Yên Khánh phát triển nuôi thủy sản nội đồng

17:03, 17/12/2023

Để khắc phục khó khăn của vùng đồng chiêm trũng, những năm qua, xã Yên Khánh (Ý Yên) đã thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản nước ngọt, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Anh Hoàng Trọng Tú, thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh chăm sóc đàn cá nước ngọt truyền thống.
Anh Hoàng Trọng Tú, thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh chăm sóc đàn cá nước ngọt truyền thống.

Để tạo điều kiện cho người dân khai thác lợi thế tự nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nuôi thủy sản, UBND xã bám sát quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi thủy sản mở rộng diện tích, tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư phát triển các mô hình, đa dạng các đối tượng nuôi. Xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt giúp các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Từ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Hiện toàn xã có khoảng 50 hộ nuôi thủy sản với tổng diện tích gần 53ha với các loại cá nước ngọt truyền thống, cá trắm đen, cá chim, cá chạch…

Phát triển nuôi thuỷ sản, trên địa bàn xã đã có nhiều hộ nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như anh Hoàng Trọng Tú, thôn Dưỡng Chính có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt khoảng 20 năm. Trừ khu ao chuyên để trồng lúa, năng suất không cao, anh đã đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng, tu sửa lại bờ ao, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước… Hiện anh Tú đang tập trung nuôi các loại cá truyền thống như: cá trắm, cá mè, cá trôi, cá chép, cá chuối… trên diện tích 2,4ha. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, anh còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng tổ chức. Theo anh Tú, thời tiết năm nay biến đổi thất thường nên anh phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá. Để hạn chế những tác hại từ nguồn nước, anh tăng cường hệ thống quạt nước, thường xuyên theo dõi nguồn nước để có những biện pháp phòng, chống kịp thời. Ngoài ra, sau mỗi vụ thu hoạch cá, anh lại tháo nước, dọn cá tạp, rắc vôi khử trùng ao nuôi. Hàng năm, anh thu hoạch 4-6 tấn cá thương phẩm, xuất bán ra thị trường các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và phục vụ nhu cầu người nuôi trên địa bàn xã và một số xã lân cận.

Hộ anh Hoàng Trọng Toản, thôn Dưỡng Chính có 1,7ha nuôi cá trắm đen và cá chuối, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 3,7 tấn. Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật, nên gia đình anh đầu tư chưa đạt hiệu quả. Được sự khuyến khích, hỗ trợ của chính quyền địa phương, để chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi thủy sản, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và dồn thêm khoản tiền dành dụm được để đào ao, đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển sang nuôi cá. Hơn 10 năm nuôi cá chuối, anh Toản cho biết: “Cá chuối hay còn gọi là cá quả, có khả năng nhảy phóng rất cao nên quá trình nuôi phải luôn chú ý để tránh bị hao hụt, nhất là khi mưa rào phải luôn chủ động thăm ao vì khi có dòng nước chảy hoặc trời mưa sẽ tạo điều kiện kích thích cá quả nhảy đi. Hàng ngày đều theo dõi khả năng bắt mồi của cá, nếu cá giảm ăn hoặc lượng thức ăn không tăng là có vấn đề. Hoặc là cá có dấu hiệu bị bệnh, hoặc là môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, thiếu ôxy, khi đó cần kiểm tra màu nước của ao nuôi để có cách thay nước hợp lý”. Cá trắm đen, cá chuối là những loại cá có ưu điểm thịt chắc ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại cá khác nên được thị trường ưa chuộng. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà anh để mua.

Hộ anh Nguyễn Văn Chấp thôn Tu Cổ có 2ha nuôi cá chạch, mỗi năm thu hoạch được khoảng 4,2 tấn cá thương phầm. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chạch hiệu quả, anh Chấp cho biết: “Để nuôi cá chạch sụn thành công thì phải qua nhiều công đoạn, từ khâu thiết kế ao, lượng nước, chọn giống, chăm sóc cá chạch thương phẩm… Đầu tiên tôi xử lý ao nuôi, rắc vôi bột dưới đáy ao và phơi khô từ 5-7 ngày; đồng thời xử lý bờ ao nuôi cá chạch kiên cố, tránh cá thất thoát ra bên ngoài. Sau khi khử khuẩn, kiên cố bờ ao, tôi mới tiến hành đưa nước vào ao đảm bảo không bị ô nhiễm, nước cấp vào ao sâu khoảng 1,2m và sử dụng các chế phẩm sinh học diệt khuẩn ao nuôi, cũng như nuôi cấy vi sinh… Sau 5 ngày mới thả cá hương (cá chạch), mật độ khoảng 130 con cá hương/m2”. Anh cũng nhấn mạnh nên chọn mua con giống ở những nơi tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, con giống không dị hình, trầy xước và đặc biệt là không có dấu hiệu bị dịch bệnh là yếu tố hết sức quan trọng, quyết định năng suất.

Trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, các hộ dân trên địa bàn xã Yên Khánh luôn tích cực lao động sản xuất, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, mong chờ những vụ cá thắng lợi, tiếp tục là một trong những nghề chính, góp phần nâng cao hiệu quả đời sống của người dân. Đồng chí Hà Minh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Khánh cho biết: “Để nghề nuôi thủy sản nội đồng của địa phương tiếp tục phát triển, Hội Nông dân xã sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng như các cơ quan chức năng để đẩy mạnh tìm ra đối tượng nuôi mới, giảm thiểu tình hình dịch bệnh, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hội Nông dân xã cũng sẽ kết hợp các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư các hộ nuôi liên kết, tạo vùng sản xuất tập trung nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để có lượng hàng hóa lớn, thuận lợi tiêu thụ”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com