Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng chi ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 của tỉnh ước đạt 25.142 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2022. Trong đó chi đầu tư phát triển 9.300 tỷ đồng, tăng 72,5%, chiếm 37,0% tổng chi; chi thường xuyên 8.860 tỷ đồng, tăng 7,0%, chiếm 35,2%; chi các nhiệm vụ khác 6.980 tỷ đồng, chiếm 27,8%. Đáng kể, các ngành, các địa phương đã chú trọng điều hành chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả. Tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển cao hơn rất nhiều so với tăng chi thường xuyên, điều đó thể hiện rõ quan điểm của tỉnh tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, trong năm qua, bội thu từ tiền sử dụng đất cũng bổ sung nguồn lực để địa phương thực hiện ưu tiên đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, nhất là chi đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, một số nguồn chi lớn được tỉnh ưu tiên là chi cho giáo dục và đào tạo, kiến thiết kinh tế, y tế, quản lý hành chính, cho các đối tượng chính sách, chi cho an sinh xã hội và đảm bảo đầy đủ các khoản chi lương.
Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Hải Hậu. |
Năm 2024 nằm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 và là năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; nhiệm vụ phát triển kinh tế dự báo còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trong bối cảnh này, tỉnh yêu cầu các cấp ngân sách phải tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, chi NSNN. Căn cứ Luật NSNN, các quy định của Trung ương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, tỉnh xác định tổng chi NSNN năm 2024 là 20.636,578 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách tỉnh chi 12.977,246 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã chi 7.659,332 tỷ đồng.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi NSNN, tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt quan điểm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2024, tạo nguồn xử lý các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh. Xây dựng và triển khai dự toán NSNN gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm theo nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đảm bảo tính bền vững của NSNN, phản ánh thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, tỉnh còn phân bổ, giao dự toán chi NSNN cụ thể theo từng nhiệm vụ chi trọng điểm và theo từng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương cho đầu tư phát triển tỉnh phân bổ, từ vốn kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 giao bố trí vốn trong nước để đầu tư hai dự án chuyển tiếp gồm đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường huyện nối từ đê tả Đáy đến đường 57B huyện Ý Yên; số vốn còn lại bố trí chi 1 dự án khởi công mới là xây dựng Bệnh viện Da liễu tỉnh; vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đối với vốn nước ngoài, bố trí cho 1 dự án đã hoàn thành là dự án nâng cấp hạ tầng thủy lợi huyện Hải Hậu.
Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương phần tỉnh trực tiếp quản lý, điều hành được bố trí để chi trả nợ lãi vay, phí của 3 dự án ODA; bố trí nguồn thu hồi vốn đã ứng từ quỹ phát triển đất cho các dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, xây dựng tỉnh lộ 485B đoạn từ đê hữu sông Đào đến Quốc lộ 21B; bố trí vốn lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do vẫn còn thiếu so với tổng mức đầu tư); bố trí vốn đối ứng dự án ODA nâng cấp hệ thống thuỷ lợi tỉnh thích ứng biến đổi khí hậu; bố trí vốn đối ứng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản khác; bố trí vốn cho 6 dự án trọng điểm: Đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; giải phóng mặt bằng dự án PPP xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình; bố trí vốn cho 3 dự án khởi công mới gồm dự án mật của Công an tỉnh, nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, mua sắm trang thiết bị y tế nâng cao năng lực chuyên môn Ngoại khoa và Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; bố trí vốn để thực hiện các dự án thuộc danh mục ngân sách tỉnh và các dự án không còn được giao vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2024.
Đối với phương án chi NSNN thuộc các huyện, thành phố, thị trấn, xã, tỉnh yêu cầu trên cơ sở điều tiết, các địa phương chủ động dự kiến danh mục dự án, số vốn phân bổ chi tiết cho từng dự án, trình HĐND cùng cấp thông qua để ban hành quyết định giao kế hoạch vốn năm 2024 theo quy định. Dự toán chi thường xuyên ưu tiên bố trí kinh phí cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghê, môi trường, an sinh xã hội, thực hiện các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh. Ngoài ra, tăng 2% kinh phí hoạt động (không bao gồm lương, các chế độ đặc thù) của cấp huyện, cấp xã, các cơ quan hành chính cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3 cung cấp dịch vụ công cơ bản thiết yếu và đơn vị sự nghiệp công nhóm 4. UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm theo dõi sát tình hình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; kiểm soát tình hình công nợ ngân sách xã, có biện pháp xử lý nợ công làm lành mạnh tài chính ngân sách xã; kiên quyết không đầu tư mới các công trình khi chưa có nguồn vốn đảm bảo.
Về phía các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và đơn vị sử dụng ngân sách cần tích cực phối hợp với cơ quan tài chính để chủ động bố trí vốn ngay từ đầu năm cho các dự án, công trình quan trọng theo chế độ quy định. Tỉnh cũng yêu cầu phải lường đón các công việc phát sinh, chủ động bố trí kinh phí dự phòng ngân sách để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, nhiệm vụ phát sinh đột xuất. Thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính - NSNN, nhất là trong lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí; hạn chế tối đa đề xuất ứng trước dự toán. Đẩy mạnh kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; đối với những dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ sẽ kịp thời quyết định hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý chi NSNN.
Các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp thiết thực nhằm kiểm soát bội chi NSNN năm 2024 trong phạm vi quy định và phấn đấu đạt mức thấp hơn, góp phần cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tăng cường sức chống chịu của nền tài chính tỉnh, tạo nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin