Chủ động phòng, chống rét cho con nuôi thủy sản

08:39, 05/01/2024

Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc xuống thấp; tại Nam Định nhiệt độ trung bình dao động từ 10-12 độ C đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các hộ nuôi thủy sản.

Người dân xã Thành Lợi (Vụ Bản) chủ động thu hoạch các loại cá đạt kích cỡ, trọng lượng nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại.
Bài và ảnh: Văn Đại
Người dân xã Thành Lợi (Vụ Bản) chủ động thu hoạch các loại cá đạt kích cỡ, trọng lượng nhằm giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại. 

Đồng chí Nguyễn Thị Hiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên cho biết: Trước tình hình rét đậm, rét hại có thể ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng, phát triển của các loại con nuôi thủy sản, Phòng đã có văn bản đề nghị các xã, thị trấn, các HTX trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra do nhiệt độ xuống thấp; phân công cán bộ giám sát, hướng dẫn thực hiện phòng, chống rét cho con nuôi thủy sản. Tại huyện Xuân Trường, năm nay HTX Sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa duy trì diện tích hơn 25ha nuôi thủy sản các loại, trong đó chủ yếu là cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép giòn và một số loại cá truyền thống. Để hạn chế những ảnh hưởng từ các đợt không khí lạnh tràn về, HTX tích cực tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, bảo vệ thủy sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Xuân Hòa Lê Văn Bản cho biết: HTX đã chủ động mở các cống lấy nước và bơm nước vào vùng nuôi thủy sản, tạo thuận lợi cho các hộ giữ mực nước ao nuôi thích hợp từ 1,5-2m để duy trì nhiệt độ nước ổn định và thúc đẩy cá vận động chống rét. Trong quá trình nuôi, các hộ chú ý chăm sóc, quản lý, cho con nuôi thủy sản ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để cá sinh trưởng, tăng sức đề kháng, tích lũy chất dinh dưỡng chống chịu tốt trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp; tùy vào nhiệt độ môi trường và giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi sẽ điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, bổ sung độ đạm tối thiểu 28%, vitamin C, B-Complex vào thức ăn để tăng sức đề kháng, thời gian cho cá ăn từ 9-10 giờ sáng hoặc 14 giờ hàng ngày để tăng sức đề kháng cho thủy sản. Đối với các đối tượng thủy sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện thực hiện các biện pháp chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém sẽ được tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xảy ra hiện tượng thủy sản chết do rét đậm, rét hại.

Tại các vùng nuôi thủy sản 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng dù có tác động bất thuận từ thời tiết nhưng nhờ người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống rét cho cá, tôm, cua nuôi vụ đông nên về cơ bản chưa có thiệt hại xảy ra. Các vùng nuôi thủy sản lớn như: Hải Hòa, Hải Triều, Hải Đông, Hải Lý (Hải Hậu); Giao Thiện, Giao An, Giao Xuân, Giao Hải, Bạch Long, Giao Phong (Giao Thủy); Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nam Điền (Nghĩa Hưng)… việc chống rét cho các loại cá vược, cá song, cua, tôm vụ đông được người dân chủ động bằng cách bảo đảm đủ độ sâu ao nuôi, tăng cường chăm sóc, bảo vệ con nuôi. Xã Giao Phong hiện có hơn 114ha nuôi thủy sản. Ông Cao Văn Ba, hộ nuôi quy mô lớn của xã cho biết: “Nhà tôi đang nuôi thả 3,5ha tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao, với nhà màng phủ kín nên khả năng chống rét khá tốt. Dự kiến toàn bộ diện tích nuôi tôm sẽ cho thu hoạch vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Khi có thông tin trời chuyển lạnh, có gió mùa tăng cường, gia đình tôi chủ động thực hiện ngay các biện pháp chống rét cho tôm. Cùng với việc duy trì mực nước ao nuôi đủ sâu, sạch, tôi còn thường xuyên cho tôm ăn đủ lượng, sử dụng các loại thức ăn bảo đảm chất lượng. Định kỳ 2 lần/tuần bổ sung các chất khoáng, vitamin tổng hợp để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Khi nhiệt độ nước ao nuôi thấp dưới 15 độ C thì ngừng cho ăn, trong ngày khi trời nắng ấm mới cho ăn để tôm có đủ lượng dinh dưỡng cần thiết duy trì sự phát triển bảo đảm năng suất, chất lượng tôm thương phẩm”. 

Năm nay, tổng diện tích nuôi thủy sản của tỉnh đạt gần 15.300 nghìn ha, trong đó thuỷ sản nước ngọt là 9.000ha, còn lại là diện tích nuôi thủy sản mặn lợ. Các đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá trắm, trôi, chép, diêu hồng, lóc bông, lăng… Một số đối tượng thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế cao như ếch, ba ba, lươn, chạch đồng, ốc nhồi, trê lai cũng được người dân quan tâm nuôi vì mang lại thu nhập cao. Diện tích nuôi tôm nước lợ, tôm thẻ chân trắng vẫn được người nuôi tại các địa phương quan tâm duy trì, đầu tư với mức độ thâm canh ngày càng cao. Dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, do đó ngoài các biện pháp chống rét đã thực hiện, người nuôi cũng cần quan tâm đến chế độ cho ăn, chủ động theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư thiết yếu phục vụ phòng, chống rét, bảo vệ sức khỏe đối tượng thủy sản nuôi./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com