Thu ngân sách vượt dự toán trong bối cảnh nhiều khó khăn

07:56, 14/12/2023

Năm 2023, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh gặp nhiều bất thuận. Nền kinh tế khó khăn, tăng trưởng chậm. Để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh Chính phủ triển khai các chính sách ưu đãi giãn, giảm nhiều loại thuế. Thị trường bất động sản trầm lắng, nguy cơ không đạt chỉ tiêu thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong bối cảnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã tăng cường trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, gia tăng giải pháp thiết thực để thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.

Khu dân cư tập trung Giao Tiến được huyện Giao Thuỷ đưa ra đấu giá dịp cuối năm 2023 nhằm tăng thu ngân sách.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Khu dân cư tập trung Giao Tiến được huyện Giao Thuỷ đưa ra đấu giá dịp cuối năm 2023 nhằm tăng thu ngân sách. 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, tổng thu nội địa cân đối NSNN ước thực hiện 9.660 tỷ đồng, tăng 10% dự toán. Trong đó, có 15/18 khoản thu đạt và vượt dự toán; nhiều khoản thu vượt dự toán ở mức cao như là: Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỷ đồng, vượt 81% dự toán. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 31 tỷ đồng, vượt 48% dự toán. Thu hoa lợi công sản, quỹ đất công ích... tại xã đạt 46 tỷ đồng, vượt 31% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý đạt 34 tỷ đồng, vượt 21% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 420 tỷ đồng, vượt 20% dự toán. Thu phí, lệ phí đạt 94 tỷ đồng, bằng 11% dự toán. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 930 tỷ đồng, vượt 3% dự toán. Thuế thu nhập cá nhân đạt 380 tỷ đồng, vượt 9% dự toán. Thu hoạt động xổ số kiến thiết đạt 43 tỷ đồng, vượt 8% dự toán. Đặc biệt, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn, dù gặp nhiều bất thuận vẫn đạt 5.760 tỷ đồng, vượt 13% dự toán...

Để đạt những kết quả tích cực này, tỉnh đặc biệt chú trọng kiểm soát các khoản thu lớn, thường xuyên đôn đốc, bám sát, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Ngay khi nắm bắt tình hình khó khăn trong thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tỉnh đã tập trung yêu cầu các sở, ngành, các huyện, thành phố cần ưu tiên nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, tăng tốc phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu pháp lệnh về thu tiền sử dụng đất. Đồng thời liên tục chỉ đạo Cục Thuế tỉnh và các địa phương đánh giá tình hình, xác định cụ thể vướng mắc, khó khăn thuộc cấp nào và bàn các giải pháp giải quyết để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2023. Từ tháng 5 đến tháng 9-2023, 3 Tổ công tác của UBND tỉnh (thành lập theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14-4-2023) đã trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành tích cực, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ, hướng dẫn các huyện, thành phố phương án xử lý, tháo gỡ đối với các nội dung vướng mắc, thúc đẩy tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Tổ công tác đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát lại toàn bộ các dự án hạ tầng khu đô thị, khu dân cư đã và đang triển khai, các dự án đã đưa vào trung hạn có khả năng thực hiện, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, sớm có đất thương phẩm để tổ chức đấu giá.

Xác định chỉ tiêu thu NSNN là chỉ tiêu pháp lệnh, các huyện, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giao nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất cho từng phòng, ban chuyên môn; tích cực kiểm tra đốc thúc từng xã, phường, thị trấn chưa chủ động, chậm thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá quyền sử dụng đất đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo quy định. Các huyện, thành phố linh hoạt thực hiện đa dạng hoá các hình thức đấu giá đất, đấu thầu các dự án hạ tầng. Đối với đất hạ tầng khu đô thị, khu dân cư các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đấu giá khoa học, phù hợp với thị trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục, hồ sơ về đấu giá quyền sử dụng đất; mạnh dạn tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện đầu tư các dự án (đã có quy trình được UBND tỉnh phê duyệt cuối năm 2022) để có đất thương phẩm đưa vào tổ chức đấu giá, cung ứng theo nhu cầu của người dân. Đồng chí Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thuỷ cho biết: “Không chỉ áp dụng các giải pháp trọng tâm như các địa phương khác theo chỉ đạo của tỉnh, huyện Giao Thuỷ đặc biệt chú trọng rà soát nhu cầu của thị trường để chủ động cung ứng các khu đô thị, khu dân cư có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nhằm nâng cao giá trị thu của từng phiên đấu giá đất. Trong đó, chủ động lựa chọn các khu đất có vị trí trung tâm huyện, hoặc các xã, thị trấn có nhiều dự án lớn đang và chuẩn bị triển khai. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng thực hiện tốt công tác xác định giá khởi điểm để kích thích nhu cầu của người mua đất”.

Các địa phương còn tích cực phối hợp với sở, ngành, các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 398/UBND-VP6 ngày 13-9-2022. Nguồn thu từ đất xen kẹt chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng thu NSNN của địa phương trong năm 2023. Tại huyện Xuân Trường, chỉ tính riêng nguồn thu từ đấu giá đất xen kẹt của xã Xuân Thượng ước bằng gần 1/5 tổng thu ngân sách của cả huyện trong năm 2023. Theo đồng chí Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng (Xuân Trường): “Để đạt kết quả cao trong thu NSNN từ quỹ đất xen kẹt, xã đặc biệt quan tâm khảo sát vị trí, đảm bảo sẵn sàng mặt bằng sạch, đất không có tranh chấp, lấn chiếm trồng cây, xây dựng lán tạm... trước khi đem vào đấu giá. Xã còn tăng cường công khai thông tin lên các nền tảng mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm tăng độ lan tỏa thông tin về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Xã cũng chú trọng cung ứng các thông tin thực tế về tiềm năng, lợi thế trong cư trú, sinh sống và tham gia phát triển kinh tế khi sở hữu quỹ đất mà địa phương sẽ tổ chức đấu giá. Nhờ đó, trong số 47 lô đất xen kẹt đấu giá thành công đợt cuối năm 2023, có hơn 20 người tham gia đấu giá là người dân không cư trú tại địa bàn xã; đặc biệt có người từ huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng về tham gia đấu giá thành công quỹ đất xen kẹt của Xuân Thượng”.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lãnh đạo, chỉ đạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, tăng thu cho ngân sách…

Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất có thể, ngành Thuế tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của tỉnh, triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ trong toàn ngành. Chú trọng giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình kê khai thuế, tiến độ thu nộp ngân sách; đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn dư địa thu để kịp thời triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu NSNN, đặc biệt ở các lĩnh vực có dư địa tăng thu và rủi ro cao về thuế như chống chuyển giá, hoạt động thương mại điện tử... Cương quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế đối với các đơn vị chây ỳ nợ thuế chống thất thu NSNN.

Năm 2024 là năm bản lề trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 được dự báo tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế cả nước dù duy trì đà phục hồi, phát triển nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Những kết quả đạt được năm 2023 sẽ tạo tiền đề, động lực quan trọng cho công tác thu NSNN năm 2024 của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com