Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của vùng, quốc gia, khu vực, quốc tế, tỉnh đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Nam Định 3 năm (2021-2023) ước đạt 144.106 tỷ đồng, tăng bình quân 12,4%/năm. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai 160 dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn. Nguồn lực từ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung nông thôn đã được phân cấp lại cho các huyện, thành phố để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới; phần còn lại lồng ghép với các nguồn lực khác để ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi. Trong đó, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm như: đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1); tỉnh lộ 487B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần (giai đoạn 1); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ).
Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của tỉnh Nam Định, dự báo tổng nhu cầu vốn của các dự án ưu tiên sẽ cần khoảng 725 nghìn tỷ đồng cho thời kỳ quy hoạch 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2020-2025 dự kiến cần khoảng 269 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 455,9 nghìn tỷ đồng. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu đề ra đến năm 2030, tỉnh định hướng cơ cấu vốn đầu tư, xác định các dự án, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư để chủ động đảm bảo tính đồng bộ của cả giai đoạn và tính khả thi trong thu hút, bố trí vốn cũng như triển khai đầu tư.
Nhiều cơ sở hạ tầng được tỉnh Nam Định chú trọng đầu tư. |
Đối với nhóm dự án thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, tỉnh Nam Định quan tâm đầu tư các dự án có tính cấp thiết để tháo gỡ, khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn cản trở quá trình phát triển của tỉnh, của ngành, địa phương; mang lại lợi ích kinh tế - xã hội tích cực, có tính lan tỏa sâu rộng giữa các vùng, miền; đảm bảo về môi trường, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
Cụ thể, ưu tiên đầu tư các dự án thuộc 4 nhóm ngành, lĩnh vực: giao thông, thủy lợi, điện và văn hóa xã hội. Hạ tầng giao thông ưu tiên đầu tư các dự án có tính kết nối liên vùng, đặc biệt là các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ; các tuyến đường tạo ra không gian phát triển mới, tuyến kết nối giao thông đối ngoại với vùng, các tỉnh có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, phát triển các ngành, sản phẩm, lĩnh vực quan trọng của địa phương.
Lĩnh vực thủy lợi, đê điều, ưu tiên lựa chọn các dự án phục vụ tưới, tiêu vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, tiêu cho các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) tập trung, các khu vực chưa đáp ứng yêu cầu tưới tiêu.
Lĩnh vực hạ tầng điện lực, ưu tiên đầu tư các dự án cấp điện phục vụ sản xuất, trọng tâm là các KCN, CCN mới, các khu vực đang thiếu hụt điện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, ưu tiên đầu tư các dự án trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh; đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao quan trọng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự chủ về đầu tư; tăng cường cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt chuẩn; đầu tư cơ sở bảo trợ xã hội công lập cơ sở cai nghiện…
Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, tỉnh chú trọng thu hút các dự án đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; phát triển sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghiệp; nông nghiệp và thủy sản. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển. Ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp thiết yếu và phù hợp như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu…; ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà tỉnh có lợi thế. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ưu tiên thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu…
Về đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương, đối với dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) thì khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đối với đầu tư trong nước, tỉnh ưu tiên kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ…
Bằng việc chủ động các dự án, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, Nam Định nỗ lực hướng tới thu hút được các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư các dự án phát triển trọng điểm với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Theo cand.com
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin