Cùng với các chính sách của Trung ương, Nam Định luôn lựa chọn các lĩnh vực có tính đột phá để áp dụng ban hành cơ chế, chương trình phù hợp, tạo động lực, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn.
Nhờ được hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật canh tác, nông dân xã Hải Long (Hải Hậu) đã đạt năng suất, chất lượng cao, gia tăng thu nhập trong sản xuất ổi lê theo quy mô hàng hoá. |
Để gia tăng tính kết nối trong phát triển kinh tế nông thôn, tỉnh ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng giao thông lớn, có tính liên kết các vùng nông thôn với các vùng kinh tế trọng điểm của vùng, quốc gia, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2023 toàn tỉnh đã huy động 22,25 tỷ đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới để cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn từ đường dong xóm, trục xã đến các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ, tăng năng lực giao thông vận tải cho các địa phương trong tỉnh. Hệ thống công trình thủy lợi từ cấp tỉnh đến cấp xã được chú trọng cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, đặc biệt là các yêu cầu chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng hiệu quả. Bên cạnh đó, trong những năm qua, tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch, bố trí quỹ đất và tập trung thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) như: KCN Dệt may Rạng Đông, KCN Mỹ Thuận; CCN Yên Bằng, CCN Thanh Côi...; từng bước di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm khỏi khu vực đông dân cư để đưa vào sản xuất tập trung. Các ngành, các địa phương tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng hiện đại, quy mô lớn; tích cực hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để chuyển đổi một bộ phận lao động nông thôn sang làm công nghiệp, dịch vụ theo hướng đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của các doanh nghiệp và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2018-2022, tại khu vực nông thôn bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ khoảng 37 tỷ đồng triển khai 113 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, 9 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; bằng nguồn kinh phí khuyến công tỉnh đã hỗ trợ khoảng 18,6 tỷ đồng triển khai 52 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, 17 đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới. Ngành ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Trong năm 2023, ước tính dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ trọng 53,1% so với tổng dự nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn.
Tỉnh quan tâm, chỉ đạo, thực hiện đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp theo hướng tổ chức lại các hợp tác xã (HTX) hiện có và khuyến khích hộ thành viên thành lập mới các HTX theo Luật HTX năm 2012. Kinh tế tập thể và HTX nông nghiệp trong tỉnh có bước phát triển rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 385 HTX nông nghiệp, trong đó thành lập mới 9 HTX. Năm 2023, tổng số vốn hoạt động của HTX ước đạt 652,872 tỷ đồng, bình quân vốn đạt 1,695 tỷ đồng/HTX; thu nhập bình quân người lao động làm việc trong HTX đạt 24 triệu đồng/năm. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt; sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm. Kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 3,5%/năm; năm 2022 giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp là 134,7 triệu đồng và đất nuôi trồng thủy sản đạt 412,5 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; trong đó, sản phẩm thóc tăng cả về sản lượng và giá trị.
Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tăng sản phẩm chế biến sâu. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, như các Công ty TNHH: Minh Dương; Toản Xuân; Cường Tân; MTV Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành; Công Danh; Thủy sản Lenger Việt Nam; Hải sản Hùng Vương; Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát... Việc kinh doanh nông sản cũng chú trọng hướng tới tạo kênh tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo chuỗi, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Toàn tỉnh hiện đã hình thành 36 cơ sở kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc, đã xây dựng và phát triển ổn định 39 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, các hộ nông dân. Một số nông sản chủ lực của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản.
Các địa phương tập trung phát triển, củng cố, nâng cao chất lượng các ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 142 làng nghề, trong đó 80 làng nghề được công nhận, thu hút khoảng 42 nghìn lao động tham gia sản xuất, giá trị sản xuất đạt trên 7.000 tỷ đồng. Cùng với đó các địa phương còn tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; dự kiến hết năm 2023 toàn tỉnh có 388 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, một số địa phương như Hải Hậu, Giao Thuỷ có nhiều sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao.
Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Để tạo thêm việc làm tạo thu nhập cho người dân, các ngành, các địa phương đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ tại vùng nông thôn với các ngành phù hợp như dệt may, cơ khí chế tạo và đóng tàu, công nghiệp hoá dược, dược phẩm, nhựa, sản xuất và phân phối điện, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, thuỷ, hải sản. Tại huyện Nghĩa Hưng những năm gần đây liên tục thu hút được các doanh nghiệp tiềm năng đã và đang đầu tư các dự án quy mô lớn như là: Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã triển khai đầu tư dự án Công ty TNHH TOP TEXTILES tại KCN Dệt may Rạng Đông với diện tích 31,2ha; tổng mức đầu tư 203 triệu USD, tổng công suất dự kiến của toàn bộ dự án đạt 120 triệu mét vải/năm; dự kiến giai đoạn I của dự án sẽ hoàn tất xây dựng và đi vào hoạt động trong năm 2023; nhà đầu tư YU YUE, quốc tịch Hoa Kỳ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự kiến quý I-2024 sẽ khởi công dự án SANBANG PTE. LTD (Singapore) tại KCN Dệt may Rạng Đông với tổng vốn đầu tư 28,700 triệu USD để sản xuất các loại khăn, vải dệt, sợi DTY; Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư chuỗi 3 dự án sản xuất thép xanh trị giá gần 100 nghìn tỷ đồng; trong đó đã có 1 dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn được khởi công với giá trị đầu tư 900 tỷ đồng... Tại Hải Hậu, 3 CCCN (Hải Phương, Hải Minh, thị trấn Thịnh Long) đã thu hút 32 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho 8.000 lao động; khu vực ngoài CCN có 5 Công ty lớn gồm Công ty TNHH Viet Power tại xã Hải Tân, Công ty TNHH Smart Shirts Garment tại xã Hải Hà, Công ty Mve Techology. Ltd tại xã Hải Thanh, Công ty May Hải Đường, Công ty May MaxPort tại xã Hải Hưng với vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 11 nghìn lao động. Mới đây, tại Nam Trực đã thu hút được Công ty TNHH Công nghiệp Sinte Nam Định đầu tư xây dựng tổ hợp nhà máy sản xuất điện tử, đồ chơi, gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại công nghệ cao phục vụ xuất khẩu tại xã Đồng Sơn... Kinh tế du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn cũng được các địa phương tích cực thúc đẩy phát triển đã từng bước góp phần tạo sinh kế và nguồn thu nhập ổn định cho người dân nông thôn; trong đó tiêu biểu là sản phẩm du lịch nông thôn của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Ecohost được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kể trên đã góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thay đổi cơ cấu thu nhập và không ngừng nâng cao thu nhập của hộ dân nông thôn theo hướng bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin