Huyện Nam Trực có lợi thế về sản xuất cơ khí, dệt may; có nhiều làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp truyền thống lâu đời, sản phẩm làng nghề đã định vị vững chắc trên thị trường.
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Cơ khí Hà Ninh, Cụm công nghiệp Đồng Côi (Nam Trực). |
Năm 2023, huyện đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng công nghiệp. UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung phương án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, nâng tổng số lên 1 KCN, 8 CCN tổng diện tích là 575ha. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN theo quy hoạch. Ngoài các CCN Vân Chàng quy mô 6,7ha tại thôn Vân Chàng và CCN Đồng Côi 1 quy mô 15,15ha đều ở thị trấn Nam Giang đã đi vào hoạt động ổn định thì một số CCN trong quy hoạch cũng đã có nhà đầu tư tiếp cận đánh giá cơ hội hoặc đang triển khai xây dựng. CCN Đồng Côi 2 quy mô 24,8ha, hiện đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, do Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Nam Giang làm chủ đầu tư, đang triển khai thi công xây dựng hạ tầng. CCN Tân Thịnh quy mô 50ha tại xã Tân Thịnh đang được Công ty Cổ phần Tập đoàn BMK triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật; huyện đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phần đất thu hồi thuộc phạm vi dự án. CCN Đồng Thái quy mô khoảng 71,6ha tại xã Đồng Sơn đã được Công ty Đầu tư phát triển nhà và hạ tầng TKV (thành phố Hà Nội) nghiên cứu khảo sát đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN giai đoạn I với diện tích khoảng 50ha. CCN Nam Thanh 2 quy mô khoảng 57ha tại thôn Du Tư, xã Nam Thanh đã được Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phú Xuân (thành phố Hà Nội) đang nghiên cứu khảo sát đầu tư. KCN Nam Hồng quy mô khoảng 200ha tại xã Nam Hồng cũng đã có nhà đầu tư về khảo sát. Bên cạnh đó, còn 3 CCN đều có quy mô 59ha là Nam Thanh 1 tại xã Nam Thanh; Hải Lợi tại xã Nam Hải và xã Nam Lợi; Nam Thái tại xã Nam Thái huyện cũng đã xúc tiến sẵn sàng các điều kiện thuận lợi, sớm triển khai các công đoạn đầu tư.
Huyện còn quan tâm huy động, bố trí các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông để kết nối liên thông với các huyện trong tỉnh và từ đó kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, của quốc gia… tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hoá, tăng điểm trong thu hút đầu tư. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện có 4 dự án giao thông đã cơ bản hoàn tất thi công, đưa vào khai thác gồm: đường An Thắng đã đạt khoảng 95% khối lượng; cầu và đường vào Trường THPT Lý Tự Trọng; nâng cấp tuyến đường số 8 xã Điền Xá; nâng cấp đường An Quang. Ngoài ra tuyến đường liên xã Nam Hùng - Bình Minh (đoạn từ đường Hùng Dương đến tỉnh lộ 487B) đã thi công nâng cấp được 30% khối lượng theo hợp đồng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 4 dự án giao thông trọng điểm của tỉnh đang thực hiện thủ tục đầu tư gồm: Nâng cấp đường Thái Hải với tổng vốn 61,9 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường liên xã Nam Cường - Hồng Quang (đoạn từ trạm bơm Đông Chợ, xã Nam Cường đến Quốc lộ 21B) với tổng vốn 14,96 tỷ đồng; nâng cấp đường Phong Quang với tổng vốn 70 tỷ đồng; nâng cấp đường liên xã Nam Thanh - Nam Lợi với tổng vốn 57 tỷ đồng; nâng cấp đường liên xã Nam Hồng - Nam Thanh với tổng vốn 67 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp suy giảm nhiều đơn hàng, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách, quy định hỗ trợ của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đáng kể, các tổ chức tín dụng đã bảo đảm thực hiện nghiêm các chính sách tiền tệ, tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, nhất là vốn cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Các ngành, các địa phương quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu. Năm 2023, huyện đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại 6 xã gồm: Nam Mỹ, Nam Thắng, Nam Hồng, Nam Dương, Nam Lợi, Nam Tiến; đã góp phần nâng tầm, bảo đảm các tiêu chí chất lượng cho 10 sản phẩm được công nhận đạt quy chuẩn OCOP (trong đó có 8 sản phẩm được công nhận mới và 2 sản phẩm công nhận lại)... Huyện tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nên đã xếp thứ 2 toàn tỉnh về cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thuận lợi các thủ tục hành chính; đồng thời là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là ở các ngành chủ lực của huyện như dệt may, cơ khí đều vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần giúp giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) của huyện ước đạt 8.300 tỷ đồng, tăng 13% so với năm ngoái.
Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nam Tiến, xã Nam Tiến (Nam Trực). |
Năm 2024, huyện Nam Trực ưu tiên đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng: Tuyến đường trục phía nam thành phố Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; CCN Tân Thịnh, Dự án đường dây 500kV Nam Định I - Phố Nối đoạn tuyến qua địa bàn huyện Nam Trực. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp sớm đi vào hoạt động, điển hình là Dự án xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện tử, đồ chơi, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại xã Đồng Sơn... Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư thứ cấp, nhất là các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao đầu tư vào các khu, CCN. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo ổn định và lành mạnh hoá thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Nam Trực phấn đấu tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành khâu đột phá quan trọng nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin