gọn, thuận tiện, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử để tạo niềm tin và bảo vệ người tiêu dùng tài chính; gắn mã số định danh công dân với tất cả tài khoản cá nhân để phục vụ công tác quản lý, xác thực thông tin khách hàng và người thụ hưởng khi cung ứng sản phẩm, dịch vụ. Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chính phủ điện tử. Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



Công ty nào chuyên Dịch vụ chứng minh tài chính doanh nghiệp uy tín nhất hiện nayCông ty nào chuyên chứng minh tài chính du lich uy tín nhất

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com