Chú trọng nâng cấp các công trình thuỷ lợi, đê điều

08:25, 12/01/2024

Do có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng chống thiên tai (PCTT) lụt bão, bảo vệ tính mạng nhân dân, những thành quả phát triển kinh tế - xã hội nên hệ thống công trình thuỷ lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm huy động, bố trí nguồn lực đầu tư tu bổ, nâng cấp.

Cán bộ Hạt Quản lý đê Giao Thủy thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố để đảm bảo an toàn cho tuyến đê sông trên địa bàn xã Hồng Thuận.
Cán bộ Hạt Quản lý đê Giao Thủy thường xuyên kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sự cố để đảm bảo an toàn cho tuyến đê sông trên địa bàn xã Hồng Thuận.

Thông qua Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, những năm qua Chính phủ đã quan tâm bố trí 4.356 tỷ đồng để tỉnh đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp các tuyến đê; hỗ trợ khoảng 320 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý các hư hỏng đê điều. Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều bố trí trung bình khoảng 45 tỷ đồng/năm để tỉnh thực hiện duy tu bảo dưỡng và xử lý cấp bách các sự cố đê điều. Ngoài ra, tỉnh cũng chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương cho đầu tư cải tạo nâng cấp đê. Vì vậy, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều của tỉnh từng bước nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, với hệ thống đê các loại nhiều nên nguồn vốn cần để tu sửa, nâng cấp hệ thống đê điều, công trình thủy lợi của tỉnh đòi hỏi rất lớn. Toàn tỉnh có 663km đê (91km đê biển và 274km đê sông; 298km đê dưới cấp III); gần 8km đê biển Cồn Xanh và gần 100km kè đê sông. Trên các tuyến có 187 cống qua đê. Hệ thống đê sông còn nhiều đoạn chưa đủ cao trình thiết kế, tuyến đê biển mới chống được bão cấp 10, triều trung bình, còn nhiều đoạn mặt đê bằng đất chưa được nâng cấp. Cùng với đó, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu diễn biến nhanh khiến nhiều công trình thuỷ lợi, đê điều của tỉnh bị xuống cấp. 

Tại huyện Vụ Bản, người dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm có phương án kè 2 đoạn đê sạt lở nghiêm trọng tại địa bàn xã Đại Thắng (đoạn 500m từ cuối thôn Hoà Tiên đến trạm bơm cống Đế và đoạn 150m từ cửa sông Lác xuống giáp Ý Yên) để đảm bảo an toàn tuyến đê và công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão. Người dân huyện Ý Yên đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí để nạo vét kênh S47 chạy qua thôn La Ngạn 1, La Ngạn 2 đến trạm bơm Vĩnh Trị để đảm bảo việc canh tác; đề nghị tỉnh tiếp tục cho xây kè và mở rộng mặt đoạn đê 2km từ cống số 9 tuyến đê bối từ sông Chanh đến dốc Lò Ngói trên địa bàn xã Yên Lộc do nhiều năm nay đã xuống cấp xuất hiện thẩm lậu, rò rỉ, mặt cắt đê hẹp, cao trình thấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, gây ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống nhân dân; đề xuất các cấp chính quyền xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí kè cứng hoá các tuyến đê xung yếu thuộc hệ thống sông Đào và sông Đáy đoạn chảy qua địa phận huyện hiện đã xuống cấp để huyện thực hiện tốt công tác bảo đảm phòng chống thiên tai, bão lũ, đảm bảo an toàn cho người dân. Nhân dân huyện Nghĩa Hưng kiến nghị đầu tư kè lát mái và bê tông hoá mặt đê một số đoạn trên tuyến đê bối Nam Quần Liêu. Tại Hải Hậu, người dân kiến nghị huyện có biện pháp khắc phục tình trạng bờ phía nam kênh Ninh Cao và kênh Doanh Châu An, đoạn xã Hải Thanh giáp xã Hải Quang do dòng chảy rất mạnh gây sạt lở, lấn sâu vào đường bê tông làm ảnh hưởng đến sản xuất và đi lại của nhân dân; có kế hoạch kè các đoạn còn lại của tuyến sông Rộc 2 qua địa bàn các xã Hải Vân, Hải Nam do nhiều đoạn chưa được kè, các loại rác thải từ đầu nguồn chảy xuống bị ách tắc lại, hai bên hành lang sông đã bị sạt lở vào sát trục đường nhựa xã gây mất an toàn giao thông; nạo vét tuyến kênh từ cống cầu Dừa xóm 1 xuống cống vùng Nhị Đoạn nối với sông Rộc xã Hải Vân để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vì lâu nay tuyến sông này không được nạo vét gây ách tắc dòng chảy, khó khăn lấy và tiêu thoát nước...

Nhu cầu lớn song do ngân sách còn khó khăn nên tỉnh đã giao các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với các đơn vị, địa phương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn theo thứ tự trước mắt ưu tiên cho các công trình thủy lợi, đê điều trọng điểm, cấp bách. Theo đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh: “Trong nhiệm vụ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm từ nay đến năm 2025, tỉnh xác định sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư để khởi công dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi tỉnh Nam Định thích ứng biến đổi khí hậu vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI”. Bên cạnh đó, giai đoạn từ nay đến năm 2026 HĐND tỉnh cũng đã có quyết định về chủ trương bố trí ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư nhiều dự án chống sạt lở bờ kênh, bồi đắp lòng kênh, tăng cường năng lực tưới tiêu góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gồm: Dự án nạo vét, kiên cố hoá kênh C25, kênh N1 và một số tuyến nhánh huyện Vụ Bản; dự án nạo vét, kè gia cố mái kênh CT25, kênh CT25B, CT28 thuộc hệ thống thủy nông Nam Ninh thuộc địa phận huyện Nam Trực; dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến kênh vùng phía Nam thuộc hệ thống thủy nông huyện Ý Yên.

Riêng năm 2024, trong phương án phân bổ chi tiết phần ngân sách tỉnh trực tiếp điều hành quản lý, tỉnh bố trí 2 tỷ đồng vốn đối ứng dự án ODA để chuẩn bị đầu tư khởi công Dự án nâng cấp hệ thống thuỷ lợi thích ứng với biến đổi khí hậu bằng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Từ nguồn thu tiền sử dụng đất các khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư trên điạ bàn, các huyện cũng bố trí vốn để đầu tư các công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều đã được tỉnh quyết định đầu tư. Trong đó huyện Trực Ninh sẽ khởi công mới dự án gia cố kè và nâng cấp đường bờ kênh Sẻ đoạn từ cống sông Sẻ đê tả Ninh Cơ xã Trực Hùng đến cầu sông Sẻ xã Trực Cường. Huyện Xuân Trường sẽ khởi công mới kè sông Tàu 1 đoạn từ cầu trung tâm xã đến cống Tàu xã Xuân Hoà. Huyện Giao Thuỷ sẽ khởi công dự án kiên cố hoá kênh Giao Sơn, đoạn từ cầu Chợ đến cầu Giao Sơn; xây dựng kè bờ sông giáp xã Giao Nhân đến cầu Đình xã Giao Hải (kè hai bên bờ sông). Huyện Hải Hậu sẽ khởi công mới công trình nạo vét, kiên cố hoá kênh Doanh Châu B, kênh 6 xã và các tuyến kênh nhánh xã Hải Phương.

Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố; tham mưu với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt tại các địa điểm xung yếu có nguy cơ cao để đảm bảo năng lực phòng chống thiên tai, kết hợp phục vụ giao thông phát triển kinh tế - xã hội của các công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com