Gìn giữ nghề khảm trai, ốc ở La Xuyên

18:43, 14/12/2023

Khác với nhiều thanh niên trong thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên), anh Ninh Văn Nguyên không chọn nghề mộc để lập nghiệp mà rẽ hướng sang làm khảm trai, ốc. Anh chia sẻ “Đối với tôi, những dải hoa, phong cảnh quê hương, con người… khi được khảm xong trở nên lung linh, sống động, “có hồn” hơn. Tôi cảm nhận được sự tài hoa, cái tâm, cái tình của người thợ gửi gắm vào mỗi “tác phẩm” khảm, vì vậy quyết gắn bó với nghề này”.

Người thợ tỉ mỉ từng công đoạn chạm khảm trai, ốc.
Người thợ tỉ mỉ từng công đoạn chạm khảm trai, ốc.

Năm 2009, khi vừa tròn 20 tuổi, anh Nguyên quyết định “khăn gói” lên xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ) học thêm nghề khảm trai. Trước đó, anh đã lân la “học mót” nghề của những thợ khảm trong làng và từ những thợ mộc Phú Xuyên xuống làng làm mộc. “Những năm đó, làng tôi có rất nhiều cánh thợ từ các nơi đổ về làm đồ gỗ. Họ tham gia vào mọi công đoạn trong nghề mộc, trong đó có khảm. Từ các vật liệu như trai, ốc, qua bàn tay của thợ nghề, một “thế giới mới” với những hoa lá, chim muông hiện lên sống động vô cùng. Hồi đó, làng tôi cũng không có nhiều hộ gia đình làm khảm trai nên tôi quyết định đi học thêm nghề”, anh Nguyên tâm sự về “cơ duyên” đến với nghề khảm. Trong 6 tháng miệt mài học khảm trai, ốc ở Phú Xuyên, Nguyên đã nắm được các kỹ thuật của nghề. Cuối năm đó, anh về mở cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ chạm khảm Thái Nguyên. Anh Nguyên cho biết thêm: “Học các kỹ năng khảm khá đơn giản nhưng để làm ra sản phẩm khảm trai tinh tế, bảo đảm mỹ thuật thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ngoài hoa tay, con mắt nghệ thuật còn phải có tính kiên trì, nhẫn nại. Làm nghề này nếu “nôn nóng” thì dễ hỏng việc, không rèn được nghề”.

Để tạo ra một sản phẩm khảm trai, ốc đẹp, những thợ khảm ở La Xuyên rất cẩn trọng từ khâu chọn nguyên liệu. Theo đó, sau khi nhập nguyên liệu về, họ thường tự tay lựa từng vỏ ốc, trai; tiến hành gia công làm mềm, mài nhẵn, ép phẳng rồi cuối cùng chọn lấy phần nguyên liệu tinh khiết loại một dùng để khảm. Bởi, cũng theo những thợ nghề, chọn được nguyên liệu tốt sẽ quyết định thành công của sản phẩm. Trước đây, do không có máy ép, người thợ khảm phải làm thủ công, nên vỏ trai, ốc dễ bị vỡ. Ngày nay, công đoạn này đã có sự hỗ trợ của máy móc, vì vậy hạn chế được tối đa những “rủi ro” trong khâu chế biến nguyên liệu. Theo đó, các thợ khảm sử dụng 1 loại máy ép, xếp chồng những miếng trai ốc để lên trên mặt bàn và điều chỉnh lực ép để ép phẳng nguyên liệu. Thợ khảm dùng vỏ trai ta với các loại trai khác nhau để khảm như: Trai cánh mảnh nhỏ có màu sẫm, trai thịt trắng có vỏ dày, trai ngọc môi vàng, trai có nhiều vân... Trai ngọc môi vàng thường có kích thước lớn, mặt trong có lớp màu óng ánh như sắc cầu vồng nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đối với ốc, theo anh Nguyên, làng nghề phải nhập các loại ốc ngoại từ Singapore và Indonesia làm nguyên liệu khảm. Trong đó, loại ốc đỏ lửa vàng chanh là nguyên liệu quý hiếm bởi màu sắc đẹp, thường dùng để tạo cảnh núi non, cánh phượng, cánh công, hay họa tiết trên những bức tranh áo gấm của vua chúa trong các bức khảm. Nếu ốc đỏ lửa vàng chanh đã là nguyên liệu quý hiếm thì ốc đỏ có các vân màu xanh tím tía còn quý giá hơn nữa, thậm chí đắt hơn vàng. Chọn và xử lý nguyên liệu xong xuôi, thợ khảm tiến hành các công đoạn: vẽ mẫu trên vỏ ốc, trai; dùng cưa để cắt vỏ trai, ốc theo đường vẽ; lấy mẫu trai, ốc đã cưa vẽ trên mặt gỗ rồi chạm đục sâu 1mm; chít keo cốn lên các rãnh rồi gắn trai, ốc; sau cùng là công đoạn mài, tách, tỉa, đánh bóng…  

Anh Ninh Văn Nguyên, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) giới thiệu các sản phẩm khảm trai, ốc giá trị do anh và những người thợ dày công chạm khảm. ĐT
Anh Ninh Văn Nguyên, thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) giới thiệu các sản phẩm khảm trai, ốc giá trị do anh và những người thợ dày công chạm khảm. 

Theo anh Nguyên cũng như những thợ nghề lâu năm trong nghề khảm trai, ốc, khâu xen lọng và khảm trên những sợi dây dưa, dây nho là khó nhất. Bởi, đây là những hoạ tiết rất nhỏ, thậm chí chỉ nhỏ như sợi tóc, nếu không khéo léo, kiên trì, người thợ có thể làm “gẫy” sản phẩm bất cứ lúc nào. Không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, quá trình làm khảm trai còn đòi hỏi mỗi người thợ phải biết phối màu hài hoà cho sản phẩm. “Nói cách khác, mỗi thợ khảm còn phải tự “trang bị” cho mình con mắt nghệ thuật tinh tường để “mix” các màu sắc khác nhau của vỏ trai, ốc khi khảm lên gỗ hài hoà, nổi được màu tự nhiên của nguyên liệu”, anh Nguyên chia sẻ thêm.

Trước đây, các thợ khảm ở La Xuyên chủ yếu khảm trên các sản phẩm như hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình, đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ tứ quý “tùng, trúc, cúc, mai”. Ngày nay, ngoài sản phẩm “truyền thống”, để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người đam mê đồ khảm trai, những thợ khảm ở La Xuyên đã tạo ra các sản phẩm khảm đa dạng hơn với các bức tranh phong cảnh non nước, khắc họa chân dung, khay đựng ấm trà, đĩa, hộp đựng trà, vỏ điện thoại, bàn cờ, giường... Nhờ vậy, sản phẩm khảm trai của làng nghề La Xuyên phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong làng có những cơ sở chạm khảm lớn như các gia đình: Thành Bắc, Tâm Tâm, Vững Tiệp, Thuý Hùng…

Anh Ninh Văn Nguyên, thôn La Xuyên giới thiệu các sản phẩm khảm trai, ốc giá trị do anh và những người thợ dày công chạm khảm.
Anh Ninh Văn Nguyên, thôn La Xuyên giới thiệu các sản phẩm khảm trai, ốc giá trị do anh và những người thợ dày công chạm khảm.

Mặc dù đã cố gắng đa dạng hoá sản phẩm, tuy nhiên nghề khảm trai, ốc ở La Xuyên hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ, khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đến từ việc người tiêu dùng ngày càng thờ ơ hơn với các sản phẩm khảm trai, ốc. “Những năm 2009, xưởng chạm khảm của gia đình tôi duy trì việc làm cho 4-5 lao động, mỗi năm xuất ra thị trường hàng trăm sản phẩm lớn, nhỏ. Sản phẩm nhỏ nhất cũng có giá từ vài trăm nghìn đồng, sản phẩm lớn có thể lên tới hàng tỉ đồng. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, hầu như các sản phẩm khảm rất khó bán. Từ đầu năm 2023 đến nay, tôi mới bán được khoảng chục sản phẩm khảm trai, ốc”, anh Nguyên cho biết. Lý do mà các sản phẩm khảm từ trai, ốc khó bán được các thợ làng nghề lý giải: Đồ khảm trai, ốc khó bảo quản, quá trình sử dụng hay bị bong tróc và giá thành tương đối cao. “Đầu ra” khó khăn, người theo nghề khảm trai, ốc trong làng ngày càng ít, đặc biệt là các thợ trẻ. Hiện, cả La Xuyên chỉ còn độ chục cơ sở chạm khảm. Cơ sở có quy mô lớn cũng chỉ tạo được việc làm cho khoảng 4-5 thợ, các cơ sở khác chủ yếu do chủ xưởng nhận hàng về rồi tự làm. Tuy nhiên vì đây là các mặt hàng thủ công mang giá trị kinh tế cao nên trung bình hàng năm, trừ chi phí mỗi cơ sở chạm khảm vẫn thu về trên dưới 100 triệu đồng. “Vì vẫn có thu nhập và yêu nghề nên hầu hết những người theo nghề khảm trai ở La Xuyên vẫn cố gắng duy trì, “bám trụ” nghề, chờ một ngày các “tác phẩm” khảm trai, ốc của làng nghề hưng thịnh trở lại”, một thợ nghề chạm khảm lâu năm giấu tên ở La Xuyên cho chúng tôi biết thêm.

Cùng với nghề mộc, trong quá trình phát triển nghề khảm trai, ốc ở La Xuyên trải qua bao thăng trầm. Nghề xưa giờ không còn “hút” thợ, hút thị trường nhưng vẫn còn đó giá trị thẩm mỹ, cái tâm, cái tài hoa của người thợ nghề dụng công trong mỗi tác phẩm. Những thợ nghề giàu tâm huyết ở La Xuyên đều hy vọng một ngày không xa, nghề khảm trai, ốc sẽ “khôi phục” lại, đưa làng nghề ngày càng phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân
 



Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpKho tàng đơn xin việc mẫu chuyên nghiệp

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com