Năm 2023, lần đầu tiên GRDP của tỉnh Nam Định đạt mức tăng trưởng 2 con số, với mức tăng 10,19% so với năm 2022.
Tăng trưởng ngoạn mục
Theo thông báo của Tổng cục Thống kê, thông báo số liệu GRDP năm 2023 của tỉnh Nam Định năm 2023 ước tăng 10,19% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Nam Định và cũng là lần đầu tiên GRDP của tỉnh này đạt mức tăng trưởng hai con số. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,45%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,95%; khu vực dịch vụ tăng 7,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,38%.
Với mức tăng này, Nam định xếp thứ 6 toàn quốc về mức tăng trưởng GRDP, chỉ sau các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng. Xếp thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Hồng, sau các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng.
Chưa bao giờ tỉnh Nam Định dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế |
Ông Trần Anh Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, năm 2023 mặc dù kinh tế trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của chính quyền các cấp cùng nỗ lực của toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định trong năm 2023 tiếp tục ổn định, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2020-2050, Nam Định xác định tổng mức đầu tư các dự án ưu tiên khoảng 681.320 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 khoảng 54.690 tỉ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 107.010 tỉ đồng và khoảng 519.620 tỉ đồng trong giai đoạn 2030-2050. Phương thức "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" tiếp tục được chú trọng nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư bên ngoài.
Do đó, ngân sách tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình lớn, không đầu tư dàn trải và ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, các dự án thoát nước, xử lý môi trường, các công trình thủy lợi… Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và phát triển doanh nghiệp và tổ công tác trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý thông tin nhằm kịp thời giải quyết phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Từ thuần nông tới địa chỉ mới đầu tư nước ngoài
Ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, Nam Định đang là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… Để phục vụ tốt nhất cho hoạt động đầu tư, tỉnh đã thiết kế hai nguồn điện riêng phục vụ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp, do đó Nam Định cam kết không cắt điện, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, sức thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định được ghi dấu mạnh mẽ bởi một số dự án lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài như: Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định; Tập đoàn JiaWei đầu tư nhóm ba dự án sản xuất đồ gia dụng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận với tổng số vốn dự kiến khoảng 100 triệu USD. Cũng tại KCN Mỹ Thuận, Tập đoàn Quanta Computer Inc cũng đầu tư dự án sản xuất máy tính với công suất thiết kế dự kiến 4,5 triệu máy/năm. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án SANBANG PTE.LTD (Singapore) sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY tại Khu công nghiệp Rạng Đông,…
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định chiếm tỉ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, tính đến ngày 15/9/2023, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 36 dự án (bao gồm 25 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI) với tổng số vốn đăng ký 1.835,3 tỷ đồng và 181,9 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 10 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 178,5 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giang - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông, trong quá trình doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Rạng Đông, các khó khăn vướng mắc về hoàn tất thủ tục, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh công năng sử dụng đất... đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định hỗ trợ kịp thời.
Được biết, trong thời gian tới, các công trình trọng điểm của Nhà nước sẽ được Nam Định tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, như: Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định (2020-2024) có tổng mức đầu tư 2.655 tỷ đồng. Dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (2022-2027) có tổng mức 5.995 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi (2022-2025) tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (2022-2025) tổng mức đầu tư 1.499 tỷ đồng;…
Các công trình phát triển cơ sở hạ tầng xúc tiến thu hút đầu tư cũng sẽ tiếp tục được huy động tối đa nguồn lực: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh mở rộng, CCN Yên Bằng, CCN Thanh Côi đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng kỹ thuật, đồng thời xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Có thể nói chưa bao giờ tỉnh Nam Định dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo diendandoanhnghiep.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin